Tình hình Covid-19 hôm nay 21.3: Sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi, mũi 4 cho nhóm ưu tiên

21/03/2022 19:18 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình covid-19/" title="Covid-19 hôm nay: Bộ Y tế đang lập kế hoạch, lên phương án về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và tiêm mũi 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Thêm 131.709 ca mắc Covid-19, cả nước vượt 8 triệu ca từ đầu dịch. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 20.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 131.709 ca trong nước (giảm 9.440 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới, có 87.895 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 17.916 ca, Nghệ An 5.403 ca, Phú Thọ 5.348 ca, Bắc Ninh 4.295 ca, Lào Cai 4.282 ca, Bắc Giang 3.908 ca, Tuyên Quang 3.896 ca, Lạng Sơn 3.769 ca, Yên Bái 3.755 ca, Vĩnh Phúc 3.686 ca, Bắc Kạn 3.684 ca, Hải Dương 3.620 ca, Đắk Lắk 3.592 ca, Thái Bình 3.016 ca.

Ngày 21.3: Cả nước 131.713 ca Covid-19, 179.640 ca khỏi | Hà Nội 17.916 ca | TP.HCM 1.487 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An giảm 3.930 ca, Hà Nội giảm 1.149 ca, Đắk Lắk 1.003 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn tăng 1.875 ca, Bắc Ninh tăng 1.442 ca, Bình Dương tăng 1.277 ca. Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 8 triệu ca nhiễm. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 179.640 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện, 4.169 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua ghi nhận 69 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Bạc Liêu, Đồng Nai, Quảng Nam và Quảng Ngãi mỗi nơi 5 ca, Bình Dương 4 ca, An Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Thọ và Trà Vinh mỗi địa phương 3 ca, Bắc Giang, Cà Mau, Hòa Bình, Lâm Đồng, Phú Yên, Tây Ninh, và TP.HCM mỗi tỉnh, thành 2 ca…

Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh

đậu tiến đạt

Rà soát, phát hiện 1.926 người trên 65 tuổi ở TP.HCM chưa tiêm vắc xin Covid-19. Ngày 21.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ từ 65 tuổi trở lên kèm bệnh nền đã lập danh sách được 236.700 người. Trong đợt cao điểm từ 1.3 đến 20.3, các phường, xã, quận, huyện của TP.HCM ghi nhận 25.000 người trên 65 tuổi nguy cơ cao và có bệnh nền. Trong đó, ghi nhận có 1.926 người chưa tiêm mũi vắc xin Covid-19 nào và đã tổ chức tiêm được 227 mũi; tiêm mũi 2 cho 203 người có tiền sử đã tiêm mũi 1; tiêm mũi 3 cho 2.322 người đã tiêm mũi 2.

Kết quả test nhanh tầm soát Covid-19 cho 33.823 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, phát hiện 1.154 ca nhiễm Covid-19 để đưa vào điều trị thuốc kháng vi rút sớm. Trước đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi có kèm bệnh nền). Song song đó, triển khai thực hiện xét nghiệm test nhanh Covid-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách đang quản lý và danh sách đã được cập nhật.

TP.HCM Phát hiện hơn 1.900 người trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19

Chuẩn bị công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và tiêm mũi 4 đối với người có bệnh nền. Bộ Y tế đang lập kế hoạch, lên phương án về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và tiêm mũi 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ. “Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này”, một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng của Bộ Y tế cho biết vào hôm qua (20.3).

Liên quan đến việc tiêm mũi thứ 4 vắc xin Covid-19, chuyên gia cũng chia sẻ, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện một số ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ 4 này ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3, nên mũi thứ 4 chưa nên tiêm đại trà. Với nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và nguy cơ do Covid-19, Bộ Y tế đánh giá việc tiêm vắc xin sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng, hoặc có thể chuyển nặng nếu bị nhiễm bệnh.

Phải xem việc sản xuất vắc xin trong nước là cực kỳ quan trọng. Chiều 21.3, Ban công tác phía Nam - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân trong quý I, những vấn đề nổi bật trong công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, của chính quyền địa phương trong phòng chống dịch Covid-19, trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại TP.HCM và các khu vực phía Nam. Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết người dân hoan nghênh Chính phủ trong thời gian qua đã tìm được nguồn và tiêm chủng vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ rất cao.

