Đêm hiu hiu ở Catas, thành phố lớn nhất vùng tây nam. Bên ngoài khách sạn, trời vừa dứt mưa. Mùi đất ẩm và mùi lá mục hoai lên nặng nề cánh mũi.
Minh họa: Tuấn Anh |
Debro nhắn Morh và những thành viên trong đoàn sản xuất chương trình truyền hình The affections for homeland and people (1) đến phòng để giới thiệu người dẫn chuyện mới. Dù đã biết trước việc này, con người này và lờ mờ nghe vài cuộc điện thoại trao đổi của Debro nhưng Morh vẫn run run khi đọc tin nhắn, tiên cảm đến một mất mát sẽ diễn ra…
Debro đã yêu cầu chủ nhiệm chương trình đặt phòng riêng cho Morh, còn Debro sẽ chung phòng với người dẫn chuyện mới, để tiện việc trao đổi nội dung công việc và nhanh chóng cắt đứt khoảng cách, tạo ra sự thân mật, không để người dẫn chuyện mới phải cô độc, xa lạ với cả đoàn làm phim. Một lý do có vẻ hơi không cần thiết nhưng đó là điều Debro, người có quyền hành nhất trong đoàn phim đã muốn.
Catas là nơi đầu tiên, Morh không ở chung phòng với Debro từ khi làm việc trong chương trình The affections for homeland and people. Lần đầu tiên, Morh phải chuẩn bị cho mình túi đồ dùng cho việc tắm rửa, đánh răng, vì trước đây toàn xài nhờ xà bông, kem đánh răng của Debro và chỉ gửi trong túi đồ của Debro cái bót (bàn chải đánh răng). Có vẻ hơi tủi thân một chút, nhưng suy cho cùng chẳng có lý do gì để tủi thân…
Morh mặc cái thun màu cam cụt tay tới vai, quần lửng kaki màu xám, gõ cửa phòng của Debro, dáng vẻ hơi cúi xuống và rụt rè. Morh ngồi lên salon, lén nhìn khắp căn phòng, thấy những ngọn nến quen thuộc Debro hay đốt cho thơm, nhìn cái giường mền gối trắng, nhìn chai nước hoa mùi cây gỗ rừng mà Morh hay xin vài giọt để xức.
Đáng lẽ bầu không khí êm dịu này, Morh là người tận hưởng, còn bây giờ là người dẫn chuyện mới. Có vẻ hơi tủi thân một chút nhưng suy cho cùng chẳng có lý do gì để tủi thân. Cuối cùng, Morh nhìn thấy gương mặt của người dẫn chuyện mới đang rành rọt khui rượu vang. Một thanh niên nguồn gốc đô thị, rất thanh tú, lịch lãm, mang chiều sâu của nét đẹp cổ điển, đúng chất khuôn hình của người làm nghề nói. Morh cũng nhìn thấy hai ly trà gừng đang uống dở. Có thể họ đã pha để uống với nhau khi trời mưa lạnh ngoài phố.
Trước đây, khi chung phòng, Morh và Debro không hề pha trà để uống. Và những bài hát trong iPad tự dưng đang phát những bài hát nói về sự chia cắt…
Debro giới thiệu về người dẫn chuyện mới bằng những mỹ từ đẹp, khơi lên lòng ngưỡng mộ của cả đoàn làm phim, chẳng hạn xuất thân từ một vận động viên bifin (2) quốc gia nhưng rất có chiều sâu đầu óc, điềm đạm, đang là người dẫn tốt nhất của kênh truyền hình dành cho giới trẻ, vốn từ thanh thoát, tiếng Anh quá giỏi, có thể làm tốt công việc dẫn dắt cho The affections for homeland and people.
