Tình hình Covid-19 hôm nay 25.3: Ca nhiễm liên tục giảm, Hà Nội qua đỉnh dịch

25/03/2022 19:14 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó. Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, thành phố Hà Nội đã qua đỉnh dịch.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục giảm trong những tuần gần đây. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 24.3 đến 16 giờ hôm nay trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 108.979 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 108.957 ca ghi nhận trong nước (giảm 11.035 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 10.803 ca, Phú Thọ 4.555 ca, Nghệ An 4.023 ca, Yên Bái 3.997 ca, Đắk Lắk 3.925 ca, Bắc Giang 3.720 ca, Lào Cai 3.690 ca, Vĩnh Phúc 3.136 ca. Hôm nay Sở Y tế Hòa Bình đăng ký bổ sung 22.392 ca; Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 20.005 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 10.125 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội giảm 1.682 ca, Bắc Ninh giảm 1.486 ca, Lạng Sơn giảm 936 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn tăng 695 ca, Phú Thọ tăng 278 ca, Đắk Nông tăng 255 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 175.540 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện, 3.889 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 51 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Cà Mau ghi nhận 5 ca, An Giang 4 ca, các tỉnh, thành: Bạc Liêu, Hà Nội, Kiên Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Ninh và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 3 ca, Bến Tre, Bình Thuận và Đà Nẵng mỗi nơi ghi nhận 2 ca...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31

thái ninh

Hà Nội đã qua đỉnh dịch. Sáng 25.3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, tuần từ 18 đến 24.3, Hà Nội có 123.134 ca mắc, 28 trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 17.591 ca bệnh/ngày, giảm 39,3% so với kỳ báo cáo trước. Theo nhận định của Sở Y tế, thành phố Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch, tuy nhiên không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới. Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát yêu cầu, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống.

Đến nay, tổng số mũi vắc xin mà Hà Nội đã tiêm được là 16,3 triệu mũi. Hiện nay, thành phố đang quản lý, điều trị cho 264.820 bệnh nhân ở tầng 1 (nhẹ, không triệu chứng), tỷ lệ 99,34%; 1.404 bệnh nhân ở tầng 2 (triệu chứng trung bình), tỷ lệ 0,53%; 345 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng, nguy kịch), tỷ lệ 0,13%. Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong tuần qua, số ca mắc F0 trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh, cho thấy thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, TP yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là phải đeo khẩu trang 100%.

Đắk Nông thu giữ hàng trăm bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc. Ngày 25.3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông cho biết vừa phát hiện, bắt quả tang một vụ vận chuyển các loại kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, ngày 15.3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đắk Nông phối hợp với Công an TP.Gia Nghĩa bắt quả tang Phạm Thị B.T (35 tuổi, trú tại P.Nghĩa Đức, TP.Gia Nghĩa) có hành vi vận chuyển hàng hóa là thiết bị vật tư y tế, kit xét nghiệm Covid-19 để giao bán cho các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trên xe ô tô của T. có 525 bộ kit xét nghiệm Covid-19, 10 bộ khay thử xét nghiệm định tính kháng nguyên thuộc chủng loại Covid-19 Antigen Rapid (dạng test nước bọt), 20 bộ khay thử nghiệm kháng nguyên Covid-19. Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ tang vật trên để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định. Từ đầu tháng 3 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện 6 vụ vi phạm trong kinh doanh vật tư y tế, thu giữ 745 bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lừa bán kit test Covid-19, chiếm đoạt 150 triệu đồng. Ngày 25.3, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an H.Hoằng Hóa vừa bắt giữ nghi phạm Vy Văn Tuyển (29 tuổi, ngụ xã Đồng Thắng, H.Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an H.Hoằng Hóa, nhận thấy thị trường khan hiếm kit test nhanh Covid-19, ngày 22.2, Vy Văn Tuyển đã lập tài khoản Facebook rồi rao bán số lượng lớn kit test. Thấy thông tin Tuyển đăng tải trên mạng xã hội, chị T.T.N (ngụ xã Hoằng Phụ, H.Hoằng Hóa) liên lạc qua tài khoản Facebook để đặt mua kit test Covid-19.

Chị N. chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cho Tuyển, nhưng đợi mãi vẫn không thấy gửi kit test như đã hứa. Khi chị N. liên lạc lại với Tuyển thì các kênh liên lạc đều bị chặn, nên trình báo Công an H.Hoằng Hóa. Cơ quan công an sau đó tiến hành điều tra. Tại cơ quan công an, Vy Văn Tuyển thừa nhận do cần tiền đánh bạc, và biết nhu cầu lớn của thị trường muốn mua kit test nhanh Covid-19, nên đăng tin rao bán trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vụ việc đang được Công an H.Hoằng Hóa điều tra làm rõ.

