Tình hình Covid-19 hôm nay 22.2: Trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM tăng cao

22/02/2022 18:54 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình covid-19/" title="Covid-19 hôm nay: Từ ngày 14.2 đến nay, số trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước. Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 6.799 ca trong trường học.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 55.871 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 21.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 55.871 ca trong nước (tăng 9.010 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 6.860 ca, Bắc Ninh 2.842 ca, Bắc Giang 2.500 ca, Hải Dương 2.485 ca, Quảng Ninh 2.087 ca, Hòa Bình 2.087 ca, Phú Thọ 2.084 ca, Lào Cai 2.056 ca, Nam Định 1.943 ca, Vĩnh Phúc 1.811 ca, Hải Phòng 1.798 ca, Ninh Bình 1.665 ca, Thái Nguyên 1.645 ca, Sơn La 1.494 ca, Nghệ An 1.441 ca, TP.HCM 1.352 ca, Hưng Yên 1.312 ca, Yên Bái 1.290 ca, Thái Bình 1.282 ca, Khánh Hòa 1.213 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thanh Hóa giảm 262 ca, Thái Nguyên giảm 217 ca, Quảng Bình giảm 211 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội tăng 1.383 ca, Bắc Giang tăng 878 ca, Lào Cai 875 ca. Hôm nay có 10.412 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 77 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 17 ca, Thanh Hóa 8 ca trong 2 ngày, Nghệ An 6 ca. Các tỉnh Bình Định, Kiên Giang và Phú Yên mỗi nơi ghi nhận 4 ca. Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hòa Bình và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 3 ca...

Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM

duy tính

TP.HCM xem xét dừng học trực tiếp nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng. Chiều 22.2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp giao ban định kỳ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới có dấu hiệu gia tăng, bao gồm cả trẻ em khi các khối lớp học trực tiếp tại nhà trường. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết từ ngày 14.2 đến nay, số ca trẻ em tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7.2 đến 13.2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học; bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp mầm non là 394 em, cấp tiểu học là 2.786 em, THCS là 1.875 em, THPT - giáo dục thường xuyên là 1.744. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng với 201 trường.

Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy số trẻ em dưới 12 tuổi chiếm 93% ca bệnh, đây là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin, trong đó 65% là trẻ dưới 5 tuổi. Ngành y tế theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp.

TP.HCM xem xét dừng học trực tiếp nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng

Số ca mắc biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế ở TP.HCM. Chiều 22.2, tại cuộc họp giao ban định kỳ, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhận định biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn. Nhận định trên được đưa ra sau khi có đủ cơ sở khoa học. Cụ thể, theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại thành phố từ ngày 10.2 đến ngày 17.2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%. Nhóm biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.

Ông Thượng cho biết đây là cách khảo sát mới để ứng phó với biến chủng Omicron trên địa bàn, thay vì việc chỉ xác định mắc Covid-19 như trước đây, bởi cách giải trình tự gien truyền thống mất nhiều chi phí và thời gian chờ đợi. Để khẳng định độ chính xác của phương pháp này, ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gien và 100% kết quả là biến chủng Omicron. “Đây là cơ sở khoa học cho thấy, biến chủng Omicron tại TPHCM đang tăng cao. Điều này cũng một phần lý giải cho số bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn có chiều hướng tăng”, ông Thượng nói.

Hà Nội chạm kỷ lục mới gần 7.000 ca mắc Covid-19 trong ngày. Sở Y tế Hà Nội cho biết, hôm nay 22.2, thành phố ghi nhận 6.860 ca Covid-19, trong đó 1.977 ca cộng đồng, 4.883 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh 435 ca, Hoàng Mai 423 ca, Nam Từ Liêm 393 ca, Sóc Sơn 377 ca, Bắc Từ Liêm 329 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021 đến nay) là 213.855 ca.

