Tinh gọn bộ máy: Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?

11/12/2024 18:56 GMT+7

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy được thực hiện với toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội. Vậy cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội có thay đổi hay không?

Ngày 11.12, Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm "Cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay".

Tinh gọn bộ máy: Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?

TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, đánh giá "chưa lần nào việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai nhanh như lần này, chỉ trong mấy tháng đã định hình và có phương án cụ thể để các cơ quan bắt tay vào làm".

Tinh gọn bộ máy: Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?- Ảnh 1.

Tọa đàm "Cách mạng tinh gọn bộ máy - Những việc cần làm ngay" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 11.12

ẢNH: ĐÌNH HUY

Hợp nhất không chỉ là cơ học

Đề cập tới kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, TS Đinh Duy Hòa đánh giá nội dung của kế hoạch đã rõ, vấn đề còn lại là làm thế nào để thông qua việc sắp xếp, tinh gọn, bộ máy sẽ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn hiện nay.

Yếu tố then chốt, theo quan điểm của ông Hòa, đó là không nên dừng lại ở việc sắp xếp, tinh gọn cơ học về mặt con người và tổ chức; mà phải có sự thay đổi về bản chất bên trong. Điều này có nghĩa phải xác định lại chức năng, nhiệm vụ một cách "dài hơi", không chỉ với các bộ, ngành mới sau khi sáp nhập, mà với cả những bộ, ngành không thuộc diện sắp xếp, tinh gọn.

Ông Hòa lấy ví dụ, mỗi bộ có 100 đầu việc, khi sáp nhập 2 bộ thì tổng số đầu việc là 200. Nếu rà soát kỹ, khách quan thì có thể xác định được 50 đầu việc lẽ ra không phải làm; từ đó giảm được số lượng cán bộ phục vụ cho 50 đầu việc này.

Rồi như chuyện sáp nhập Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính, nếu chỉ dừng lại ở yêu cầu giảm 15 - 20% đầu mối đơn vị thì việc này không khó, vì 2 bộ hiện có nhiều đơn vị có chức năng trùng nhau như tham mưu, văn phòng, thanh tra… Vấn đề quan trọng là phải rà soát chức năng, nhiệm vụ của tất cả đơn vị, rồi mới định hình tổ chức bộ máy, như vậy mới tinh gọn triệt để được.

Tinh gọn bộ máy: Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?- Ảnh 2.
Tinh gọn bộ máy: Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?- Ảnh 3.

Ông Đinh Duy Hòa (trái) và ông Nguyễn Đức Hà

ẢNH: ĐÌNH HUY

Bày tỏ ủng hộ chủ trương tinh gọn, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức T.Ư nhắc đến sự chồng chéo giữa 2 tổ chức đảng là đảng bộ và ban cán sự đảng. Đơn cử, bộ trưởng là Ủy viên T.Ư, bí thư ban cán sự đảng, các thứ trưởng đều trong ban cán sự đảng. Trong khi đó, ban chấp hành đảng bộ chỉ có một thứ trưởng làm bí thư… "Cơ cấu như này thì ban cán sự đảng ở trên ban chấp hành đảng bộ, về nguyên tắc là không đúng", ông Hà nói.

Chưa kể, hiện nay do đảng bộ trực thuộc đảng ủy khối các cơ quan T.Ư, một số trường hợp rất khó xử vì đảng ủy khối không có cơ quan chính quyền cùng cấp.

Nếu thành lập đảng bộ Chính phủ như phương án dự kiến, đảng bộ các bộ trực thuộc đảng bộ Chính phủ, như vậy sẽ vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị và quyết được công tác nhân sự, khắc phục tình trạng một cơ quan mà có đến 2 tổ chức đảng.

Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?

Theo dự kiến, một số ủy ban của Quốc hội sẽ được sáp nhập, đồng thời không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại các ủy ban. Với định hướng như vậy, cơ cấu, số lượng của đại biểu Quốc hội sẽ thay đổi ra sao?

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy thực hiện với cả hệ thống chính trị, mà Quốc hội là một bộ phận của hệ thống, vì thế không thể không tin giản.

Tinh gọn bộ máy: Có nên giảm số đại biểu Quốc hội?- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng

ẢNH: ĐÌNH HUY

Có ý kiến đề xuất giảm số lượng đại biểu xuống khoảng 400 thay vì hơn 500 như hiện nay. Nhưng theo ông Dũng, việc giảm hay không sẽ không mang lại tác động có tính quyết liệt. Bởi với mô hình Quốc hội theo cơ cấu như hiện nay (T.Ư, địa phương, ngành lĩnh vực, đối tượng xã hội…), đại biểu Quốc hội chủ yếu là kiêm nhiệm, việc cắt giảm đại biểu nếu có sẽ chủ yếu với đại biểu chuyên trách.

Ngược lại, vấn đề cần cắt giảm, theo ông Dũng, đó là khâu phục vụ. Điển hình như việc ủy viên thường trực cũng có lái xe riêng, tính ra có đến hàng trăm lái xe cho các chức vụ này, cứ "chở thủ trưởng lên cơ quan họp rồi ngồi chờ 8 tiếng đón về" là rất lãng phí. "Như các nước cho tất cả vào lương hoặc trợ cấp làm đại biểu. Chuyện đi thế nào là chuyện của anh", ông Dũng phân tích.

Tương tự, ở nhiều quốc gia, quốc hội cung cấp dịch vụ nghiên cứu cho đại biểu, dựa trên nhu cầu; thay vì cần một viện nghiên cứu lập pháp như ở Việt Nam, có những đề tài nghiên cứu "khổng lồ rồi cất ngăn kéo", không có thời gian mà ngồi đọc.

Vẫn theo định hướng tinh gọn, các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội sẽ được nghiên cứu chuyển về trực thuộc các ủy ban của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Ông Dũng cho rằng nên đánh giá thêm về việc này.

Bởi lẽ, ủy ban là thiết chế chính trị, trong khi bộ máy văn phòng là hành chính. "Chủ nhiệm ủy ban là chính khách chính trị, cái giỏi làm là thẩm định, xem có đa số không để thông qua chính sách. Người đó không phải quan chức điều hành", ông Dũng nói và lo ngại nếu lẫn lộn giữa chính trị và hành chính sẽ khiến "bộ máy tăng rất ghê".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.