Tình đất, tình người miền Đông

Kiên Đàn
Đắk Nông
24/08/2023 15:00 GMT+7

"Ai đã qua vùng miền Đông đất đỏ, nghe máu đổ nhuộm hồng đỏ bao lần", lời bài hát năm xưa khái quát lên một vùng đất miền Đông trong chiến tranh rất kiên cường, "gian lao mà anh dũng"...

Hôm nay, trên chính vùng đất ấy đang trỗi dậy hào khí thiêng liêng làm nên sự phát triển năng động về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của những người con đất Việt trong hành trình đi mở cõi.

Tình đất, tình người miền Đông - Ảnh 2.

Người dân ở P.Tiến Thành (TP.Đồng Xoài, Bình Phước) chung tay gói bánh chưng tặng đồng bào nghèo

Hoàng Giáp

Miền Đông hay vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM. Miền đất này nổi tiếng với đất đai trù phú, phì nhiêu, thiên nhiên ban tặng cho những lợi thế lớn về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại hình kinh tế; có diện tích toàn vùng hơn 23.000 km2, chiếm 7,1 % diện tích cả nước, dân số khoảng 19 triệu người, chiếm 19,1% dân số cả nước, tỉ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 62,8% toàn vùng, đóng góp hơn 38% tổng thu ngân sách quốc gia. Miền Đông là địa bàn chiến lược nối liền nam Tây nguyên và nối thông xuống đồng bằng Nam bộ, đó là một lợi thế lớn về giao thông vận tải, nơi giao thoa văn hóa giữa miền núi và miền biển, giữa đồng bằng và miền núi, là cửa ngõ để giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là vùng với lợi thế có các sân bay quốc tế lớn: Tân Sơn Nhất (hiện tại) và Long Thành (tương lai).

Vùng Đông Nam bộ "sở hữu" một số ngọn núi nổi tiếng như núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Bà Rá (Bình Phước), núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Nơi đây cũng tập trung nhiều con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải… thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và phát triển hệ thống cảng biển quốc tế, du lịch...

Tình đất, tình người miền Đông - Ảnh 3.

Vũng Tàu - thành phố du lịch biển nổi tiếng của Đông Nam bộ

Đào Ngọc Thạch

Miền Đông có tứ giác kinh tế trọng điểm của đất nước gồm TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai với nhiều khu công nghiệp quy mô lớn. Vùng đất này đã thu hút hàng triệu người con từ mọi miền đất nước đến lao động, học tập. Đây cũng là vùng đất tạo nhiều công ăn, việc làm cho những người con xa xứ khắp mọi miền đất nước với các ngành nghề đa dạng như may mặc, giày da, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, điện tử, chế biến thủy hải sản...

Con người miền Đông có tính cần cù, chịu khó, hào sảng và rất năng động, sẵn sàng hợp tác, dám nghĩ, dám làm… Có lẽ họ là những con người dễ tiếp thu các giá trị mới, tân tiến trên hành trình mở cõi phương Nam.

Theo các nghiên cứu khảo cổ học, các tộc người của nền văn hóa Đồng Nai xưa có hơn 4.000 năm trước. Song, theo tiến trình mở cõi về phương Nam thì đây là vùng đất mới của nhiều dòng người di cư vào Nam, họ kế thừa tinh thần cần cù, chịu khó, thông minh của người Việt khắp nơi, đồng thời có sự tiếp thu những mặt tích cực của nền văn hóa các nước phương Tây, kinh tế buôn bán hàng hóa của người Hoa hàng trăm năm qua khi họ sang buôn bán định cư tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Chính những biến đổi của thời cuộc, của xu thế kinh tế hội nhập mà con người nơi đây rất biết nắm bắt cơ hội, kế thừa chắt lọc những nét mới của kinh tế thương gia, địa chủ, tá điền ngày xưa để xây dựng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Đối với các công ty, các doanh nghiệp lớn, họ sẵn sàng kêu gọi đầu tư, hợp tác về vốn, khoa học công nghệ và trí tuệ nhân lực, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài để sản xuất các mặt hàng mới, mang hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, chất lượng, có điều kiện tiếp thu, chuyển giao khoa học công nghệ cho phát triển trong nước như các lĩnh vực như điện tử, công nghệ, lọc hóa dầu, cơ khí, các mặt hàng xuất khẩu… Người thành phố mạnh dạn, sáng tạo trong phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế doanh nghiệp, kinh tế tập thể và đặc biệt là hợp tác với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông…

Ở các vùng ngoại thành, miệt vườn ta luôn thấy hình ảnh quen thuộc của những người dân đậm chất Nam bộ trong chiếc áo nâu, khăn rằn, chất phác, thật thà, trọng tình nghĩa, cần cù lao động và hiếu khách. Trong hành trình chống giặc ngoại xâm năm xưa, họ là những con người yêu nước, kiên cường và anh dũng. Hình ảnh "cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "anh hai lúa" đã làm nên địa đạo Củ Chi đất thép anh hùng. Trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay, họ là những người nông dân kiểu mới. Các mô hình kinh tế nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, hiệu quả như thành lập các hợp tác xã đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến xuất khẩu nông sản; xây dựng các mô hình trang trại, nhà vườn; đầu tư, hợp tác chuyển đổi con giống, cây trồng mới; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao gắn với các loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm, miệt vườn, homestay... Du khách khi đến với các địa phương vùng Đông Nam bộ luôn say đắm trước cảnh sắc thiên nhiên với những cánh đồng lúa, đậu, mía bạt ngàn màu xanh ở Củ Chi; những vườn cây hoa trái bốn mùa như chôm chôm, sầu riềng, măng cụt, mít, bưởi ở Long Khánh, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc (Đồng Nai), Thuận An, Tân Uyên, Lái Thiêu (Bình Dương) và những cánh rừng bạt ngàn cao su, vườn điều, tiêu, sầu riêng (Bình Phước).

Chính những con người mộc mạc, chất phác, từ bàn tay khối óc, họ đã dám nghĩ, dám làm để kiến tạo nên một vùng đất miền Đông năng động, đổi mới không ngừng. Và trên hành trình về phương Nam ấy, có biết bao con dân đất Việt đã gắn bó, yêu thương mảnh đất miền Đông với tình đất, tình người tha thiết…

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Tình đất, tình người miền Đông - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.