Tình hình Covid-19 hôm nay 11.2: Ca bệnh trong ngày tăng đột biến, ca tử vong giảm

11/02/2022 19:19 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Trong 2 ngày qua, số ca bệnh ghi nhận mới trong ngày tăng đột biến so với những ngày trước đó, lên mức hơn 26.000 ca/ngày; số bệnh nhân tử vong giảm nhiều so với thời gian trước.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ngày 11.2 thêm 26.471 ca mắc Covid-19, số bệnh nhân tử vong giảm. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 10.2 đến 16 giờ ngày 11.2, cả nước ghi nhận thêm 26.487 ca nhiễm Covid-19, trong đó 16 ca nhập cảnh và 26.471 ca trong nước (tăng 448 ca so với ngày trước đó). Hà Nội vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất cả nước với 2.908 ca. Hai ngày trở lại đây, số ca bệnh tại một số tỉnh, thành tăng cao so với thời gian trước đó. Cụ thể, Nghệ An có 1.501 ca, Hải Dương 1.447 ca, Hải Phòng 1.398 ca, Bắc Ninh 1.390 ca, Nam Định 1.287 ca... Một số địa phương có số ca nhiễm thấp như Đồng Tháp 45 ca, Bạc Liêu 44 ca, Sóc Trăng 34 ca, Long An 31 ca, Tây Ninh 31 ca...

Ngày 11.2: Cả nước 26.487 ca Covid-19, 6.075 ca khỏi | Hà Nội 2.908 ca | TP.HCM 260 ca

Trong 2 ngày qua, số ca bệnh ghi nhận mới trong ngày tăng đột biến so với những ngày trước đó, lên mức hơn 26.000 ca/ngày. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 20.203 ca/ngày. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 192 ca nhiễm biến thể Omicron. Hôm nay, Bộ Y tế công bố thêm 6.075 bệnh nhân được chữa khỏi, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.212.669 ca kể từ đầu dịch. Cả nước còn 2.586 bệnh nhân nặng phải điều trị, trong đó, 345 bệnh nhân phải thở máy xâm lấn và 17 ca phải can thiệp ECMO. Cũng trong 24 giờ, kể từ 17 giờ 30 ngày 10.2 đến 17 giờ 30 ngày 11.2, cả nước ghi nhận thêm 96 bệnh nhân tử vong do Covid-19, giảm nhiều so với thời gian trước.

Tiêm vắc xin Covid-19 ở TP.HCM

ngọc dương

TP.HCM phát hiện 5 ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rộng. Ngày 11.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 31.1 đến 7.2, qua tầm soát ngẫu nhiên 72 trường hợp nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện, kết quả giải trình tự gien đã phát hiện 5 ca nhiễm biến chủng Omicron. Trong đó, 1 ca đến từ Nghệ An, 3 ca cư trú tại TP.HCM, 1 ca di chuyển về Đồng Tháp và quay lại TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cả 5 ca nhiễm biến thể Omicron đều đã tiêm đủ vắc xin Covid-19, trong đó 4 ca có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và 1 ca không có triệu chứng. Hiện tại, sức khỏe của 5 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng trên đều ổn định. Ngành y tế thực hiện truy vết các F1, phát hiện có 19 trường hợp, xét nghiệm nhanh cho thấy có 3 ca dương tính và 16 trường hợp âm tính. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đây là 5 trường hợp mắc Covid-19 do biến thể Omicron lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn TP.HCM. Tính từ cuối tháng 12.2021 đến nay, TP.HCM đã phát hiện 125 ca mắc biến thể Omicron, trong đó 115 ca nhập cảnh, 10 ca trong cộng đồng.

Cà Mau hết túi thuốc A để cấp cho bệnh nhân Covid-19. Sở Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau cho biết, túi thuốc A dành cho bệnh nhân Covid-19 trong tỉnh hiện đã hết, trong khi nhu cầu 1 tháng tới cần khoảng 9.000 túi. Tỉnh đã kiến nghị Bộ Y tế cấp phát thêm thuốc kháng vi rút Covid-19. Hiện, tỉnh Cà Mau có hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Phân theo nơi điều trị, có hơn 215 ca điều trị tại các cơ sở y tế, 4 ca điều trị tại cơ sở tăng cường và hơn 1.783 ca điều trị tại nhà.

Sở Y tế Cà Mau cho biết, số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng trở lại sau Tết Nguyên đán sau khi người dân trở về quê ăn tết. Những ngày gần đây, nhiều người dân khi thực hiện xét nghiệm Covid-19 để đi làm, quay trở lại học tập và làm việc đã được phát hiện dương tính. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm này giảm mạnh so với cao điểm bùng phát dịch của tỉnh Cà Mau cách đây hơn 1 tháng.

TP.HCM phát hiện 5 ca nhiễm Covid-19 biến thể Omicron trong cộng đồng

Những quyết định lịch sử, kéo giảm ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM về 0. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP.HCM đã thụ hưởng chiến lược “ngoại giao vắc xin” của Chính phủ, tạo được miễn dịch cộng đồng. Kế đến, triển khai khẩn cấp 525 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ và chi viện lực lượng quân y của Bộ Quốc phòng. Công tác tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth) được triển khai qua tổng đài 1022.