Khi quay lại với những ly rượu, Debro lại khen nức nở về sự am hiểu rượu vang của người dẫn chuyện mới, minh họa bằng chai rượu đang trên bàn là do người ấy chọn để mời chào mọi người. Morh hoàn toàn mờ tịt về rượu vang, chỉ biết rượu vang thường làm bằng nho. Morh chỉ thích uống trà và các loại nước nấu từ lá cây. Morh uống vài ly, thấy hơi nhờn nhợn trong cổ, phần là do cốt người yếu bia rượu và phần là do ớn nghe những lời ngọt miệng quá đà của Debro. Ngày xưa khi mới làm việc, Debro cũng nói những lời rất hay, rất tốt về Morh, chẳng hạn như ngôn ngữ viết lách của Morh hòa trộn được miền trung và miền nam nên chất ngôn ngữ rất tha thiết, tường tận cảm xúc khi viết về những con người, những bối cảnh ở hai miền, người mà The affections for homeland and people thật sự đang cần. Hình như, ai đang được Debro thân nhất, chiếu cố nhất thì cũng được giới thiệu quá đầy tràn như vậy. May mà, ba năm trước, Morh không làm ai tủi thân, khi bước vào cuộc sống của Debro…
Lâu lâu giữa rôm rả, Morh lại ngước nhìn lên, thấy Debro và người dẫn chuyện mới ngồi sát nhau, gương mặt tràn lên sự thỏa mãn sành điệu. Khi thân quen, Morh hay góp ý sự phù phiếm sành điệu và đôi phần kiểu cách quá tay hơi ảo của Debro. Và lần này, dường như người dẫn chuyện mới với sự sành điệu rành rọt đã cho Debro cái không khí tuyệt đỉnh mà anh thèm khát. Morh uống thêm một ly trong tủi thân, nhìn Debro lần nữa, thấy đang nắm chặt tay người dẫn chuyện mới. Morh biết Debro rất thích những cái nắm tay, kể cả đàn ông hay đàn bà. Nhưng Morh không quen với việc cầm tay ở nơi đông người, còn người dẫn chuyện mới thì phóng khoáng hơn, cho Debro những cảm xúc phiêu lãng mọi lúc, thậm chí là những cái ôm, những nụ hôn giao tiếp thanh thản. Rời cặp mắt khỏi cái nắm tay thì Morh mệt lả và muốn ói. Morh khom người nhẹ ra nhà vệ sinh, bình thường Debro sẽ hỏi Morh đi đâu, có sao không? Nhưng hôm nay lại không.
Chưa kịp ngồi xuống bồn cầu thì bao nhiêu thức ăn bữa chiều và rượu vang đã ào ào từ cuống họng sền sệt đi ra. Khi cuống họng rít lại, chua đắng thì Morh mới thấy thanh thản. Morh lần thần đứng dậy rửa tay và điếng người khi thấy hai cái bót cắm trong cái ly của khách sạn. Một cái bót cũ Debro hay đánh và một cái bót mới mà Morh từng thấy được cất dưới đáy hộc đồ dự trữ trong nhà của Debro. Có thể Debro đã chuẩn bị sẵn cho người dẫn chuyện mới. Morh tìm trong cái túi vải đựng đồ cá nhân của Debro, bần thần khi không thấy cây bót của mình, chắc Debro đã vứt ở nhà. Morh không đủ can đảm ở lại, lặng lẽ khom người đi về phòng của mình. Hơi rượu làm ê cả từng đường cơ xương. Lúc có chuyện gì yếm thế, căng thẳng, sợ hãi là cơ thể Morh ỉu xìu như trái chuối, ho liên tràng dài như thắt ruột và cái lưng đi rất khom, điều này Debro cũng là người phát hiện đầu tiên và cảm rõ như chính Morh vậy. Vậy mà, người gây ra tình cảnh ấy lại chính là người anh thân thuộc nhất. Trong vài tiếng của buổi tối, sự có mặt của Morh được Debro xem như người dưng và sự vắng mặt của Morh cũng không là điều Debro quan tâm như trước. Có vẻ hơi tủi thân một chút nhưng suy cho cùng chẳng có lý do gì để tủi thân.
***
Morh là đệ tử ruột khúc như ruột của Debro. Hai người có nét thanh tú giống nhau của những người làm công việc cần não phải. Hai nét mặt điềm đạm hiền lành, chung lý tưởng sống và tư duy vô thường. Morh tốt nghiệp ngành sư phạm địa lý, đang dạy học trong một trường phổ thông ở khu phố lao động nghèo buồn chán, rất cách xa nội ô. Morh gọi nơi mình sống là “thị trấn” Batrus, để thơ ca hóa xung quanh mình và gợi lên sự bình yên vui vẻ. Morh sống loay hoay trong thị trấn tự tạo của mình, gắn với những con đường bụi và lủng rách, những ngôi chợ nghèo và các quán ăn đầy phẩm màu. Như bao ý thích của tuổi hai mươi bốn, Morh muốn được lên sống trên khu nội ô, ngắm ánh đèn rắc lên những tán cây cao lớn an bình và kiếm nhiều cơ hội thỏa mãn đam mê viết lách, nhưng khoản lương hiện tại còn quá ít ỏi, chỉ đủ cho mức sống ở “thị trấn” Batrus.
