Lúc còn là lính binh nhì với nhau thì lương khô và quân phục được “hưởng” như nhau nhưng sau mấy chục năm rời quân ngũ, số phận mỗi người rẽ theo một lối khác.
Có người làm “quan đầu tỉnh” nhưng có anh lại không nhớ nổi tên mình vì dở điên dở dại do di chứng của những trận sốt rét những năm tại ngũ. Nhưng điều đáng quý là, dù làm quan to hay phải uống thuốc “thần kinh” hằng ngày, khi gặp nhau, mọi ranh giới về vị trí xã hội hầu như không còn nữa. Đáng quý hơn, mỗi khi
đồng đội lâm nạn, “hô phát có ngay” như thời ở lính sau hồi còi báo động là quân số nghiêm ngắn, hàng ngũ chỉnh tề!
|
Những người vác tù và
Anh Trầm Lợi Mến, cựu binh Trung đoàn (E) 93, Sư đoàn 2, trở thành “bạn phây” của tôi sau một cuộc gặp hy hữu với bạn cũ thời đi lính. Anh “khoe” cuộc gặp ấy trên Facebook và tôi “chộp” được rồi viết thành bài báo. Tôi sẽ kể chuyện này ở phần sau.
Anh Mến họ Trầm, một họ hiếm gặp ở Việt Nam. Lúc đầu tôi tưởng họ Trần mà anh ghi nhầm. Một đồng đội của anh giải thích với tôi, anh ấy họ Trầm - Trầm Lợi Mến. Ở Khánh Hòa, trầm là một đặc sản. Anh Mến cũng là một đặc sản, ít ra là với những bạn bè thời đi lính.
Anh làm nghề tự do, “có kinh doanh chút chút, giờ già nên nghỉ rồi”, anh trần tình thế khi tôi tò mò hỏi: “Không làm gì hay sao mà thấy suốt ngày nuôi phây?”. Có ba thứ anh “nuôi” thường xuyên: một là cập nhật về bệnh tình của anh Đinh Văn Báng; hai là úp lên phây số tiền những ai đã ủng hộ anh Báng hoặc ủng hộ các cựu binh gặp khó; cuối cùng là hình ảnh của anh và đồng đội thời ở chiến trường K. Kèm theo các hình ảnh là những dòng hồi ức thật cảm động, được viết bằng một giọng văn tài hoa. Phần thứ ba này chiếm khá nhiều trên phây, trở thành nhịp cầu giúp anh và các cựu binh ở Nha Trang tìm được đồng đội cũ giờ phiêu bạt ở khắp mọi miền đất nước. Qua nhịp cầu này, họ không chỉ thăm hỏi về nhau mà còn kêu gọi giúp nhau nếu có hoàn cảnh nào cần giúp.
Người bị anh Mến cuốn theo công cuộc “vác tù và” với mình là bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa. BS Xáng xin nghỉ hưu trước tuổi, tưởng để “ăn chơi nhảy múa” - như cách nói của mấy ông cựu binh sồn sồn, nhưng chưa kịp “nhảy múa”, anh Mến đã kéo anh Xáng nhập cuộc với mình.
Chiếc tù và đong đầy thương mến ấy, họ cùng nhau gánh vác để mong đồng đội vơi đi chút nhọc nhằn mỗi khi gặp khó.
|
Trả lại tên cho Báng
Một tối mùa đông cách đây 3 năm, trong lúc đưa con gái ra sân bay sớm, anh Trầm Lợi Mến thấy một người đàn ông tiều tụy vật vờ trước cửa nhà mình. Ông ta hỏi: “Mến đi đâu sớm vậy?”. Giọng thì nghe quen quen nhưng không tài nào anh Mến nhận ra người đàn ông tội nghiệp này. Gặng hỏi tên ông ấy nhiều lần, Mến đều nhận cái lắc đầu. Anh nói với con gái chụp một kiểu ảnh với ý định là sau khi đưa con ra sân bay rồi về tính sau. Mến về không thấy người ấy đâu.
Anh tìm gặp BS Xáng, bật điện thoại lên đưa bạn xem hình: “Tui nghi ông Báng quá ông à. Mấy năm nay lưu lạc chẳng biết ở đâu, giờ thế này, mình nên cứu Báng”. Nghe bạn nói vậy, BS Xáng lên ngay một “phương án tác chiến” để truy tìm Đinh Văn Báng. Sau nhiều ngày “mai phục” tại nhà Báng, hai cựu binh Mến - Xáng như vỡ òa khi thấy Đinh Văn Báng thất thểu về lại nhà mình.
Những trận sốt rét ác tính dai dẳng đã biến Đinh Văn Báng từ một chàng trai khỏe mạnh thành ông già tiều tụy. Gia đình đã đưa Báng vào nhà thương điên Biên Hòa nhưng rồi bệnh tình không khỏi mà ngày một nặng thêm, đành đưa về lại quê nhà. Vợ Báng đi bán vé số, con cái chả nghề ngỗng gì nên việc chăm sóc anh không được chu đáo. Để khỏi đập phá, anh Báng nhiều hôm bị xích lại. Vì vậy, mỗi khi được tháo xích là anh ấy đi lang thang khắp Nha Trang.
