Tinh giản biên chế, cải cách tiền lương

30/11/2023 06:00 GMT+7

Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, triển khai hiệu quả cải cách tiền lương...

Sáng 29.11, với 95,95% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. 

Triển khai hiệu quả cải cách tiền lương 

Trong lĩnh vực nội vụ, QH yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương.

Tinh giản biên chế, cải cách tiền lương - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết sáng 29.11

Gia Hân

Nghị quyết nêu rõ chậm nhất đến quý 2/2024 phải hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

Chậm nhất đến hết năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021; tập trung tổ chức triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm ổn định hoạt động của tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Trong lĩnh vực GD-ĐT, QH yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; khẩn trương ban hành chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Cùng đó là tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/2023 của Ủy ban Thường vụ QH giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non khi cải cách chính sách tiền lương phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế VN.

Ngăn chặn doanh nghiệp "sân sau" của ngân hàng

Trong lĩnh vực tài chính, QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là công tác đấu thầu mua sắm tài sản công. Đồng thời, sớm ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách và giải quyết dứt điểm các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Quốc hội: Xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp 'sân sau' của ngân hàng

QH cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn, tài sản nhà nước.

Trong lĩnh vực ngân hàng, QH yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Đặc biệt, QH yêu cầu có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp "sân sau" của ngân hàng; triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.