TP.HCM lập trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 ở bệnh viện dã chiến 3 tầng. Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết thành phố gom 5 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 trong cao điểm dịch, thành 3 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115, đặt tại 3 bệnh viện đa tầng để tiếp nhận bệnh nhân; Trung tâm điều hành cấp cứu 115 đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung cũng sẽ rút về trụ sở chính ở Q.10. Ngày 25.3, Sở Y tế và Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã đến Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 (Q.Tân Phú) để khảo sát và lập Trạm cứu vệ tinh dã chiến 115. Trạm đặt tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 (số 2 đường Trường Chinh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú), có quy mô 10 xe cấp cứu với 165 nhân viên chuyên môn y tế và nhân viên chuyên môn khác.

Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 khu vực Q.7 có quy mô 10 xe cấp cứu với 165 nhân viên chuyên môn y tế và nhân viên chuyên môn khác. Trụ sở đặt tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (số 16 đường Đào Trí, P.Phú Thuận, Q.7). Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 khu vực Bình Chánh có quy mô 10 xe cấp cứu với 165 nhân viên chuyên môn y tế và nhân viên chuyên môn khác. Trụ sở đặt tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 13 trực thuộc Sở Y tế (9A - B đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh). Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 khu vực Q.10 có quy mô 10 xe cấp cứu với 165 nhân viên chuyên môn y tế và nhân viên chuyên môn khác đặt tại Trung tâm Cấp cứu 115 (266A Lý Thường Kiệt, P.14 , Q.10).

Sở Tài chính TP.HCM giải thích lý do vẫn chưa rót thêm kinh phí hỗ trợ Covid-19 đợt 3. Gần nửa năm qua, hơn 300.000 người tại Q.Bình Tân (TP.HCM) vẫn chưa được nhận hỗ trợ gói Covid-19 đợt 3 vì địa phương thiếu kinh phí, chờ TP.HCM phân bổ thêm. Đại diện Sở Tài chính cho biết: "Theo tổng hợp, đối với 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, đã chi hơn 10.600 tỉ đồng liên quan kinh phí phòng chống dịch Covid-19 và các gói hỗ trợ cho người dân. Số tiền này cũng chiếm hơn 45% so với tổng chi thường xuyên của ngân sách trong năm 2021. Ngành tài chính cũng như các sở ngành, quận huyện đã gồng mình thực hiện các nội dung đó". Phía Sở Tài chính TP.HCM phải cân đối ngân sách, cũng như đề nghị các sở ngành chuyên môn khi đề xuất bổ sung dự toán, phải rà soát chặt chẽ để đảm bảo nguồn ngân sách có thể cân đối được.

Riêng đối với Nghị quyết 97/2021 (gói hỗ trợ đợt 3) ở Q.Bình Tân, hiện nay, Sở Tài chính đã căn cứ theo Báo cáo 39062 của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ngày 27.11.2021, trình TP.HCM bổ sung dự toán cho Q.Bình Tân hơn 394 tỉ đồng. Do đó, đối với các trường hợp phát sinh sau này, Sở Tài chính TP.HCM đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM rà soát, đánh giá lại, đồng thời, yêu cầu đánh giá hiệu quả chi hỗ trợ cũng như việc tiếp tục chi. Bà Trần Thị Tuyết Hồng, Phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM nhận định rằng, tỷ lệ người dân chưa được nhận hỗ trợ đợt 3 vẫn còn lớn, kéo dài đã lâu. Bà Hồng bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của đại diện Sở Tài chính khi đơn vị này yêu cầu đánh giá hiệu quả công tác chi hỗ trợ rồi mới chi tiếp.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, các bị cáo làm giả găng tay y tế ở TP.HCM bán trong dịch Covid-19 lãnh án. Ngày 25.3, TAND TP.HCM tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ thu gom găng tay y tế đã qua sử dụng để làm giả găng tay của các thương hiệu nổi tiếng. HĐXX tuyên phạt bị cáo Thạch Thị Hoa (38 tuổi; Giám đốc Công ty TTH) 13 năm tù, Lê Ngọc Ngân (38 tuổi) 7 năm tù, Nguyễn Đức Chương (49 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) 8 năm tù, Nguyễn Thị Thu Sương (37 tuổi, ngụ Quảng Bình) 9 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Lynh Trang (49 tuổi, ngụ TP.HCM) 4 năm 6 tháng tù về cùng tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Áp dụng phạt tiền bổ sung đối với bị cáo Hoa, Ngân, Chương và Sương mỗi bị cáo 50 triệu đồng. Trong đó, bị cáo Hoa là chủ mưu, chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, nên cần xử phạt cao hơn mức hình phạt mà đại diện Viện KSND đề nghị. Bị cáo Sương phạm tội với vai trò đồng phạm tích cực, cung cấp chính các nguyên liệu để bị cáo Hoa sản xuất găng tay y tế giả. Hai bị cáo Ngân, Chương biết việc Hoa sản xuất găng tay y tế giả nhưng vẫn giúp sức tích cực theo chỉ đạo của Hoa. Bị cáo Trang giúp Hoa chấm công, trả tiền lương cho công nhân, nhưng chỉ là người làm công ăn lương, đồng phạm vai trò không đáng kể nên xử phạt bị cáo mức thấp nhất của khung hình phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.