Năm ấy, chị ngoài hai mươi, là cô gái đẹp nhất nhì làng.
Anh người làng bên, nghe tiếng chị, nhờ người mai mối đến nhà dạm hỏi.
Cụ ông Lê Sẻ và cụ bà Nguyễn Thị Lợi - Ảnh: Vân Anh Nguyễn |
Ngay giây phút đầu thấy anh, chị vội quay mặt đi, thất vọng với dáng người cục mịch, xấu xí của chồng tương lai.
Chị em hàng xóm cũng được dịp bàn ra tán vào, bỉ bai anh: "Đẹp như em mà ưng chi người xấu vậy". Chị nghe vậy nằng nặc không chịu cưới. Nhưng anh thì vừa thấy chị đã nhất quyết sẽ chỉ lấy người này làm vợ.
Ngó bộ đánh trực diện không xong, anh tìm cách đi đường vòng. Hai nhà không xa nhau mấy nên xong công việc gia đình, anh lại lăng xăng chạy đến nhà nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai.
Thấy ai làm gì lại xởi lởi nhảy vào giúp từ tát gầu, múc nước đến bao nhiêu việc không tên. Ba mẹ chị tấm tắc khen rể hiền.
Thấy chị một mực không ưng, mẹ chị hàng đêm nhỏ to "Chồng xấu dễ xài con ạ. Mi ưng nó mi mới sướng. Ưng mấy thằng đẹp về rồi nó trai gái cho mi khổ à!".
Có lần, bực quá mà xẵng giọng với chị: "Mắc mớ chi mà mi không ưng nó. Mi không ưng nó thì phải kiếm người như mi ưng nó". Mưa dầm thấm lâu, vâng lời mẹ cha mà chị dần xuôi xuôi chấp thuận làm vợ anh.
Ngày rước dâu, không kèn không trống rộn rã, không tiệc tùng huyên náo, không áo cưới sặc sỡ, chỉ lơ thơ vài tép trầu, mấy trái cau, chị giản dị bới đầu mặc bộ đồ màu đen mộc mạc mỉm cười bên anh trong bộ đồ vải ú y chang. Vậy mà thành vợ thành chồng.
Một góc làng rau Trà Quế (thuộc thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An, Quảng Nam)
- Ảnh: Vân Anh Nguyễn
|
Hai vợ chồng trẻ sống yên bình trong ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ ngày qua tháng lại xuân tình biết mấy. Anh nắm tay chị không ngòn ngọt hoa mỹ mà chỉ đơn giản ủi an: "Vợ chồng mình cố gắng làm ăn".
5 đứa con lần lượt ra đời như minh chứng cho chất son kết dính giữa hai người dù bữa đói bữa no.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, anh và bao trai tráng trong làng bị giặc Pháp bắt vì tham gia cách mạng. Những năm tháng sống trong khói lửa chiến tranh, biết sao được đoạn đời chia ly thời tao loạn.
Chị lại ngậm ngùi lặn lội đường sá xa xôi tay xách nải mà lên thăm chồng. Mà anh thì cứ bị chuyển từ nơi này đến nơi khác, lúc bị đày sang Lào làm khổ sai đã biền biệt bặt vô âm tín.
Chị ở nhà không quản vất vả thân cò tằn tiện nuôi bầy con nheo nhóc khi mót khoai, lúc làm thuê, cuốc mướn, cơ cực không sao tả xiết.
Nhưng nỗi đau mất chồng làm sao thấu được trời xanh, bao nhiêu đêm ôm gối thầm lặng rưng rức thương nhớ chờ đợi một lần gõ cửa. Mà đêm tối thì vẫn mịt mờ, bốn bề lặng thinh...
Đằng đẵng mấy năm ròng, anh trở về trong sự vỡ oà của chị. Đau đớn sao người đàn ông tráng kiện xưa kia đã chẳng còn nữa khi những đòn roi tra tấn dã man đã biến anh trở nên yếu ớt, thảm hại vô cùng.
Răng gãy vài chiếc, tay bị cùm đơ gần như cả bàn, mỗi lần trái gió trở trời là một lần ú ớ đầy ám ảnh. Chị lại nắm tay anh mà ủi an cùng nhau cố gắng chăm lo cho con.
Sáng sáng chồng xách nước, vợ tưới rau. Tối tối, chồng bắt cá ven sông, vợ ở nhà ru con ngủ. Ai mướn gì làm nấy. Vậy mà cũng dắt nhau đi qua được những năm tháng khốn khó của chiến tranh mà nuôi con nên người.
Giờ đây, con cháu đùm đề. Anh bây giờ đã là cụ ông 92 tuổi, chị cũng đã là cụ bà 85 tuổi. Già cả rồi, tóc bạc trắng phơ, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt mà mỗi lần ai hỏi đến chuyện tình xưa lại tủm tỉm cười phớ lớ, móm mém nhai trầu mà bảo: "Sống trên đời, tiền không quan trọng, chủ yếu là tình cảm. Khi ông nói thì bà nghe. Bà nói thì ông im vậy mới ăn đời, ở kiếp được với nhau".
Đơn giản vậy thôi mà cũng bên nhau được gần 70 năm dù không một bó hoa, một món quà hay câu yêu thương đong đầy chất chứa. Nghe bảo, ông đi đâu, bà vẫn giữ thói quen ở nhà đợi cơm. Khi ông mệt, bà lại để ông khoác vai tựa vào líu ríu bên nhau.
Tôi biết câu chuyện tình đầy cảm động này khi đến làng rau Trà Quế hít thở không khí trong lành, ngắm những cánh đồng rau mơn mởn và được nghe kể về câu chuyện tình của hai người già trồng rau lâu đời nhất ở đây. Ông là Lê Sẻ, bà là Nguyễn Thị Lợi.
Có lẽ mỗi con người cả đời tìm kiếm hào quang danh vọng hay tiền tài thì đến phút cuối cùng bình yên vẫn là được nắm tay ai đó nương tựa vào nhau đầy ước vọng như một bài hát.
"Khi chúng ta già
Con cháu chúng ta đã lớn khôn
Khi chúng ta già
Tóc đã vơi, làn da nhăn
Con cháu chúng ta đã lớn khôn
Khi chúng ta già
Tóc đã vơi, làn da nhăn
Khi chúng ta già
Mắt mờ đi, chân mình run không kịp bước
Mình nương tựa vào nhau
Quãng đời về sau
Và gói cả thế gian, vào lòng bàn tay gầy..."
Mắt mờ đi, chân mình run không kịp bước
Mình nương tựa vào nhau
Quãng đời về sau
Và gói cả thế gian, vào lòng bàn tay gầy..."
Bình luận (0)