Tình hình Covid-19 hôm nay 27.2: 96% bệnh nhân ở Hà Nội không triệu chứng, thể nhẹ

27/02/2022 19:19 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay 27.2: Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại Hà Nội, hôm nay ghi nhận 11.517 ca, cộng dồn 262.274 ca. Dù vậy, số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số, đến 96%.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay 27.2: Phát hiện 86.966 ca mắc Covid-19 tại 61 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 26.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 86.990 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 86.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.996 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Có 17 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.000 ca bệnh trong ngày: Hà Nội 11.517 ca, Quảng Ninh 5.997 ca, Lạng Sơn 4.960 ca, Hưng Yên 3.225 ca, Bắc Ninh 3.037 ca, Nghệ An 2.941 ca, Nam Định 2.764 ca, Vĩnh Phúc 2.758 ca, Phú Thọ 2.565 ca, Sơn La 2.509 ca, Tuyên Quang 2.350 ca, Hòa Bình 2.298 ca, Lào Cai 2.272 ca, Hải Dương 2.226 ca, Hải Phòng 2.114 ca, Ninh Bình 2.031 ca, Đắk Lắk 2.012 ca.

Ngày 27.2: Công bố 101.828 ca Covid-19, 35.866 ca khỏi | Hà Nội 11.517 ca | TP.HCM 1.969 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An giảm 1.044 ca, Lai Châu giảm 475 ca, Tuyên Quang giảm 387 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn tăng 3.960 ca, Quảng Ninh tăng 3.438 ca, Bắc Ninh tăng 996 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 35.866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 94 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 2 ca (1 ca từ Sóc Trăng chuyển đến), Hà Nội 17 ca, Nam Định 7 ca, Bắc Giang, Bình Định và Thanh Hóa mỗi nơi ghi nhận 5 ca, Ninh Bình và Quảng Bình mỗi nơi ghi nhận 4 ca...

Xếp hàng xin xác nhận F0 tại P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội

đậu tiến đạt

Hà Nội yêu cầu giảm tối đa các thủ tục xin xác nhận F0, không xét nghiệm tràn lan. Sở Y tế Hà Nội cho biết, hôm nay TP.Hà Nội ghi nhận 11.517 ca bệnh, trong đó 3.887 ca cộng đồng; 7.630 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021 đến nay) là 262.274 ca. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 sáng nay, 27.2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, hiện diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp, trên 10.000 ca mắc mới/ngày; 74 xã phường đã chuyển sang cấp độ 3. Dù vậy, số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số 96%, (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà).

Ông Chu Ngọc Anh dẫn lời các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở, nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân. Lãnh đạo TP.Hà Nội yêu cầu giảm tối đa các thủ tục xin xác nhận F0, không xét nghiệm tràn lan tránh lãng phí; có quy trình để người dân khi cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào...

Hà Nội hỏa tốc cho học sinh lớp 1 đến 6 ở ngoại thành dừng đến trường. Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký văn bản hỏa tốc về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 28.2 cho đến khi có thông báo mới. UBND TP.Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở GD-ĐT, theo đó tình hình dịch trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như trong các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng; học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi chưa được tiêm vắc xin dẫn đến việc cha mẹ học sinh băn khoăn, lo lắng khi con đến trường.

Cũng theo Sở GD-ĐT, số lớp từ 1 đến 6 ở 18 huyện, thị phải ngừng dạy trực tiếp chuyển sang trực tuyến là 5.199/11.501, chiếm tỷ lệ 45,2%; tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt 91,14%. Số lớp đang dạy trực tiếp là 6.302/11.501, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tiếp đạt 48,91%, Trong thời gian qua, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở mức xấp xỉ 10% so với tổng số người mắc trên địa bàn thành phố tương đương 17.384 ca mắc, trong đó có 597 ca phải điều trị tại các bệnh viện.

Hà Nội hỏa tốc cho học sinh lớp 1-6 ở ngoại thành dừng đến trường

TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tăng nhân lực điều trị F0 tại nhà. Sáng 27.2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Lắk cho biết toàn tỉnh ghi nhận 2.010 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua; trong đó có 1.671 ca trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 ở tỉnh này vượt 2.000 ca một ngày. TP.Buôn Ma Thuột có số ca mắc nhiều nhất với 1.139 ca, trong đó có 1.097 ca cộng đồng.

Để đáp ứng việc quản lý, theo dõi điều trị F0 tại nhà, Trung tâm y tế TP.Buôn Ma Thuột đã tăng cường nhân lực cho các trạm y tế xã, phường. Cụ thể, mỗi trạm y tế được bổ sung từ 4 - 6 người là các tình nguyện viên, cán bộ y tế về hưu hay y tế tư nhân trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, phường kiện toàn các trạm y tế lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng nhằm kịp thời ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Lào Cai khuyến cáo dấu hiệu F0 cần báo y tế, chuyển viện. Thông tin từ Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai cho biết, trong ngày hôm qua 26.2, địa phương này ghi nhận 1.929 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng 404 F0 so với ngày 25.2. Dịch Covid-19 ở Lào Cai đang diễn biến rất phức tạp. Trong ngày 26.2, Lào Cai ghi nhận thêm 3 ca tử vong, trong đó 2 người ở TP.Lào Cai và 1 người ở H.Bảo Thắng, đều là người cao tuổi có nhiều bệnh nền và chưa được tiêm vắc xin Covid-19.