Tuy nhiên, ông Khoa lưu ý phải xem việc sản xuất vắc xin trong nước là cực kỳ quan trọng. "Dịch bệnh rồi sẽ trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta không thể nào đi xin hay mua mãi vắc xin", ông Khoa nói. Theo ông Khoa, người dân hiện nay cũng rất băn khoăn về việc giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng rất nhanh, chính vì vậy, nhà nước cần có sự điều hành mạnh mẽ hơn đối với mặt hàng thiết yếu như xăng nhưng lại đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. "Người dân băn khoăn mong đợi nhà nước xem xét trong bối cảnh lạm phát gia tăng thì mức lương tối thiểu hiện nay không còn phù hợp", ông Khoa nói thêm.

Cà Mau hướng dẫn cách xử lý khi tự test Covid-19 ghi nhận dương tính. Ngày 21.3, tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau, sở này vừa có công đề nghị các đơn vị thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp người đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh nội trú và nhân viên y tế có nghi ngờ mắc Covid-19, có ít nhất 2 trong số biểu hiện lâm sàng sau: sốt, ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp và các dấu hiệu bất thường khác có liên quan sau khi khám sàng lọc Covid-19. Xét nghiệm theo dõi điều trị bệnh nhân Covid-19 theo Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28.1.2022 của Bộ Y tế, về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19; Quyết định số 405/QĐ-BYT ngày 22.2.2022 của Bộ Y tế, về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em.

Các đối tượng còn lại tự thực hiện xét nghiệm theo công văn số 1110 ngày 4.3.2022 của UBND tỉnh Cà Mau. Theo đó, nếu test lần thứ nhất dương tính thì tiến hành test lại lần thứ 2 bằng một loại test khác. Trường hợp kết quả lần 2 dương tính thì báo cáo cơ sở y tế gần nhất xác định bệnh và tiến hành phân loại, cách ly, điều trị đúng theo quy định. Trường hợp kết quả lần 2 âm tính thì từ 8 - 12 giờ sau tiến hành xét nghiệm lại (trong thời gian này phải thực hiện 5K, cách ly tại nhà, nơi cư trú theo dõi sức khỏe). Nếu dương tính thì báo cáo y tế cơ sở, còn âm tính thì xử lý như người không nhiễm bệnh.

HĐND TP.HCM tái giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19. Ngày 21.3, HĐND TP.HCM có kế hoạch tái giám sát kết quả triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch. Theo kế hoạch, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM sẽ tổ chức giám sát từ ngày 25.3 - 10.4. Kế hoạch tái giám sát này nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Nghị quyết 09/2021 (gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1); Nghị quyết 12/2021 (chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19) và Nghị quyết 97/2021 (gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3).

Theo HĐND TP.HCM, kế hoạch tái giám sát lần này, cũng nhằm để đánh giá kết quả giải quyết những vấn đề được đề xuất, kiến nghị trong báo cáo kết quả giám sát hồi tháng 11.2021 của HĐND TP.HCM. Tháng 11.2021, HĐND TP.HCM đã tổ chức 2 đoàn giám sát Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM, Sở TT-TT TP.HCM, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, UBND phường, xã, thị trấn... về công tác tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách; công tác rà soát, lập, thẩm định và phê duyệt danh sách đối tượng... và HĐND TP.HCM đã có báo cáo kết quả giám sát.

HĐND TP.HCM tái giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, phẫu thuật thẩm mỹ thành điểm nóng ở TP.HCM sau dịch Covid-19. Chiều 21.3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ. Liên quan đến vụ việc nữ bệnh nhân tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện 1A (Q.Tân Bình) ngày 18.3, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã xuống hiện trường, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh vụ việc. Kết quả bước đầu, xác định một bệnh nhân nữ sinh năm 1989, đến bệnh viện này cùng ngày để phẫu thuật nâng ngực và tử vong trong quá trình phẫu thuật. Trả lời câu hỏi bác sĩ Nguyễn Văn Thiết là người trực tiếp phẫu thuật đang công tác ở đâu, bà Mai cho biết bác sĩ Thiết hiện công tác tại Bệnh viện 30.4, là bác sĩ hợp tác với Bệnh viện 1A. Bác sĩ này được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề năm 2014, phạm vi hoạt động bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ. Về trách nhiệm của Sở Y tế, bà Mai nói hằng năm thanh tra có kế hoạch kiểm tra các cơ sở trên địa bàn, tập trung các cơ sở, ngành nghề là điểm nóng như các năm qua kiểm tra phòng khám đa khoa có yếu tố người nước ngoài. Mới đây, sau đợt dịch Covid-19, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trở thành điểm nóng. Sở Y tế TP.HCM đã lập kế hoạch kiểm tra, phối hợp với các cơ quan thuộc bộ, ngành và chính quyền địa phương xử lý các cơ sở vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.