Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 41.968 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 18.2 đến 16 giờ hôm nay, ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 41.968 ca trong nước (giảm 459 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Số tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh giảm so với hôm trước: Hà Nội 4.869 ca, Bắc Ninh 3.040 ca, Quảng Ninh 1.990 ca, Hòa Bình 1.871 ca, Thái Nguyên 1.852 ca, Nam Định 1.798 ca, Phú Thọ 1.567 ca, Hải Phòng 1.555 ca, Lào Cai 1.410 ca, Vĩnh Phúc 1.394 ca, Nghệ An 1.360 ca, Hải Dương 1.328 ca, Yên Bái 1.150 ca, Bắc Giang 1.042 ca, Sơn La 1.040 ca.
Ngày 19.2: Công bố 54.830 ca Covid-19, 6.840 ca khỏi | Hà Nội 4.869 ca | TP.HCM 849 ca |
Hôm nay Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 12.850 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình giảm 1.062 ca, Vĩnh Phúc giảm 764 ca, Hà Tĩnh giảm 621 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh tăng 1.484 ca, Hà Nội 320 ca, Hòa Bình 304 ca. Hôm nay có 6.840 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 65 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM có 2 ca đều là trường hợp chuyển đến từ Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu; Đà Nẵng 9 ca; Hà Nội 5 ca; Hòa Bình 4 ca trong 2 ngày…
Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM |
ngọc dương |
Úc hoàn thành cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vắc xin với Việt Nam. Theo thông tin từ Đại sứ quán Úc và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 3,6 triệu liều vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 từ Úc trong thời gian gần đây, thông qua thỏa thuận mua sắm với UNICEF và hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam. 2,2 triệu liều vắc xin cuối cùng đã tới sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 19.2.
Qua đợt chuyển giao này, Úc hoàn thành cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vắc xin Covid-19 với Việt Nam. Ngoài những liều vắc xin Pfizer được mua thông qua UNICEF, Úc đã chia sẻ 4,2 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ nguồn cung riêng của nước này kể từ tháng 8.2021. UNICEF đã hỗ trợ việc mua sắm các liều vắc xin Pfizer thông qua gói hỗ trợ trị giá 60 triệu đô la Úc của Úc cho việc triển khai tiêm chủng của Việt Nam. Với việc cung cấp những liều vắc xin cùng gói hỗ trợ toàn diện, Úc trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 quốc gia.
Bắt giám đốc và kế toán CDC Thừa Thiên - Huế vì liên quan đến kit test Việt Á. Sáng 19.2, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức, giám đốc và ông Hà Thúc Nhật, kế toán trưởng CDC Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, ông Đức và ông Nhật bị bắt tối 18.2, về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 222, Bộ Luật Hình sự 2017. Hành vi vi phạm của ông Đức và ông Nhật liên quan trong vụ việc Công ty Việt Á mua bán kit xét nghiệm Covid-19.
Trước đây, khi Bộ Công an thông tin các địa phương có liên quan trong vụ Công ty Việt Á, mua bán kit xét nghiệm Covid-19, trong đó có CDC Thừa Thiên - Huế, trả lời báo chí ông Hoàng Văn Đức vẫn khẳng định “không nhận từ Công ty Việt Á một đồng nào”. Kết quả điều tra, cho thấy CDC Thừa Thiên - Huế có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với giám đốc và kế toán của CDC Thừa Thiên - Huế để tiếp tục làm rõ.
Bản tin Covid-19 ngày 19.2: Cả nước thêm 54.830 ca nhiễm | Diễn biến mới vụ kit test Việt Á |
Hơn 4.000 ca nhiễm mỗi ngày, nhiều phường, xã Hà Nội tăng cấp độ dịch. UBND TP.Hà Nội vừa công bố đánh giá cấp độ dịch tính đến ngày 18.2. Theo đó, thành phố không ghi nhận xã, phường nào ở cấp độ 3 và 4. Tuy nhiên, tại cấp độ 2 (màu vàng), số xã, phường đã tăng từ 43 của tuần trước lên con số 80 trong tuần này. Cùng với đó, số phường xã ở cấp độ 1 (màu xanh) giảm xuống còn 499 phường, xã.
Số lượng ca Covid-19 mắc mới của Hà Nội đã liên tục tăng cao ở mức 3.500 - 4.500 ca nhiễm/ngày trong gần tuần qua. Số bệnh nặng, nguy kịch 1 tuần qua tăng gần 250 trường hợp.
