Tình hình Covid-19 hôm nay 21.1: TP.HCM đề ra 5 mục tiêu điều trị hậu Covid-19

21/01/2022 19:13 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình covid-19/" title="Covid-19" target="_blank" rel="noopener noreferrer">Covid-19 hôm nay: TP.HCM lên kế hoạch triển khai hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19, với 5 mục tiêu.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ngày 21.1 có 15.901 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 20.1 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.935 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 15.901 ca trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành ghi nhận ca bệnh cao: Hà Nội 2.805 ca, Đà Nẵng 964 ca, Hải Phòng 796 ca, Hưng Yên 685 ca, Bến Tre 618 ca, Thanh Hóa 509 ca...

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Khánh Hòa giảm 233 ca, Bình Định giảm 101 ca, Trà Vinh giảm 92 ca. Các tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên tăng 56 ca, Hải Phòng tăng 50 ca, Phú Thọ tăng 45 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 2.256 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 177 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, tại TP.HCM ghi nhận 8 ca (1 ca chuyển đến từ Long An), Vĩnh Long 13 ca, Đồng Tháp 9 ca, Kiên Giang và Cần Thơ mỗi nơi 8 ca…

Người dân đi khám hậu Covid-19 ở TP.HCM

duy tính

TP.HCM triển khai kế hoạch bảo vệ sức khỏe người dân hậu Covid-19. Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM về việc triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó, mục tiêu chính là phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe.

Tờ trình đưa ra 5 mục tiêu gồm: 1. Xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người bệnh hậu Covid-19. 2. Phát triển nền tảng số của TP.HCM về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu Covid-19 (đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân), chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19. 3. Thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người hậu Covid-19. 4. Tăng cường truyền thông về chiến dịch bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19. 5. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu Covid-19”, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau đại dịch Covid-19.

Ngày 21.1: Cả nước 15.935 ca Covid-19, 33.034 ca khỏi | Hà Nội 2.805 ca | TP.HCM 227 ca

Vụ thông đồng mua kit xét nghiệm Việt Á: Bắt Giám đốc CDC Bắc Giang. Ngày 21.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh, và Phan Thị Khánh Vân, chị ruột Phan Huy Văn, để làm rõ các hành vi sai phạm liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Cả 3 bị can cùng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

C03 xác định, bị can Lâm Văn Tuấn đã có hành vi thông đồng, câu kết với Phan Huy Văn, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan, vi phạm quy định của luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 148 tỉ đồng. Hai bị can Văn và Vân nhận trên 44 tỉ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á. Bà Vân đã chi một phần tiền cho ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang. Được biết, CDC Bắc Giang và Sở Y tế Bắc Giang là những đơn vị mua sản phẩm kit xét nghiệm số lượng lớn do Công ty Việt Á sản xuất.

Bình Phước chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 21.1, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật. Việc đấu thầu, mua sắm phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực và “lợi ích nhóm”...

Liên quan đến việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm từ Công ty Việt Á trong năm 2021, CDC Bình Phước đã mua từ đơn vị này số kit test Covid-19 và kit tách chiết với tổng số tiền 41,5 tỉ đồng. CDC Bình Phước đã thanh toán trên 7,1 tỉ đồng, số còn lại chưa hoàn tất thủ tục thanh toán. Cũng trong năm 2021, CDC Bình Phước còn mua máy xét nghiệm Realtime - PCR và máy tách chiết tự động DNA/RNA của Công ty Việt Á với tổng kinh phí 2,75 tỉ đồng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn nhưng chưa thanh toán. Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng xác nhận Bộ Công an sau đó đã làm việc với 6 cán bộ thuộc CDC Bình Phước liên quan đến việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm từ Công ty Việt Á.

2 bệnh viện dã chiến ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) chỉ còn điều trị cho 7 bệnh nhân. Thông tin tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai phương hướng, công tác trọng tâm năm 2022 của Q.Phú Nhuận, ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận cho biết quận có 2 bệnh viện dã chiến nhưng hiện chỉ điều trị 7 bệnh nhân mắc Covid-19. “Trước mắt, quận ngưng hoạt động 1 bệnh viện, nhưng chắc vài bữa nữa cũng không còn ai. Dù ngưng hoạt động nhưng các bệnh viện luôn sẵn sàng kích hoạt trở lại”, ông Tùng nói. Số ca mắc Covid-19 được chăm sóc, điều trị tại nhà cũng chỉ còn 75 người. Nhiều tuần qua, Q.Phú Nhuận liên tiếp duy trì là vùng xanh (nguy cơ thấp).

Về kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19, ông Tùng cho biết nếu có phát sinh ca bệnh mới thì tập trung thu dung, điều trị, cấp thuốc, đồng thời quan tâm củng cố hệ thống y tế cơ sở. Dù chưa được phân công sinh viên y khoa tốt nghiệp về thực hành nhưng quận cũng đã có kế hoạch phối hợp với các bệnh viện, bác sĩ về hưu tham gia các trạm y tế lưu động. Riêng về tiêm vắc xin Covid-19, Phú Nhuận là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người dân. “Quận cũng sẵn sàng tiêm mũi 4 khi thành phố có kế hoạch và ngành y tế hướng dẫn”, ông Tùng khẳng định.

Đề xuất mua 21,9 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi

Các đơn vị y tế ở Kon Tum thu phí xét nghiệm Covid-19 giá cao chênh lệch hơn 5,5 tỉ đồng. Ngày 21.1, Sở Y tế Kon Tum cho biết đã gửi văn bản đề xuất Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh này xử lý số tiền chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh Covid-19 từ ngày 1.7 đến ngày 9.11.2021. Theo đó, trong thời gian trên, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Kon Tum đã thu giá xét nghiệm 238.000 đồng/lần, cao hơn so với mức giá mua kit xét nghiệm theo kết quả đấu thầu. Tổng số tiền chênh lệch do thu giá xét nghiệm cao là trên 5,6 tỉ đồng.

Vừa qua Sở Y tế Kon Tum yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, thực hiện việc hoàn trả tiền đã thu từ người dân làm xét nghiệm với giá cao hơn so với mức giá mua kit xét nghiệm theo kết quả đấu thầu cho các đối tượng đã thực hiện xét nghiệm nhanh trong thời gian trên. Tính đến ngày 14.1, các đơn vị đã trả lại cho những người sử dụng dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với số tiền trên 100 triệu đồng. Số tiền 5,5 tỉ còn lại không hoàn trả được Sở Y tế đã đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum xử lý theo quy định.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, tỉnh Bình Định không cách ly người về quê đón tết. Ngày 21.1, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh này không có quy định cách ly hay hạn chế đi lại đối với người về hoặc đến tỉnh này đón Tết Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, tất cả người dân đều phải thực hiện nghiêm túc 5K để phòng dịch Covid-19. Trong những ngày qua, một số người ở TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê đón tết bị một số trạm y tế xã, phường ở tỉnh Bình Định yêu cầu thực hiện cách ly y tế tại nhà từ 7 - 14 ngày, buộc thực hiện test nhanh trong thời gian cách ly tại nhà… Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng cách ly công dân từ các nơi về quê đón tết. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu các địa phương không quy định thêm các biện pháp hạn chế nhằm tạo điều kiện cho người dân về quê đón tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.