Các cựu binh E93 hay tin tìm được Đinh Văn Báng, họ cùng BS Xáng đưa anh lên Bệnh viện Tâm thần ở Diên Khánh để điều trị. Hôm đưa Báng đi bệnh viện, các cựu binh E93 như sống lại thời trận mạc vì họ chuẩn bị các “phương án tác chiến” chẳng khác gì một trận đánh. Anh Báng đã làm thót tim bao người hôm đó trước khi chịu “kỷ luật” khép mình bước lên xe cứu thương.
Những cuộc thăm nom thường xuyên của đồng đội, nhất là anh Trầm Lợi Mến, đã giúp Báng sớm trở lại ngôi nhà xưa của mình với một thể trạng gần như bình thường. Tết năm rồi, trong một bữa cơm cuối năm cùng những người bạn lính, trước khi vào cuộc tiệc, anh Báng đã thắp ba nén nhang lên bàn thờ tổ tiên rồi lầm rầm khấn vái. BS Xáng nói cử chỉ đó đã giúp cho anh và đồng đội hiểu rằng, Đinh Văn Báng đã “trở lại đội hình” như
40 năm trước. Tên của anh Báng đã được đồng đội “trả lại” ngay trong bữa tiệc cuối năm này.
Đất Lành đón “người hiền”
Một trái mìn của Pol Pot đã cướp của Trần Phương một chiếc chân. Anh trở về Nha Trang bằng chiếc chân còn lại. Năm 1995, chính quyền thành phố đã “tạo điều kiện” để anh có một chỗ ở bằng cách bán giá rẻ một căn hộ be bé trên một con hẻm ở đường Lam Sơn (Nha Trang). Phụ cấp thương binh chỉ đủ sống qua ngày nên Phương cậy nhờ ba mẹ vay mượn thêm để mua giá rẻ căn hộ này và cả gia đình về sống chung. Rồi Phương lấy vợ, anh được chia cho một phòng nhỏ, chừng 20 m2 trên căn gác lửng, có cầu thang riêng. Hai vợ chồng son thì cũng tạm được nhưng gia đình nhỏ của Phương có thêm hai cô con gái. Căn phòng ngày một chật hơn khi các con lớn lên.
Thực ra, nếu Trần Phương không nhận “mua giá rẻ” ngôi nhà để ở cùng cha mẹ năm 1995 thì hiện nay, chính quyền cũng sẽ hỗ trợ để anh xây một căn nhà tình nghĩa riêng biệt tại một khu dân cư nào đó. Nhưng vì anh đã một lần nhận “ưu đãi” rồi nên sẽ không bao giờ có lần thứ hai nữa. Ngặt nỗi, nhà trong con hẻm này mang tiếng là “hỗ trợ thương binh” Trần Phương nhưng tiền mua nhà dạo ấy là của cha mẹ anh. Đang “tứ bề thọ địch” thì xuất hiện một phép màu.
Tết Canh Tý năm rồi, các cựu binh Xáng, Mến và Kính đến chúc tết gia đình Trần Phương. Cả đoàn đang bước lên chiếc cầu thang vừa “chúc mừng năm mới” oang oang thì bỗng “rầm” một phát. “Tui cứ tưởng tổ ba người bị vấp quả mìn như hồi ở Campuchia vậy”, ông Xáng nói về chiếc cầu thang bị sụp. Một ánh chớp xẹt trong đầu các cựu binh ngay lúc ấy: “Phải xây cho Phương cụt một ngôi nhà”.
Thăm tết nhưng không hỏi nhiều về sức khỏe của nhau mà chỉ bàn bạc làm sao để gia đình Phương có một chỗ ở tử tế. Cựu binh Kính hiến kế trước: “Gần nhà tao có người bán miếng đất trên trăm mét vuông. Hay là hùn hạp mua chung mỗi thằng một nửa? Giá cả cũng “mềm” thôi. Chắc Phương chịu được”. Ông Xáng, ông Mến đế thêm: “Được đó, tụi tao sẽ... đi xin tiền xây nhà”. Một “trận đánh” rất gọn. Ông Xáng có
50 triệu đồng tiền “về hưu trước tuổi” vừa nhận chưa ấm túi, giao luôn cho Trần Phương. Ông Mến thì “lên phây kêu gọi”. Mấy cựu binh khác huy động chiến hữu tới hỗ trợ xây nhà.
Hay tin “Phương cụt” sắp có nhà mới, qua Facebook ông Mến, đồng đội khắp nơi gửi lời chúc, còn kèm theo hiện vật. Cả những cựu binh không thuộc E93 cũng gửi quà chúc mừng. Họ đã “đánh” một trận đánh đẹp nhất trong đời quân ngũ của mình mà thành tích là một ngôi nhà cho bạn. Nhanh gọn đến nỗi, chị vợ anh Phương cùng hai cô con gái cũng không ngờ mình có một ngôi nhà mới ngay tại Đất Lành này. Đất Lành đúng như tên gọi, đã đón “người hiền”.
Trên đây là hai trong nhiều trường hợp mà các cựu binh E93 Nha Trang đã làm trong nhiều năm qua. Lửa chiến tranh đã nguội tắt lâu rồi nhưng di chứng của nó vẫn chưa hề nguôi lặng trong lòng những cựu binh. Chỉ có tình đồng đội mới làm vơi đi những khó nhọc mà nhiều người phải đối mặt mỗi ngày.
Bình luận (0)