Ca nhiễm Covid-19 ở Lâm Đồng gia tăng, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Đến sáng 19.2, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm 470 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 từ đầu dịch đến nay lên 22.842 ca. Từ sau kỳ nghỉ tết, mỗi ngày tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm trung bình khoảng 350 ca/ngày, riêng 3 ngày gần đây số ca nhiễm Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Hiện toàn tỉnh đang cách ly điều trị 7.084 ca, ra viện 15.658 ca, tử vong 84 ca, về địa phương khác 16 ca.
Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại để đạt được và duy trì miễn dịch cộng đồng; trong đó ưu tiên cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ… Đến nay, độ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở Lâm Đồng đạt 99,99 %, tiêm mũi 2 đạt 98,55 %, tiêm liều bổ sung đạt 86,58 % và tiêm liều nhắc lại đạt 46,8 %; với người từ đủ 12 đến 18 tuổi tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 96,21 %.
Hoàn thiện thuốc điều trị Covid-19 sản xuất tại Việt Nam. Những ngày đầu năm 2022, PV Thanh Niên đã mục sở thị xưởng sản xuất thuốc Molravir 400 (hoạt chất Molnupiravir) của Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP 1 (Bình Dương). Tại đây, có nhiều máy trộn thuốc thành phẩm, đóng viên và ép vỉ, đóng gói. Đại diện nhà máy cho biết, những ngày đầu thí nghiệm, nguyên liệu mua về đắt đỏ, nếu thí nghiệm không thành công, xem như công sức đổ sông đổ biển.
Với quyết tâm sản xuất, từ ngày đầu tiên (1.9.2021) đến khi ra sản phẩm đầu tay (5.1.2022), thuốc Molravir 400 đã hoàn thiện. Để đưa thuốc ra thị trường, ngoài quá trình nghiên cứu của công ty, còn có sự hướng dẫn sát sao qua các văn bản chỉ đạo, xét duyệt hồ sơ và phản hồi nhanh chóng của Cục Quản lý Dược. “Để có những viên thuốc điều trị Covid-19 đưa ra thị trường như hôm nay, đội ngũ khoa học của công ty cùng cả ngành dược làm việc không mệt mỏi trong 4 - 5 tháng qua. Không dừng lại ở sản phẩm Molravir 400, công ty còn tiếp tục nghiên cứu, phát triển những sản phẩm khác để điều trị Covid-19”, đại diện Boston Việt Nam khẳng định.
Nhiều trường ở Thanh Hóa loay hoay quyết định học trực tiếp hay trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19. Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục Thanh Hóa, tính từ ngày 7 - 17.2, thành phố ghi nhận 2.300 học sinh và 180 giáo viên mắc Covid-19 qua test nhanh tầm soát tại trường. Khi phát hiện học sinh là F0, mỗi trường có cách xử lý khác nhau đối với việc dạy học trực tiếp hay trực tuyến. Có trường khi phát sinh từ 2 - 3 học sinh/lớp là F0 thì cho cả lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, cũng có trường áp dụng biện pháp này đối với lớp ghi nhận từ 4 - 5 học sinh F0. Trong khi đó, tại một số trường, nếu một lớp ghi nhận gần 10 học sinh F0 thì mới chuyển sang dạy học trực tuyến.
Lãnh đạo các trường cho biết việc quyết định chuyển sang học trực tuyến là chỉ dựa vào nhận định của từng trường, nhưng lại không có chuyên môn để xác định mức độ của dịch bệnh. Tình trạng này khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng, còn lãnh đạo các trường học thì loay hoay không biết như thế nào cho đúng, là phù hợp.
Còn 3 tỉnh, thành bao phủ vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi dưới 80% |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, dịch bệnh Covid-19 giảm, Tây Ninh tổ chức trở lại chào cờ đầu tuần từ ngày 21.2. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trước đó, địa phương này đã cho tạm ngưng việc tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghi thức chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội đã đi vào hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Do đó, bắt đầu từ ngày 21.2, nghi thức chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần tại cơ quan, đơn vị sẽ được tổ chức trở lại. Trong ngày 18.2, địa phương này ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh. Đến nay, Tây Ninh có tổng cộng 99.925 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 840 ca tử vong.
Bình luận (0)