Tình hình Covid-19 hôm nay 26.3: TP.HCM bình ổn giá các loại thuốc ứng phó dịch bệnh

26/03/2022 19:21 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Hơn 200 mặt hàng thuốc trị các bệnh thường gặp, các bệnh mãn tính, các thuốc ứng phó với dịch bệnh Covid-19, được TP.HCM đưa vào chương trình bình ổn thị trường, giảm giá bán.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Thêm 103.124 ca mắc Covid-19 mới, 3.353 bệnh nhân nặng đang điều trị. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 25.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 103.126 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 103.124 ca trong nước (giảm 5.833 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới, có 70.760 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 9.623 ca, Phú Thọ 4.679 ca, Nghệ An 4.362 ca, Bắc Giang 4.000 ca, Yên Bái 3.995 ca, Lào Cai 3.557 ca, Đắk Lắk 3.443 ca, Lạng Sơn 3.010 ca. Hôm nay, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 55.179 ca mắc sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Bản tin Covid-19 ngày 26.3: Cả nước hơn 8,9 triệu ca | Bao giờ Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 164.553 bệnh nhân khỏi bệnh. 3.353 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua ghi nhận 62 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Cà Mau 11 ca, Bình Định 7 ca trong 2 ngày, Bình Dương 4 ca, Đà Nẵng 4 ca trong 2 ngày, Trà Vinh 4 ca trong 2 ngày, Phú Yên 3 ca trong 2 ngày, Bắc Giang, Bạc Liêu, Cao Bằng, Gia Lai, Hải Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tây Ninh mỗi nơi 2 ca, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Sóc Trăng, Thái Bình, TP.HCM và Vĩnh Long mỗi địa phương 1 ca.

TP.HCM đưa các loại thuốc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vào chương trình bình ổn giá

SHUTTERSTOCK

Thuốc ứng phó dịch bệnh Covid-19 là mặt hàng bình ổn giá ở TP.HCM. Ngày 26.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về dự thảo ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2023; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM gồm 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều và các thuốc ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Các thuốc bao gồm: giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc từ dược liệu... với hơn 200 mặt hàng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong nhóm thuốc bình ổn bao gồm các mặt hàng thiết yếu thông thường và mặt hàng có hoạt chất paracetamol, là mặt hàng thiết yếu và có thể sử dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm. Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất 5 - 10%. Phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối, các điểm bán thuốc bình ổn tại các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc doanh nghiệp, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố. Thuốc trong chương trình sẽ được phân phối đến người bệnh, đặc biệt người có thu nhập thấp, điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc nhiều.

TP.HCM: Thuốc ứng phó dịch bệnh Covid-19 là mặt hàng bình ổn giá

Mạo danh nhân viên CDC Cà Mau yêu cầu đi lấy kết quả xét nghiệm Covid-19. Ngày 26.3, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau (CDC Cà Mau) cho biết, đơn vị nhận được phản ánh tình trạng mạo danh nhân viên của trung tâm gọi điện xác nhận thông tin cá nhân của người dân để yêu cầu đi nhận kết quả xét nghiệm Covid-19. Chị T. (ngụ TP.Cà Mau, Cà Mau) cho biết, mới đây có số máy lạ gọi điện thông báo cho chị về việc đi nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR Covid-19. Người này gọi đến tự nhận là nhân viên của CDC Cà Mau. Khi chị T. tỏ ra bức xúc vì không đi làm xét nghiệm thì người gọi điện lấy lý do để tránh thông báo nhầm kết quả cần xác nhận lại một số thông tin của chị T. như họ tên, ngày sinh, số CMND.

CDC Cà Mau khẳng định đây là cuộc gọi lừa đảo, người dân cần cảnh giác cao độ. Thông thường, khi người dân đến làm xét nghiệm RT-PCR Covid-19, trung tâm hẹn đến nhận kết quả sau 24 giờ tại CDC Cà Mau. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Cà Mau đã khẳng định người mắc Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên nên việc người dân làm xét nghiệm PCR rất ít. CDC Cà Mau khuyến cáo người dân hãy nâng cao cảnh giác trước các trường hợp giả mạo nhân viên y tế, nhân viên CDC nhằm mục đích xấu. Khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn liên quan đến phòng chống dịch, người dân cần phải xác minh, kiểm chứng để không bị lừa đảo. Người dân nên lưu số điện thoại của trạm y tế, trung tâm y tế nơi mình sinh sống để dễ dàng cho việc khai báo, liên hệ khi cần thiết.