Sở Y tế tỉnh Lào Cai khuyến cáo F0 điều trị tại nhà cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan y tế. Đặc biệt khi F0 xuất hiện các biểu hiện đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức; môi nhợt, tím; da xanh, đầu móng chân, móng tay tím, lạnh… báo ngay cho cơ quan y tế để được hỗ trợ kịp thời. Đối với trẻ em nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế khi phát hiện các biểu hiện sốt trên 38 độ C, nồng độ ô xy trong máu (SP02) < 96%. Trẻ bị tiêu chảy, mệt mỏi không chịu chơi; bỏ ăn, bỏ bú... người nhà, người chăm sóc cần báo ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ và thực hiện chuyển tuyến kịp thời.

Bác sĩ F0 ở Thanh Hóa tình nguyện ở lại bệnh viện chữa trị cho bệnh nhân F0. Để giải quyết bài toán chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý khác, vừa mắc Covid-19, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và thực hiện mô hình “khoa tách đôi”. Nơi đầu tiên thực hiện mô hình này là khoa Thần kinh - Đột quỵ. Điều đặc biệt, khoa Thần kinh – Đột quỵ đang có 28 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế mắc Covid-19, nhưng đã tình nguyện ở lại khoa vừa để điều trị cho bản thân, vừa chăm sóc, chữa trị cho người dân mắc đồng thời bệnh lý nền và Covid-19.

Bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Thời gian vừa qua, không ít y, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện mắc Covid-19. Nếu những người mắc Covid-19 đều nghỉ ở nhà để điều trị thì nhiều khoa sẽ không đủ nhân lực chăm sóc cho bệnh nhân. Trong điều kiện khó khăn đó, chúng tôi vừa thực hiện mô hình khoa tách đôi, vừa có các y bác sĩ F0 tình nguyện, nên đã giải quyết được bài toán nhân lực, duy trì được khả năng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân như khi không có dịch bệnh”.

Truy tố quản lý nhà xe ở Đắk Lắk làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho nhiều người. Ngày 27.2, Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, cơ quan này đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi, trú P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Theo cáo trạng, tối 8.7.2021, Hải cùng 2 tài xế đi xe ô tô tải từ TP.Buôn Ma Thuột về văn phòng nhà xe ở Q.Tân Bình, TP.HCM để hỗ trợ công việc. Tối 10.7.2021, Hải từ TP.HCM về lại TP.Buôn Ma Thuột. Sau đó, Hải không khai báo y tế tại trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện khai báo y tế bắt buộc; không thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày theo quy định của địa phương đối với người về từ TP.HCM trong khoảng thời gian này.

Khi đi khám bệnh tại một bệnh viện ở TP.Buôn Ma Thuột, Hải đã khai báo y tế gian dối, không thực hiện xét nghiệm Covid-19 để theo dõi sức khỏe, tình trạng đã bị lây nhiễm Covid-19 hay không. Từ ngày 11 – 17.7.2021, Hải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người; hậu quả, làm lây lan bệnh Covid-19 cho 11 người tiếp xúc gần (F1) và gây ra chuỗi lây nhiễm Covid-19 cho những người khác tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Theo xác định của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tổng chi phí thiệt hại liên quan đến chuỗi lây nhiễm do Hải gây ra hơn 1,6 tỉ đồng.

Hà Nội đã đạt đến "đỉnh dịch" Covid-19 hay chưa?

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay 27.2, đề nghị tạm dừng ngay rút tiền, chuyển tiền đối với tài khoản của Giám đốc CDC Đắk Lắk. Ngày 27.2, nguồn tin của Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh này yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra năm 2021 tại CDC Đắk Lắk. Cụ thể, cơ quan điều tra đề nghị các tổ chức tín dụng tại Đắk Lắk cung cấp hồ sơ đăng ký mở tài khoản của ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC Đắk Lắk. Đề nghị các tổ chức tín dụng tạm dừng ngay các giao dịch rút tiền, chuyển tiền (giao dịch phát sinh nợ) đối với tài khoản của ông Trịnh Quang Trí; thực hiện việc sao kê các giao dịch của ông Trí phát sinh từ ngày 1.1.2020 đến nay, để cơ quan điều tra có căn cứ ra lệnh phong tỏa tài khoản. Trong tháng 1, Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với ông Trịnh Quang Trí và một số cán bộ tại CDC Đắk Lắk liên quan việc mua kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Trước đó, CDC Đắk Lắk đã mua gần 20.000 kit test và thanh toán khoảng 6 tỉ đồng cho Công ty Việt Á. Ngoài ra, CDC Đắk Lắk còn tạm ứng của Công ty Việt Á một số kit test nhưng chưa rõ số lượng, cũng chưa thanh toán tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.