Sợi dây liên kết giữa Debro và Morh tạo ra sau buổi hải quân thành phố gặp gỡ dặn dò, huấn luyện về kỹ năng trên biển, chuẩn bị cho chuyến đi ra đảo Sitodo. Hòn đảo cực đông, nơi thấy mặt trời đầu tiên của đất nước bình yên từ phía trùng khơi xanh biếc. Morh nhìn một vòng khắp hội trường và “đột quỵ” ánh mắt nơi Debro ngồi, ở góc sâu cuối hội trường thành phố vì nhận ra đó là Debro, thần tượng của mình từ thời thiếu niên. Hồi niên thiếu, Morh ghi tên Debro vào sổ tay, ở ô thần tượng vì Morh rất thích hình ảnh những người thanh niên có khuôn mặt thanh tú, giỏi về ngôn ngữ văn chương. Debro là định dạng mà Morh muốn vươn tới. Mỗi khi Debro xuất hiện đâu đó trên ti vi, trên báo Morh đều lắng nghe từng câu chữ Debro nói, đọc, chia sẻ. Giọng Debro có sự ngọt bùi của vùng châu thổ miền nam.
Debro hơi khác, hình như mập hơn, nhưng gương mặt thanh tú và đậm chất văn ấy thì không hề mất đi. Morh nín thở, lâng lâng trong niềm vui sướng. Rồi ít phút, Morh lại quay xuống nhìn Debro một lần, để nhìn cho đã gương mặt quen nhưng không quen... Cuối cùng, Debro đã nắm giữ ánh mắt của Morh bằng một nụ cười thong thả. Dường như Debro cũng nhìn thấy sự thân thuộc, trìu mến từ ánh mắt ngó tìm và cái cần cổ cao cao nhô trên cái cổ áo thun trắng thanh thản của Morh.
Tàu cặp đảo ngay buổi tối kỷ niệm ngày giải phóng đất nước, Morh và Debro ngồi sát vai nhau bên doi cát, trăng phả xuống nước như những thẻ vàng dẹp, gió thổi nhẹ đến mức nước biển không thể rung rinh. Như một tri kỷ mà họ đã xa nhau hơn mấy chục năm mới được gặp lại. Một mối quan hệ ruột thịt của kiếp trước. Thêm mùi nước hoa phú quý trên cổ áo của Debro làm cho Morh thấy hâm mộ và say mê. Morh cảm giác như đang hít thở cùng chung một nhịp với một dáng người hào hoa và sạch sẽ mà mình cũng muốn có. Đôi mắt hai người nhìn ra biển, nhưng như đang nhìn vào trái khế của nhau, hiểu từng cảm xúc đang đung đưa. Sự cô độc và bao đổ vỡ tuổi trẻ của Morh sau bao tháng ngày đông cứng đang được rã ra.
Debro nói giọng thuần chất bùi ngọt của miền nam, những từ ngữ nhẹ và êm đềm như nước biển lúc không động, đào xới được tâm hồn khép kín chặt và sợ hãi của Morh. Debro nắm bàn tay gầy guộc của Morh, bóp nhẹ rất ấm: “Từ nay anh sẽ là anh của em, em cho phép anh được lo cho em, như người thân!”, Morh chảy nước mắt vì lần đầu tiên, ngoại trừ gia đình, có một người xa lạ làm Morh xúc động kỳ diệu. Có lẽ, từ thời thiếu niên tới giờ, Morh đã quen với việc chống chọi cuộc sống một mình, không muốn phiền lụy đến ai, nên giờ đây chắc đang đuối mỏi thì có một cây dựa vào. Cả hai đang thấy sự ấm cúng từ tay chuyển đi khắp cơ thể rêm rêm mát lành. Họ ngồi đó, vai cạnh vai, cho đến khi trăng trên biển nhỏ dần. Morh linh cảm, từ đây giữa cuộc đời này mình đã hết đơn độc…
Điều vui đính kèm là Debro đang tìm kiếm một người viết lời bình mới cho chương trình The affections for homeland and people - chương trình thực tế phác họa cuộc sống của người dân ở miền trung và miền nam đất nước, hướng tới những giá trị chia sẻ đúng đắn, thực chất trong cộng đồng. Đây không phải là chương trình giải trí nhưng được phát sóng trong khung giờ vàng và rating (3) rất cao. Yêu cầu người viết phải có kiến thức về địa lý, văn hóa và đồng cảm được với nỗi niềm của con người. Kiến thức tích lũy của một cử nhân sư phạm địa lý và chút khả năng viết lách, Morh như cá gặp nước từ chương trình đầu tiên. Anh đã thấm nhanh từng đoạn phim thô, từng vùng đất, từng phận người, không bị nhận sự góp ý nào mang tính phản đối từ thành viên đoàn phim cả tiền kỳ lẫn hậu kỳ. Có cả vài lời khen ngợi từ lãnh đạo đài truyền hình. The affections for homeland and people đã nối chặt khúc ruột tình cảm của Morh và Debro.