Quyết định mang tính lịch sử tiếp theo là Ban Chỉ đạo Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ chi viện 25.000 cán bộ nhân viên y tế giúp TP.HCM chống dịch. Cùng với đó là quyết định thành lập các trung tâm hồi sức Covid-19 chuyên sâu do các Bệnh viện T.Ư đảm trách, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Trung ương Huế. TP.HCM cũng đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường). Từ ngày 23.8.2021 đến cuối tháng 9.2021, TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.

Chủ tịch xã ở Nghệ An bị tạm đình chỉ công tác do lơ là phòng chống dịch Covid-19. Ngày 11.2, thông tin từ UBND H.Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, Chủ tịch UBND huyện này vừa ra quyết tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Phạm Ngọc Duyên, Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân để kiểm điểm vì lơ là trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Công tác điều hành tại xã được giao cho Phó chủ tịch UBND xã.

Trước đó, chiều 7.2, đoàn công tác của H.Nghi Lộc đến xã Nghi Xuân để kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19. Thời điểm đó, ông Duyên không có mặt tại trụ sở xã. Đoàn công tác nhiều lần liên hệ với ông Duyên qua điện thoại nhưng không được. Ngoài ra, ông Duyên còn bị quy trách nhiệm vì tiến độ tiêm vắc xin cho người dân của xã này chậm. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, xã Nghi Xuân là ổ dịch lớn nhất tại H.Nghi Lộc, đến nay đã ghi nhận 112 ca nhiễm Covid-19.

TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho mở lại massage, karaoke; cán bộ công chức không còn bị hạn chế ăn tại nhà hàng. Ngày 11.2, thông tin từ Thường trực Thành ủy Hạ Long cho biết, địa phương này vừa đồng ý chủ trương mở lại dịch vụ karaoke, massage, bar, vũ trường, trò chơi điện tử… từ 12 giờ ngày 16.2. Theo yêu cầu của TP.Hạ Long, các cơ sở kinh doanh những dịch vụ trên phải có đủ các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. UBND TP.Hạ Long sẽ chỉ đạo hướng dẫn cụ thể các cơ sở kinh doanh dịch vụ mở cửa hoạt động trở lại, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Thành ủy Hạ Long cũng đề nghị cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn tiếp tục nêu gương trong phòng, chống dịch Covid-19. Đối với nội dung khuyến nghị không tham gia ăn uống tại nhà hàng, quán ăn; hạn chế ra khỏi tỉnh… sẽ hết hiệu lực từ 12 giờ ngày 16.2. Hôm qua (10.2) TP.Hạ Long ghi nhận 120 ca mắc mới. Trong đó 9 ca là học sinh tiểu học, THCS; 9 ca là nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn; 102 ca còn lại là các trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, sàng lọc người có triệu chứng và người tiếp xúc gần liên quan ca dương tính.

Hai bệnh viện ở Cà Mau được tạm ứng hơn 16 tỉ đồng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngày 11.2, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, UBND tỉnh Cà Mau đồng ý cấp kinh phí hơn 16 tỉ đồng cho 2 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, để đảm bảo kinh phí chi tiền lương và hoạt động thường xuyên năm 2021 của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm nguồn thu sự nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đồng ý bổ sung kinh phí cho các đơn vị để thực hiện với tổng số tiền hơn 16 tỉ đồng. Cụ thể, Bệnh viện đa khoa Cái Nước 10,624 tỉ đồng đồng; Bệnh viện đa khoa Năm Căn 5,472 tỉ đồng.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân cụ thể việc cơ quan BHXH tỉnh chưa thanh toán (xuất toán) chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của Bệnh viện đa khoa Năm Căn với số tiền 7,578 tỉ đồng. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan và đề xuất hướng xử lý.

Những việc F0 mắc Covid-19 cần làm theo dõi sức khỏe hằng ngày

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, nếu đáp ứng các tiêu chí, trường mầm non ở TP.HCM được đón trẻ dưới 3 tuổi từ ngày 1.3. Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, đến ngày 28.2, các trường sẽ làm tổng kết hoạt động đón trẻ 3 - 6 tuổi trong 2 tuần (tính từ hôm 14.2). Từ đó, phòng giáo dục các quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ trực tiếp giám sát, quyết định mở rộng đối tượng trẻ được đến trường. Nếu hoạt động đảm bảo và ổn định, đáp ứng các tiêu chí thì trường mầm non sẽ được đón tiếp lứa trẻ dưới 3 tuổi vào ngày 1.3, theo bà Điệp. Hiện TP.HCM thuộc vùng xanh (cấp độ 1), nhưng nếu trường nào chỉ đạt dưới 8/10 tiêu chí đánh giá an toàn trường học của UBND TP.HCM thì chưa được hoạt động. Những đơn vị chỉ đạt được 6 - 7 tiêu chí sẽ có thêm thời gian để bổ sung, khắc phục, còn dưới 6 tiêu chí thì không được hoạt động. Trước đó, theo kế hoạch mở cửa trường mầm non sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ đón trẻ mẫu giáo 3 - 6 tuổi trước theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Còn nhóm trẻ mầm non dưới 3 tuổi sẽ đến trường sau đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.