Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính: Với 4 bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) là lậu, giang mai, chlamydia và trùng roi, trong lứa tuổi 15 - 49, có 360 triệu ca mắc mới/năm. Nghĩa là mỗi ngày trên thế giới có 1 triệu ca mới mắc 4 bệnh này trong nhóm 15 - 49 tuổi.
Trong đó, chlamydia là bệnh phổ biến nhất với khoảng 131 triệu ca, trùng roi 142 triệu, lậu 80 triệu, giang mai có khoảng 6 triệu ca mới mắc/năm. Số ca mắc STI ghi nhận chủ yếu ở tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Trên thế giới hiện nay có khoảng 1 triệu phụ nữ mang thai mắc giang mai, việc này dễ dẫn đến sẩy thai, thai lưu, tử vong sơ sinh hoặc trẻ sinh ra mắc giang mai bẩm sinh.
VN ước tính có khoảng 300.000 ca mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục mỗi năm, nhưng con số thực tế ước tính gấp 10 lần. Riêng bệnh giang mai ghi nhận ngày càng nhiều ca có triệu chứng, có biểu hiện ngoài da (biểu hiện giống nhiều bệnh khác, dễ nhầm với bệnh da liễu khác như vẩy nến...). Do đó, những người có quan hệ tình dục không an toàn khi có các tổn thương da nên được kiểm tra, xét nghiệm giang mai.
KHÔNG TỰ DÙNG THUỐC KHI CÓ TRIỆU CHỨNG
Chuyên gia của Bệnh viện Da liễu T.Ư lưu ý: Khi có tổn thương da vùng sinh dục, không nên tự dùng thuốc bôi, thuốc uống tự điều trị. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến loét vùng sinh dục, do đó người bệnh cần được thăm khám kỹ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Việc tự dùng thuốc bôi, thuốc uống khi chưa biết nguyên nhân có thể làm thay đổi triệu chứng ban đầu, làm sai lệch kết quả xét nghiệm, dẫn đến trì hoãn trong việc chẩn đoán và điều trị đúng.
Bạn tình của người mắc giang mai cần được đi khám, làm xét nghiệm giang mai và điều trị bệnh (nếu có). Nếu bạn tình không được chẩn đoán và điều trị, người bệnh hoàn toàn có nguy cơ bị nhiễm lại khi có tiếp xúc tình dục trở lại, và đây cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn lây lan trong cộng đồng.
LƯU Ý GIANG MAI "KÍN"
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tác nhân gây bệnh giang mai là xoắn khuẩn giang mai. Xoắn khuẩn giang mai có nhiều trong các thương tổn: mảng niêm mạc, hạch… Vì vậy, giang mai rất dễ lây lan nếu quan hệ tình dục không an toàn.
Giang mai thời kỳ thứ nhất có triệu chứng là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới, thường gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới, hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật...
Bệnh giang mai nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ở các cơ quan khác như cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch… Phụ nữ mang thai mắc giang mai có thể lây truyền cho con, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân, hoặc mắc giang mai bẩm sinh.
Ngoài ra, chuyên gia của Bệnh viện Da liễu T.Ư cũng lưu ý: Giang mai có nguy cơ mắc cao ở nhóm mại dâm (nữ và nam), tình dục đồng giới nam, nhóm nghiện chích. Giang mai gia tăng trong nhóm này cũng có nguy cơ lây sang các nhóm khác, khi có quan hệ tình dục không an toàn.
Đặc biệt, có những trường hợp giang mai "kín", bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng gì cho đến khi được làm xét nghiệm kiểm tra. Vì vậy, những người có tiền sử tiếp xúc, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hơn 60% ca nhiễm HIV mới ghi nhận tại các tỉnh thành phía nam
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2024 cả nước ghi nhận 13.351 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, giảm 94 ca so với năm 2023 (13.445); 1.905 trường hợp tử vong. Trong số ca HIV phát hiện mới năm 2024, hơn 60% ghi nhận ở các tỉnh thành phía nam. Nhóm tình dục đồng giới nam (MSM) chiếm tỷ lệ gần 40% trong các ca nhiễm HIV mới. Người nhiễm HIV trong nhóm tuổi 15 - 29 và 30 - 39 vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Tổng số người nhiễm HIV tử vong từ đầu dịch (năm 1990) đến nay là 116.004 trường hợp; hiện có 245.762 người nhiễm HIV trên cả nước.
Cục Phòng chống HIV/AIDS đánh giá: 5 năm qua, số phát hiện mới khoảng 13.000 ca mỗi năm và chưa có xu hướng giảm. Mức giảm chưa đạt để hướng đến mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (dưới 1.000 ca/năm).
Cả nước có trên 183.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 bản sao/ml) luôn được duy trì trên 98%; dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml) luôn đạt 96% trong các năm gần đây. Tuy nhiên, sự gián đoạn tham gia bảo hiểm y tế do người nhiễm không có việc làm ổn định, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo có bảo hiểm y tế liên tục để điều trị ARV. Việc đấu thầu mua thuốc ARV gặp khó khăn, thiếu thuốc ARV để cấp phát cho bệnh nhân…
Năm 2025, Bộ Y tế sẽ mở rộng độ bao phủ và gia tăng về chất lượng các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; phối hợp Bộ Công an triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý điều trị methadone, đảm bảo tính minh bạch.
Nam Sơn
Bình luận (0)