Cạnh nhau những chuyến đi quay dài và xa, trở về thành phố Morh và Debro như người trong một gia đình. Mỗi tối cuối tuần, Morh hay lên trò chuyện với Debro. Debro nằm trên giường, còn Morh nằm duỗi chân dưới sàn gỗ, nói những câu chuyện yên bình, về những nỗi lo tồn sinh trong cuộc đời và hứa hẹn cùng nhau giải quyết để cuộc đời của hai anh em thật ổn và lương thiện. Morh thích được Debro xoa đầu, như có một sức mạnh êm dịu nào đó được truyền vào máu thịt mình. Mỗi lần hai anh em đi đâu đó, nhìn cái lưng của Debro là Morh muốn chảy nước mắt, có điều gì đó thân thuộc, kỳ diệu tỏa ra từ cái lưng ấy. Debro hay nhắc lại lời hứa trên đảo Sitodo trong đêm kỷ niệm đất nước giải phóng. Đó như là sự kỳ diệu của số phận, như hai con người đã chờ nhau lâu lắm rồi. Morh thường ví Debro như một cái cây mà giữa đường Morh mỏi chân muốn quỵ té thì được ngồi xuống dựa vào. Debro xoa đầu Morh, muốn dựa bao nhiêu cũng được rồi trao nhau nụ cười nguyên lành.
Ngày dài tháng rộng trôi qua, Morh luôn cảm ơn đất trời đã ban tặng cho mình một con người và một gia đình, nơi có cha mẹ và anh chị của Debro, để giữa thành phố cô độc còn có nơi để đến, ngồi vào trong như ngồi ở một tổ ấm. Debro đã bước vào tuổi trung niên, đã đủ đầy hạnh phúc sướng khổ với biết bao nhiêu mối quan hệ trong đời mình, cuối cùng chẳng êm đềm được với ai, rồi rất cô độc. Và hình như Morh là người giải mã sự cô độc đó bằng một thứ tình cảm lạ kỳ, như ruột thịt mà hơn cả ruột thịt. Debro cũng tin rằng Morh là người luôn giải mã sự cô độc cho mình ở đoạn đời còn lại dẫu nếu Morh có cuộc sống riêng đi chăng nữa.
***
Trước khi gặp Debro, Morh có một cuộc nói chuyện tình cờ với một người phụ huynh gốc Á, anh ta xem được tử vi phương Đông. Anh ta chăm chú nhìn Morh: “Nhìn gương mặt của thầy Morh, thấy sự thanh thản của căn tu, nếu đi theo nghiệp tu hành của Phật giáo thì sẽ đắc đạo, cốt người này có thể buông bỏ mọi thứ, nhẹ như một lần hít thở. Thầy Morh có thể sẽ có một “quý nhân phò trợ” trong năm nay!”. Người phụ huynh còn nói về những ngôi sao chiếu mạng trong năm, những năm mang sao xấu thường phải cúng giải hạn. Sao xấu nhất đối với người nam là sao La Hầu, khi số tuổi theo âm lịch cộng lại là mười, gặp rất nhiều chuyện bi quan và xui rủi. Giờ nghĩ lại, dường như quý nhân chính là Debro. Thật tình, Morh luôn biết ơn Debro đã trao cho mình cái mệnh sống rất tốt, một đoạn đời kỳ diệu, trao cơ hội viết lách, nếu không giờ này, Morh vẫn là người sống phất phơ ở “thị trấn” Batrus, sợ hãi về tương lai và hoài nghi về có hay không sự tồn tại của tình người, có khi đã tự tử vì bị coi thường và buồn chán cực độ. Có điều gì đó, không chỉ là duyên, mà còn rất thiêng liêng chặt chẽ. Và còn ba năm nữa, Morh mới bị sao La Hầu chiếu mệnh.