Tái nhiễm nhiều lần không làm suy yếu hệ miễn dịch nhưng các di chứng hậu Covid-19 nặng nề hơn. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ở lần nhiễm Covid-19 sau nếu tiếp xúc gần với F0, không đeo khẩu, tải lượng virus nhiều thì nguy cơ bị bệnh nặng vẫn cao. Theo ông Dũng, việc tái nhiễm nhiều lần không làm suy yếu hệ miễn dịch nhưng gây nặng nề hơn các di chứng hậu Covid-19. Bởi trong quá trình nhiễm Covid-19, virus gây tổn thương tế bào, hệ miễn dịch sẽ tấn công cơ quan bị nhiễm nhưng đôi khi nhận diện nhầm gây viêm toàn thân, tăng đông, kích hoạt kháng thể… dẫn đến các di chứng hậu Covid-19.

“Khi virus tấn công vào cơ thể người sẽ gắn với thụ thể ACE2 để xâm nhập vào bên trong, do đó khi hệ miễn dịch kích hoạt kháng thể tấn công vào protein gai của virus sẽ ảnh hưởng chéo đến các thụ thể ACE2. Trong khi đó ACE2 đóng vai trò bảo vệ phổi, tim mạch. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các di chứng hậu Covid-19”, ông Dũng chia sẻ. Ngoài ra, theo tiến sĩ Dũng, việc cơ thể liên tục kích hoạt các phản ứng miễn dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó dù tái nhiễm sẽ nhẹ nhưng nguy cơ hậu Covid-19 sẽ không khác gì lần đầu, tức càng nhiễm nhiều lần, nguy cơ hậu Covid-19 càng cao.

Phân biệt một người bị tái nhiễm hay tái hoạt. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), tái hoạt (tái dương tính) thường xảy ra trong 3 tháng đầu. Ví dụ, trong làn sóng dịch thứ 3 tại TP.HCM, có hành khách bay về từ nước ngoài nên được cách ly 14 ngày. Đến ngày 14, bệnh nhân này được phát hiện dương tính Covid-19 nên nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị. Sau khi điều trị 14 ngày, bệnh nhân âm tính được cho về nhà cách ly 14 ngày. Đến ngày 14, bệnh nhân dương tính nhập viện điều trị lại nhưng nhẹ. “Do đó, nếu trong 3 tháng đầu, bệnh nhân cứ âm tính, dương tính rồi âm tính thì được gọi là tái hoạt. Tức người bệnh vẫn bị chính chủng virus đó gây dương tính, nhưng chỉ còn là xác virus nên không gây nặng, khả năng lây lan hầu như không có”, bác sĩ Tiến lý giải.

Còn tái nhiễm có 2 dạng. Một dạng chung tác nhân tức cùng một biến chủng, dạng thứ hai khác tác nhân tức biến chủng khác. Tái nhiễm chung tác nhân theo nghiên cứu khoảng 3 tháng mới nhiễm lại, một số tài liệu ghi nhận 6 tháng. Bởi kháng thể của một bệnh nhân có thể kéo dài đến 6-7 tháng. Ở một số bệnh nhân có trí nhớ miễn dịch thì sẽ không bị nhiễm lại. Còn tái nhiễm khác tác nhân thì không cần thời gian 3 tháng, 6 tháng mà có thể khoảng 1 tháng. Ví dụ, một người nhiễm Omicron biến chủng BA.1 thì khoảng 1 tháng có thể nhiễm biến chủng BA.2 chẳng hạn.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, cán bộ xã ở Cà Mau mượn người giả chữ ký để nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Ngày 26.3, ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (H.U Minh, Cà Mau), cho biết ông Lư Công Vinh, cán bộ phụ trách TB-XH của xã vừa bị tạm đình chỉ công tác vì liên quan đến việc mượn người giả chữ ký của dân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19. Trước đó, nhiều người dân là lao động tự do trên địa bàn xã Khánh Hội bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Sau khi có tố giác, người dân mới biết số tiền hỗ trợ đã có người ký nhận. Sự việc vỡ lở, cán bộ TB-XH của xã mới đem tiền cấp cho dân. Theo UBND xã Khánh Hội, qua xác minh, tại ấp 3 có 24 người bị giả chữ ký với số tổng tiền 36 triệu đồng. Người chủ trương giả chữ ký là ông Lư Công Vinh, cán bộ TB-XH UBND xã Khánh Hội. Người thực hiện là bà Lý Hồng Mận, trưởng ấp 3. Ông Vinh lý giải, do gần hết thời gian nhận hỗ trợ mà người dân không đến nhận, sợ bị thu hồi số tiền trên nên bảo bà Mận nhận. Bà Mận nhờ 2 người dân đang đi làm thủ tục hành chính tại xã ký giả chữ ký của 24 hộ dân. Tổ công tác của Sở LĐ-TB-XH Cà Mau đã đến xác minh nhà các hộ dân, làm việc với lãnh đạo xã, trưởng ấp 3 và ông Lư Công Vinh xung quanh việc cấp tiền hỗ trợ Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.