Kết luận Hội nghị thường trực Thành ủy về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều qua 21.2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý tuyệt đối không được chủ quan. Lý do, hiện nay, các dịch vụ, du lịch, điểm di tích, danh lam thắng cảnh đã mở cửa trở lại; học sinh, sinh viên trở lại học tập; thời tiết mưa lạnh khắc nghiệt kéo dài... Tất cả làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Số ca kỷ lục tại Hà Nội, tâm lý nguy hiểm "ai rồi cũng F0". Hà Nội mỗi ngày ghi nhận trung bình 4.500 - 5.500 ca, nhiều F0 thậm chí không khai báo mà tự điều trị. Theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số liệu thống kê của Hà Nội là 5.000 ca/ngày thì thực tế phải cao hơn nhiều, vì rất nhiều F0 chưa phát hiện ra hoặc không khai báo. Dịch đã lan sâu trong cộng đồng, không chỉ nhiễm ngoài xã hội, công sở, nơi đông người mà đang lây lan nhanh nhất trong từng gia đình.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nhiều F0 không khai báo hoặc không biết mình là F0 vẫn đi làm và tiếp xúc với nhiều người, rất nguy hiểm vì là nguồn phát tán F0 ra cộng đồng. “Ý thức mỗi người là rất quan trọng, với những người đi lại nhiều, tiếp xúc với nhiều người nên test để bảo vệ bản thân và bảo vệ những người xung quanh”, TS Nga nêu. Theo thống kê, chỉ riêng tuần từ 14.2 đến 20.2, Hà Nội ghi nhận hơn 29.700 ca mắc mới Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 ở Đắk Lắk vượt qua mốc 1.200 ca trong một ngày. Chiều 22.2, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 1.264 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua; trong đó có 961 ca phát hiện trong cộng đồng. Đây là số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục trong một ngày ở tỉnh này, đưa tổng số ca mắc toàn tỉnh lên 24.469 ca; trong đó có 106 trường hợp tử vong. Địa bàn vừa ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất là TP.Buôn Ma Thuột (586 ca), tiếp đó là H.Krông Pắk (118 ca), H.Ea Kar (111 ca)…

Theo ghi nhận của ngành y tế Đắk Lắk, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 tại nhiều địa bàn của tỉnh này tăng cao nhiều lần so với trước tết. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP.Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo cho học sinh từ mầm non đến lớp 6 dừng học trực tiếp để phòng chống dịch. UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo đẩy mạnh công tác cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Lâm Đồng vượt 600 ca/ngày, F1 phải cách ly y tế. Theo đó, sáng 22.2, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm 629 ca bệnh Covid-19, đây là số ca nhiễm cao kỷ lục từ đầu dịch đến nay tại Lâm Đồng, nâng tổng số ca Covid-19 từ đầu dịch đến nay lên 24.368 ca.

Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu CDC Lâm Đồng và trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện cách ly y tế các F1. Cụ thể, người đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19 theo quy định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 sẽ phải cách ly y tế 5 ngày. F1 chưa tiêm đủ liều, hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải cách ly y tế 7 ngày tại nhà.

Ngày 22.2: Cả nước 55.879 ca Covid-19, 10.412 ca khỏi | Hà Nội 6.860 ca | TP.HCM 1.352 ca

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Bộ Y tế đề nghị xác minh khẩn vụ “bác sĩ giả” Nguyễn Quốc Khiêm. Hôm nay 22.2, PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, lãnh đạo Trường ĐH Y dược TP.HCM và lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị làm rõ thông tin liên quan vụ bác sĩ giả mạo Nguyễn Quốc Khiêm. Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết đã nhận được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng về việc ông Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ vào làm việc tại một khu điều trị ở TP.HCM (Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM tại Q.12, TP.HCM) từ tháng 7.2021 theo danh sách sinh viên tham gia hỗ trợ khu cách ly của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Đặc biệt, theo thông tin, bác sĩ giả này được giao phụ trách chính khu điều trị chuyển đổi từ khu cách ly và ký các báo cáo, chẩn đoán, các văn bản chuyển tuyến..., đồng thời xưng là bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi xem xét, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin trên phương tiện đại chúng về trường hợp giả bác sĩ nêu trên và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (nếu có). Báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám chữa bệnh) trước ngày 28.2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.