***
Tháng sáu âm lịch năm nay là Morh tròn hai mươi tám tuổi.
Ngày sinh nhật lại tủi thân, Debro ăn cơm với Morh và gia đình một chút, lại vội chạy đi gặp người dẫn chuyện mới với lời biện minh, gặp một chút vì mai bạn ấy phải đi quay các chương trình tới một tuần, xa thành phố, không gặp là thiếu sự quan tâm đến một nhân viên mới…
Sau chuyến đi từ Catas về, Debro không cần có Morh đi uống cà phê, hay mua vé xem phim, xem chính kịch. Lần đầu tiên, cuối tuần Debro không rủ Morh lên nhà nằm nói chuyện chơi cho đỡ buồn. Debro nói rằng, anh và người dẫn chuyện mới giống nhau như tiền kiếp, từ mái tóc, đôi kiếng, đến những cái áo trùng sọc ca rô xanh da trời, đến cái lạnh ở lòng bàn chân. Ba năm trước, Debro cũng nói anh và Morh có quá nhiều điểm giống nhau nên cần phải cận kề nhau. Những lần gặp nhau hiếm hoi sau này, Debro tỏ ra mừng vui vì mỗi ngày người dẫn chuyện mới cho anh niềm vui để vượt lên sự cô độc, có thể uống rượu vang cùng anh, điều mà anh đã thiếu thốn lâu rồi. Debro nói cũng xót ruột khi bỏ quên Morh bằng những lời lẽ ân hận. Ban đầu Morh cũng thấy xúc động và tôn trọng cảm xúc đang thăng hoa của Debro nhưng riết rồi Morh hiểu đó chỉ là những câu vỗ về, nói đẹp môi thơm giọng mà người anh của mình tự trấn an cho sự hành xử cạn nghĩa. Có vẻ hơi tủi thân một chút nhưng suy cho cùng chẳng có lý do gì để tủi thân.
Chiều cuối tuần mưa lây phây, Morh lên nhà thăm gia đình, xe hơi đã không còn trước hiên nhà, Debro đang đi chơi với người dẫn chuyện mới. Anh bước nhẹ lên cầu thang, mở cửa phòng của Debro, nơi thân thuộc và ấm cúng trở xa lạ và lạnh lẽo. Trên chiếc bàn gần kệ sách, chai rượu vang uống dở, chắc là họ mới uống với nhau tối hôm qua. Morh hít một hơi cho qua cơn bần thần rồi đem ly đi rửa. Lúc xả vòi nước chỗ đánh răng để tráng sạch ly, anh lại thấy cái bót mới mà Debro đã chuẩn bị cho người dẫn chuyện mới đánh răng ở Catas. Cái bót cắm vào nơi mà anh và Debro hay cắm. Morh lặng người yếm thế, run rẩy và ho rát cổ. Morh lấy cái bót của mình, cất vào túi quần và đem về, vì nó không thuộc căn phòng này nữa. Và sự tồn tại của Morh đã vô nghĩa với cuộc sống của Debro…
Trong lòng Morh nghĩ về cái cây tên là Debro, khi đã cho mình dựa và hái lá uống để đủ sức đứng dậy đi, vừa lúc ấy có người khác tới dựa, có thể người ta xin lá hoặc hái trái chín thì mình nên đi, để cái cây bớt mỏi kiệt. Ngày qua tháng qua trở về, khi không còn ai lo cho cái cây, thì Morh sẽ tưới nước và giữ cho thân cây kéo dài sự mạnh khỏe, để cảm ơn quãng đời cây đã từng cho mình dựa vào khi đang chết mòn.
