Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 77.970 ca mắc Covid-19 tại 61 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 25.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 77.982 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 77.970 ca ghi nhận trong nước (giảm 804 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. 15 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.000 ca bệnh: Hà Nội 10.783 ca, Nghệ An 3.985 ca, Vĩnh Phúc 2.995 ca, Hưng Yên 2.962 ca, Tuyên Quang 2.737 ca, Phú Thọ 2.696 ca, Nam Định 2.654 ca, Quảng Ninh 2.559 ca, Hải Dương 2.534 ca, Hòa Bình 2.373 ca, Sơn La 2.136 ca, TP.HCM có 2.069 ca, Ninh Bình 2.063 ca, Bắc Ninh 2.041 ca, Hải Phòng 2.025 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang giảm 1.565 ca, Lạng Sơn giảm 1.046 ca, Phú Yên giảm 777 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An tăng 1.561 ca, Hà Nội tăng 947 ca, Vĩnh Phúc tăng 628 ca. Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 20.427 ca khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 88 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, tại TP.HCM 3 ca (2 ca chuyển đến từ Đồng Tháp và Đồng Nai), Hà Nội 24 ca, Đà Nẵng 5 ca, Nam Định 5 ca trong 2 ngày, Trà Vinh 5 ca…
Thuốc điều trị Covid Molnupiravir Stella 400 mg |
hân hồ |
Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir. Về chỉ định của thuốc: Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Các giới hạn sử dụng thuốc: Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp; Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, Cục Quản lý Dược khuyến cáo không cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Nam giới: Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Hà Nội lại lập đỉnh với gần 11.000 ca mắc Covid-19 trong ngày. Sở Y tế Hà Nội cho biết, hôm nay 26.2, thành phố ghi nhận 10.783 ca bệnh. Như vậy, chỉ trong tuần qua, số ca mắc mới đã tăng liên tục từ mốc 5.000 ca lên tới gần 11.000 ca/ngày. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 10.783 ca mắc mới, có 3.709 ca cộng đồng, 7.074 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 537 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như Long Biên 541 ca, Mê Linh 531 ca, Thạch Thất 478 ca, Quốc Oai 385 ca, Hai Bà Trưng 331 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4 đến nay) là 250.757 ca.
Theo công bố cấp độ dịch của UBND TP.Hà Nội sáng nay, sau 2 tuần không ghi nhận số phường, xã ở cấp độ 3 (màu cam), số ca tăng kỷ lục trong tuần này khiến số phường, xã chuyển màu vàng và cam của Hà Nội tăng vọt. Theo đó, có 283 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (giảm 216 xã, phường so với tuần trước); 222 xã, phường cấp độ 2 (tăng 142 xã, phường). Nếu trong các tuần trước đó không có địa bàn nào cấp độ 3 và 4 thì tuần này có 74 xã, phường thành cấp độ 3; không có địa bàn nào cấp độ 4.
Số ca Covid-19 tăng “kỷ lục”, hơn 70 xã phường ở Hà Nội thành "vùng cam" |
Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo nguồn cung và chất lượng trang thiết bị y tế chống dịch. Bộ Y tế vừa có công văn số 913/BYT-TB-CT gửi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị y tế về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đánh giá, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chuẩn bị kế hoạch và phương án đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa ô xy trong máu SpO2...
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường; yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Cà Mau điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1, F2. Theo đó, đối với người đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin Covid-19, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày hoặc người đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác. Xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR, hoặc test nhanh vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.
Trước đây, người tiêm 1 liều vắc xin cách ly y tế 7 ngày, người chưa tiêm cách ly 14 ngày. Điều chỉnh mới, người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19 cách ly y tế 7 ngày. Xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ 7. Nếu kết quả âm tính với Covid-19, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử lý theo quy định.
Bình Thuận có 3 phương án dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Theo Sở GD-ĐT Bình Thuận, toàn tỉnh có 275 giáo viên và 1.415 học sinh nhiễm Covid-19. Từ ngày 28.2, toàn ngành giáo dục vẫn tiến hành dạy và học 2 buổi/ngày và triển khai học bán trú ở các trường mầm non, tiểu học. Sở GD-ĐT Bình Thuận có 3 phương án dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Phương án 1, dạy học trực tiếp hoàn toàn trong điều kiện vùng xanh. Phương án 2, khi có giáo viên và học sinh bị F0 thì kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến. Phương án 3, dạy học trực tuyến khi trở thành vùng đỏ.
Theo tổng hợp của Sở GD-ĐT Bình Thuận, toàn tỉnh có 257.084/282.291 học sinh đi học trực tiếp, đạt tỷ lệ 91,07%; cao nhất là khối THPT đạt tỷ lệ 97,76%. Riêng tỉ lệ giáo viên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt 95,74%, mũi 2 là 95,81% và mũi 3 là 70,56%. Số học sinh của Bình Thuận đủ điều kiện đã tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 78,93%, mũi 2 là 77,92% và mũi 3 là 0,03%.
Ngày 26.2: Công bố 98.876 ca Covid-19, 20.427 ca khỏi | Hà Nội 10.783 ca | TP.HCM 2.069 ca |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM tri ân, tôn vinh thầy thuốc, đội ngũ y tế. Sáng 26.2, TP.HCM tổ chức lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2022). Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, khẳng định hôm nay là ngày đặc biệt, dành để tri ân, tôn vinh các thầy thuốc, đội ngũ y tế của thành phố và cả nước. Ngành y tế TP.HCM vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn, thử thách khi ứng phó với đại dịch Covid-19 lần 4 mang chủng Delta chưa có tiền lệ. Trước bối cảnh sức khỏe tính mạng người dân bị đe dọa nguy cấp, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đồng lòng quyết tâm vượt qua đại dịch, đồng thời quan tâm bảo vệ hệ thống y tế không để bị suy sụp. Chính lúc này, ngành y tế là lực lượng chủ yếu, dũng cảm xông pha ra tuyến đầu chống dịch cứu dân. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết những phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước là sự tưởng thưởng xứng đáng cho đại diện nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã cống hiến, hy sinh nhưng cũng không thể kể hết được; đồng thời nhấn mạnh lịch sử TP.HCM sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ. Đánh giá đại dịch đã làm bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập, ông Nên thông tin TP.HCM đã triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế và phòng chống dịch, trong đó xác định chiến lược y tế là trụ cột, bao trùm, xuyên suốt, là nền tảng cho các kế hoạch khác.
Bình luận (0)