Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 20.076 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 14.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 20.076 ca trong nước (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh: Hà Nội 1.425, Phú Thọ 1.094, Bắc Giang 935, Yên Bái 895, Quảng Ninh 887, Nghệ An 865, Vĩnh Phúc 813, TP.HCM 743, Tuyên Quang 687, Đắk Lắk 671, Hải Dương 610, Bắc Kạn 595, Lào Cai 548, Quảng Bình 532, Thái Nguyên 528, Thái Bình 511, Bắc Ninh 506.
Các địa phương ghi nhận dưới 100 ca: Bình Thuận 97, Bến Tre 94, Thừa Thiên - Huế 92, An Giang 71, Long An 62, Khánh Hòa 61, Trà Vinh 33, Bạc Liêu 31, Kon Tum 25, Kiên Giang 23, Cần Thơ 14, Đồng Nai 13, Ninh Thuận 8, Hậu Giang 7, Đồng Tháp 2.
Hôm nay, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 53.858 ca trên sau khi rà soát đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội giảm 252 ca, Lào Cai giảm 200 ca, Lâm Đồng giảm 187 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang tăng 253 ca, Hà Giang tăng 89 ca, Phú Yên tăng 68 ca.
Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 6.417 bệnh nhân khỏi bệnh. 1.242 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 151 ca thở máy xâm lấn và 3 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận nhận 23 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Bến Tre 4 ca, Kiên Giang 2, An Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Vĩnh Long mỗi nơi 1 ca.
TP.HCM sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến 12 tuổi từ ngày mai 16.4 |
độc lập |
TP.HCM sẵn sàng 604 bàn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản triển khai chi tiết tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM từ ngày 16.4. Theo đó, mũi 1 tiêm từ ngày 16.4 đến ngày 30.4. Ngày 16.4, tiêm cho trẻ lớp 6 tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Với trẻ lớp 5, tiêm tại 5 trường gồm: Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1; Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5; Trường tiểu học Dương Minh Châu, Q.10; Trường tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận; Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú. Sau đó sẽ sơ kết và triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ ở 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức vào ngày 18.4. Từ ngày 18 - 28.4, tiêm đồng loạt tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Ngày 29 và 30.4, tổ chức tiêm vét tại các điểm tiêm cộng đồng do quận, huyện bố trí.
Đối với mũi 2, TP.HCM dự kiến tiêm trong vòng 14 ngày khi đủ thời gian và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Để tiêm vắc xin hết cho số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn trong vòng 14 ngày, mỗi ngày TP.HCM bố trí 604 bàn tiêm (mỗi bàn tiêm cho 50 trẻ/buổi). Kèm theo đó là 74 xe cấp cứu trực chiến sẵn sàng. Bộ Y tế cấp lần 1 cho TP.HCM 87.500 liều vắc xin Covid-19, đã có tại TP.HCM. Sau đó cấp tiếp 138.000 liều và 147.000 liều để tiêm cho trẻ lứa tuổi trên, 3 đợt này đều là vắc xin Moderna.
HCDC lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sáng 15.4, Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến với Sở GD-ĐT, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) các quận, huyện, đơn vị liên quan triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 16.4. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, vắc xin Pfizer (nắp màu cam) tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi. Trong đợt cấp lần này, TP.HCM chỉ tiếp nhận Moderna, nên chỉ tiêm từ lớp 6, sau đó tiêm hạ độ tuổi cấp tiểu học, tuyệt đối không tiêm Moderna ở trẻ mầm non. Liều tiêm 0,25 ml, mỗi lọ 10 liều, tiêm bắp. “Không được tiêm trộn vắc xin Moderna với vắc xin khác, nếu tiêm mũi 1 Moderna thì mũi 2 phải tiêm Moderna. Không được lắc lọ vắc xin trước khi tiêm”, bác sĩ Nga nhắc nhở.
Bác sĩ Nga lưu ý phụ huynh cung cấp đầy đủ thông tin để trường tạo hồ sơ tiêm chủng cho trẻ trên hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19 quốc gia, chuẩn bị sẵn mã số định danh công dân của trẻ. Mã số định danh sau này chính là mã số CCCD của trẻ. Đây cũng là cơ sở để cấp giấy xác nhận tiêm chủng cho trẻ. Phụ huynh cần phải cung cấp tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe của trẻ cho nhân viên y tế trước tiêm để có thể sắp xếp lịch và nơi tiêm phù hợp. Trong ngày tiêm chủng, phụ huynh cho con ăn uống đầy đủ, mặc áo ngắn tay, tránh để trẻ nhịn đói dẫn đến hạ đường huyết, gây sự cố bất lợi trong tiêm chủng ngẫu nhiên mà không liên quan đến tiêm chủng, ảnh hưởng buổi tiêm và sức khỏe của trẻ. Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đúng lịch để được đón tiếp, đảm bảo an toàn cho trẻ; mang theo tất cả giấy tờ chứng minh nhân thân của trẻ và chỉ tiêm cho trẻ khi có sự đồng thuận của phụ huynh.