Đêm đem cái bót về bần thần, buồn chán và đau nhức, Morh lại mơ một giấc mơ rất đẹp. Anh mơ thấy mình đang chạy khỏi sự rượt đuổi và tiếng gọi bằng cái giọng chân thật nửa vời của Debro. Con đường nhỏ như bờ ruộng, đất bùn nhão bấu dưới lòng bàn chân. Morh thấy dòng sông rất lớn, có cả bãi cù lao. Anh lật đật bơi qua như sợ Debro đuổi kịp. Trong dòng nước đục và lạnh, Morh nhận ra, đây là dòng sông Giatis, bên kia bờ đã là miền tây nam. Morh bước lên bờ, trước mắt như chạm vào đường chân trời, một ánh trăng tròn vàng rực hiện ra tấm gương khổng lồ, bao phủ vòm trời. Rồi ánh trăng vỡ ra, từng mảnh vàng lóng lánh. Morh ngỡ mình đang bước đi trong thiên đường. Thiên đường trăng vàng ở phía tây nam…
Morh không còn gì quá cần thiết để ở lại thành phố này nữa, tiền bạc cũng không dư dả, cuộc sống buồn nhiều hơn vui, bất yên nhiều hơn bình yên. Việc viết lời bình cho The affections for homeland and people chắc không đủ minh mẫn cảm xúc và từ ngữ để viết nữa. Khi nhìn thấy những thứ làm mình đau lòng, thì việc truyền tải kiến thức địa lý thành câu chữ cho đậm tình đất, tình người trở nên vô vọng. Công việc đầy đam mê này không phải là công việc kỹ năng nên khi cảm xúc bị sang chấn, yếm thế, bần thần thì coi như cụt nghề. Debro đã trao cho Morh cơ hội, thì giờ trả lại cũng chẳng tiếc nuối gì.
Sau một tháng nhốt mình trong căn hộ thuê, Morh gửi vào hộp thư của Debro mười ba bức thư, là mười hai bài viết cuối cùng trong năm của chương trình The affections for homeland and people, và một bức thư tạm biệt. Mười hai chương trình đã quay sẵn về cao nguyên phía tây, làng cổ miền trung và châu thổ miền nam. Debro đang đi nước ngoài với người dẫn chuyện mới, để tận hưởng hạnh phúc bên dưới bầu trời mát dịu của mùa thu châu Úc. Người dẫn chuyện mới rành đất nước đó vì đã từng đi tập huấn thể thao, rành tiếng Anh hơn Morh, nên Debro buộc phải đi cùng người dẫn chuyện mới, nếu không thì bị lúng túng lắm. Debro giải thích như vậy, với cái giọng trầm để cố tạo sự xúc động cảm thông. Morh bật cười đắng nghét với lời giải thích, hình như dạo này Debro hơi phô với những câu nói cố tạo sự xúc động. Sự thiên phú trong chất giọng và sức mạnh lay động cảm tình của Debro không được “tổ đãi” trong những lúc biện minh này.
Morh đến Sedas, một thị tứ cũ kỹ ở miền tây nam đất nước như điềm báo trong giấc mơ. Vùng đất có nhiều người di cư gốc Á, họ trồng rất nhiều hoa cúc mâm xôi, đẹp như mảnh trăng vỡ và xây dựng rất nhiều tượng Phật. Một mạch đất yên trăm năm, chưa từng có bão. Và nhiều lần Debro dẫn xuống chơi, Morh cảm thấy nơi đây tình đất nồng nàn. Một lý do âm thầm trong lòng khi Morh về thị tứ này, vì nó sát quê nhà của Debro. Mai mốt, nếu Debro đã già thì Morh còn có thể chạy qua pha trà hoặc nấu nước lá cho hai anh em ngồi trước bờ sông mà uống, hay Morh giẽ cá giùm trong bữa cơm vì Debro rất sợ xương cá. Hay lúc lòng bàn chân Debro lạnh, còn có người mang giùm đôi vớ, thậm chí chạy đi kiếm mua cho Debro một chai rượu vang uống vào những chiều trời mưa… Morh gói cái bót thật kỹ trong hộp nhựa, trấn an mình, chắc cũng có ngày sẽ dùng lại.
Xe qua cầu trên sông Giatis, nhìn con nước mênh mang, Morh lại chợt âm ỉ một sự chờ đợi mơ hồ, vô vọng. Có khi nào khi trở về, Debro linh cảm biết được nơi Morh đến mà đi tìm. Nói buông bỏ, nhưng tình đất, tình người có dễ bỏ buông…
Bình luận (0)