Tình hình Covid-19 hôm nay 12.8: TP.HCM quyết bảo vệ những ‘vùng xanh’ chưa có ca nhiễm

12/08/2021 17:36 GMT+7

Tin tức về tình hình Covid-19 hôm nay: Các khu vực 'vùng xanh' của TP.HCM chỉ thiết lập 1 lối đi vào - 1 lối đi ra, kiểm soát 24/24 giờ; đăng ký ít nhất 1 điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các 'vùng xanh'.

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, các khu vực "vùng xanh" của TP.HCM chỉ thiết lập 1 lối đi vào - 1 lối đi ra, được kiểm soát 24/24 giờ. Ngày 12.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký văn bản khẩn yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số nội dung quan trọng để thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”. Mỗi khu vực “vùng xanh” chỉ thiết lập 1 lối đi vào - 1 lối đi ra riêng biệt được kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát) nhưng phải ưu tiên bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra vào kể cả người và phương tiện. Các địa phương hạn chế bố trí lối ra vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly, khu vực có người nhiễm Covid-19.

TP.HCM phát hiện 2 ổ dịch mới, thêm 2.042 ca Covid-19 xuất viện

TP.HCM yêu cầu UBND phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký ít nhất 1 điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh”. Người dân ở khu vực có điểm cung ứng thực phẩm thì chỉ được đi đến điểm cung ứng đó để mua hàng. Hằng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình (1 tuần/1 hộ gia đình sẽ có 1 thẻ, phiếu đi chợ ) ghi rõ cụ thể: địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm. Trong trường hợp trong khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn y tế thì thực hiện mô hình đi chợ thuê, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.

Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh online cho bệnh nhân không phải bệnh Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy đưa vào hoạt động 30 số điện thoại di động chuyên tư vấn, khám bệnh online cho bệnh nhân không phải bệnh Covid -19 từ sáng 12.8. 30 số điện thoại di động, đại diện cho 30 chuyên khoa như ung thư, nội tiết, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thận nhân tạo, chăm sóc giảm nhẹ… sẽ thường trực 24/24 để tư vấn, khám bệnh qua điện thoại hoặc video call. Phương thức này thiết thực giúp bệnh nhân ở các tỉnh, khó có thể đến khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhất là đối với các bệnh nhân có bệnh mãn tính, phải tạm thời khám chữa bệnh tại địa phương hoặc gặp phải trở ngại khi sử dụng toa thuốc mới...

Bản tin Covid-19 ngày 12.8: Cả nước thêm hơn 9.000 ca bệnh, chạy nước rút để sản xuất được vắc xin "made in Việt Nam" trong tháng 9

TP.HCM cân nhắc vận động bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị tình nguyện tham gia chống dịch. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, Sở Y tế phối hợp cùng Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM khảo sát tại cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 để tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong hệ thống 5 tầng. Đáng chú ý, UBND TP.HCM giao Sở Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố việc vận động các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành quá trình điều trị tham gia tình nguyện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của thành phố, trong đó xác định công việc cụ thể, chế độ hỗ trợ...

Đồng Nai cần gấp 1.500 nhân viên y tế ứng phó kịch bản 30.000 ca nhiễm Covid-19. Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc CDC Đồng Nai, cho biết để ứng phó với kịch bản 20.000-30.000 ca F0, tỉnh Đồng Nai cần thêm khoảng 1.500 nhân viên y tế, trong đó có cả bác sĩ ở tuyến đầu điều trị. Ngày 4.8, Đồng Nai tiếp nhận 235 giảng viên, sinh viên y khoa của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định hỗ trợ. Ngày 11.8, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn khẩn gửi Bộ GD-ĐT, Giám đốc ĐH Huế và Hiệu trưởng trường ĐH Y dược thuộc ĐH Huế chi viện 300 sinh viên hỗ trợ. Tỉnh này đã huy động mọi lực lượng, kể cả y tế tư nhân, y tế học đường, y tế doanh nghiệp, y bác sĩ nghỉ hưu và nhân lực của “vùng xanh” ở các huyện như Tân Phú, Định Quán chi viện cho “vùng đỏ” là TP.Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch… Tuy nhiên, Đồng Nai cần thêm sự chi viện tổng lực của lực lượng y tế bên ngoài.

Hôm nay, Hà Nội dự kiến lấy 65.000 mẫu cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ để xét nghiệm sàng lọc. Sở Y tế Hà Nội cho biết, về xét nghiệm cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ, toàn thành phố đã lấy được 191.633 mẫu, số đã có kết quả là 72.959 (gồm 8 mẫu dương tính đã công bố và 72.951 mẫu âm) và 118. 674 mẫu chưa có kết quả. Sáng 12.8, Hà Nội ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 2 ca tại cộng đồng và 2 ca tại khu cách ly.

TP.HCM kiến nghị tiêm vắc xin Covid-19 cho 20.000 người nghiện và người trong diện bảo trợ xã hội

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, người dân đang ở Đồng Nai không được tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân. Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương này không tổ chức đưa người dân về, chỉ hỗ trợ tỉnh, thành phố nào có nhu cầu đón công dân của tỉnh mình về quê. Tỉnh/thành phố nào có nhu cầu đón công dân của mình đang ở Đồng Nai về địa phương thì liên hệ, sau đó hai bên thống nhất về thời gian, địa điểm, số lượng, phương thức đưa đón. Danh sách sẽ được UBND cấp huyện, thành phố tổng hợp gửi lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai. Nếu địa phương nơi công dân thường trú không có kế hoạch đưa về thì người dân không được tự ý về, theo chỉ đạo của Chính phủ ngày 31.7. Đến nay, Đồng Nai mới chỉ phối hợp và hỗ trợ Hà Tĩnh đưa 71 người dân về quê (đã thực hiện từ ngày 6 - 8.8).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.