Những điều phụ huynh cần làm khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, lưu ý phụ huynh, trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19 nên chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, tránh để trẻ bị đói, khát trước khi tiêm. Trẻ có thể uống được nhiều loại nước. Bố mẹ cần cho trẻ uống đủ nước như nước lọc, sinh tố, nước dừa, nước trái cây… nhất là vào ngày tiêm vắc xin Covid-19. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi có đủ nước, cơ thể sẽ dễ dàng vượt qua mệt mỏi hay đau nhức cơ bắp. "Dinh dưỡng tốt sẽ giúp tạo miễn dịch đầy đủ cho trẻ. Tuy nhiên, không có bất cứ loại thực phẩm cụ thể nào được cho là sẽ làm cho vắc xin phát huy tác dụng tốt hơn hay làm giảm tác dụng của vắc xin. Vì vậy, bố mẹ không cần phải cho trẻ ăn kiêng hay ăn loại thức ăn đặc biệt nào trước khi cho trẻ tiêm vắc xin Covid-19", bác sĩ Chính khuyến cáo.
Phụ huynh nên chuẩn bị và cung cấp đầy đủ những thông tin về sức khỏe của trẻ cho bác sĩ khám sàng lọc như: Trẻ có đang mắc các bệnh lý cấp tính, có sốt hay có bệnh mạn tính tiến triển? Tiền sử bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc mắc phải, có đang sử dụng những loại thuốc gì? Tiền sử mắc bệnh Covid-19 cách nay bao lâu, có điều trị gì hoặc có biến chứng gì? Tiền sử dị ứng, phản ứng nặng/nghiêm trọng với các loại thuốc, thực phẩm, hóa chất hay vắc xin khác? Trẻ có bị rối loạn đông máu? Trẻ có bị phản ứng nặng khi tiêm những loại vắc xin khác? Trẻ có từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc hay?
Theo bác sĩ Chính, những thông tin này rất quan trọng để nhân viên y tế có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.
Không cho trẻ vận động mạnh 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi tiêm vắc xin, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức, hay chơi thể dục thể thao.
"Bởi sau khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ. Vùng bắp tay tại vị trí tiêm thường sẽ bị đau nhiều, ngoài ra có thể có các hội chứng viêm tại vùng tiêm, do đó nếu vận động nhiều sẽ làm tăng chuyển hóa, phản ứng tiêm tại chỗ", bác sĩ Luân giải thích. Theo bác sĩ Luân, đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ gặp phản ứng phụ như viêm cơ tim là khá thấp, tuy nhiên phụ huynh vẫn phải theo dõi sát trẻ trong 3 ngày đầu, luôn cần có người lớn theo dõi để kịp thời thấy những triệu chứng bất thường.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, với vắc xin Pfizer, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm mệt mỏi (50%), đau đầu (30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (20%), đau cơ và ớn lạnh (10%), sốt (10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2). Với vắc xin Moderna, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).
Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ em 5 -11 tuổi bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ. Bác sĩ Hiền Minh lưu ý phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ...
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Covid-19 có thể gây viêm và chảy máu não. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Tulane (Mỹ) phát hiện ở bệnh nhân Covid-19, tình trạng viêm nhiễm có thể tấn công não và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Hệ quả là làm giảm lưu lượng máu và ô xy đến não, dẫn đến tổn thương thần kinh và xuất hiện các vết xuất huyết nhỏ trong não, thậm chí gây tử vong.
Điều ngạc nhiên là tình trạng này vẫn xuất hiện ở những người bị nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình. Tác động đến thần kinh là một trong những triệu chứng phổ biến của Covid-19. Chúng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, có hoặc không có bệnh nền, mức độ nặng nhẹ khác nhau và có khả năng tác động lâu dài đến sức khỏe. Nhóm nghiên cứu hy vọng các phát hiện mới này và thêm nhiều nghiên cứu khác trong tương lai sẽ giúp hiểu rõ hơn cách thức virus SARS-CoV-2 tác động đến não. Nhờ đó, khoa học có thể tìm ra phương pháp hiệu quả để điều trị các triệu chứng Covid-19 liên quan đến thần kinh, theo Science Daily.
Bình luận (0)