Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước thêm 94.376 ca mắc Covid-19. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 27.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 94.385 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 94.376 ca trong nước (tăng 7.410 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.000 ca bệnh: Hà Nội 12.850 ca, Quảng Ninh 9.105 ca, Nghệ An 3.958 ca, Bắc Ninh 3.572 ca, Hưng Yên 3.309 ca, Lào Cai 3.233 ca, Nam Định 2.921 ca, Phú Thọ 2.887 ca, Vĩnh Phúc 2.852 ca, Hòa Bình 2.493 ca, Lạng Sơn 2.439 ca, Hải Dương 2.337 ca, Tuyên Quang 2.287 ca, Đắk Lắk 2.276 ca, Hải Phòng 2.216 ca, Ninh Bình 2.196 ca, Sơn La 2.103 ca, Hà Giang 2.080 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn giảm 2.521 ca, Gia Lai giảm 846 ca, Bình Dương giảm 406 ca. Các tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh tăng 3.108 ca, Lai Châu tăng 1.663 ca, Hà Nội tăng 1.333 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 27.039 ca khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 108 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 21 ca, Đà Nẵng 10 ca, Quảng Nam và Vĩnh Phúc mỗi nơi 5 ca, Quảng Ngãi 5 ca trong 2 ngày, Thanh Hóa 5 ca trong 2 ngày, Bắc Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh mỗi nơi 4 ca, Hà Nam 4 ca trong 2 ngày, Bình Phước và Phú Thọ mỗi tỉnh 3 ca…
Thuốc Molnupiravir đã được bán tại nhiều nhà thuốc ở TP.HCM |
duy tính |
TP.HCM đề nghị nhà thuốc chờ hướng dẫn của Bộ Y tế mới bán thuốc Molnupiravir. Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin liên quan về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM ngày 28.2, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc mua, bán thuốc Molnupiravir chưa phù hợp.
Ông Phạm Đức Hải đề nghị, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, người nhiễm Covid-19 cần phải đến trạm y tế để khai báo. Qua đó để được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định. Đồng thời, nếu bác sĩ có yêu cầu uống gói thuốc B, C thì mới uống, F0 không nên tự động uống, mua. Đối với việc bán thuốc Molnupiravir, ông Hải cho hay: "Mong các nhà thuốc hãy chờ. Hiện nay, ai cũng sốt ruột. Chúng ta đã có người mua, có giá thuốc, có thuốc, có toa... nhưng mong các nhà thuốc hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế để tiến hành phục vụ nhân dân tốt nhất".
Sở Y tế TP.HCM thông tin việc cấp, bán thuốc Molnupiravir cho người nhiễm Covid-19. Chiều 28.2, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết đơn vị đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng, kê toa cũng như việc kinh doanh thuốc Molnupiravir trên địa bàn TP.HCM. "Đây là bước cuối cùng, cũng như là cơ sở pháp lý để TP.HCM mạnh dạn cho các nhà thuốc trên địa bàn tham gia bán thuốc. Tới ngày hôm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi, Bộ Y tế sẽ sớm có câu trả lời, hướng dẫn cụ thể để thuận lợi cho việc mua, bán, sử dụng thuốc cho người dân", bà Mai nói.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết thêm: "Lưu ý rằng, ngoài mặt hàng thuốc Molnupiravir mà các nhà thuốc đang chờ hướng dẫn để bán ra thị trường thì TP.HCM còn 36.000 liều thuốc Molnupiravir phát miễn phí, đang đặt tại các cơ sở y tế". Sáng nay (28.2), Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn cho các đơn vị sẽ thực hiện cấp phát đối với những đối tượng đủ điều kiện sử dụng.
Cả nước hơn 1 triệu ca Covid-19 đang điều trị, Hà Nội chiếm gần một nửa |
Lâm Đồng yêu cầu không đầu cơ, tăng giá thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Ngày 28.2, bà Huỳnh Thị Phương Duyên, Phó giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng và bình ổn giá thuốc, không đầu cơ, tăng giá thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Theo bà Duyên, với số lượng bệnh nhân F0 tăng nhanh từ sau tết âm lịch 2022, trên địa bàn Lâm Đồng khan kit test nhanh, thuốc điều trị Covid-19.
Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không để tăng giá thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá hàng hóa, cung cấp thông tin về giá hàng hóa đã kê khai cho khách hàng theo đúng quy định. Thực hiện việc niêm yết giá vật tư, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất và không được bán cao hơn giá đã niêm yết.
TP.HCM chính thức giải thể hàng loạt bệnh viện điều trị Covid-19. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định giải thể 4 trung tâm cách ly và bệnh viện điều trị Covid-19 kể từ ngày 25.2, gồm 2 trung tâm cách ly và 2 bệnh viện điều trị. Cụ thể, 2 trung tâm cách ly gồm: trung tâm cách ly F0 cho đối tượng đang chăm sóc, viên chức, người lao động tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc và Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (cả 2 cùng trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM).
2 bệnh viện bị giải thể gồm bệnh viện điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (cùng trực thuộc Sở Y tế TP.HCM). UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị vệ sinh, khử khuẩn để tiếp nhận điều trị bệnh nhân không phải Covid-19. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 duy trì khu cách ly với quy mô 150 giường, trong đó có 30 giường hồi sức tích cực dành cho người bệnh nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 được phát hiện tại bệnh viện.
Đề xuất học sinh là F1 được trở lại trường khi xét nghiệm âm tính tại nhà. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD-ĐT đề xuất với UBND TP.HCM cho phép học sinh là F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, sau 5 ngày cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà có thể tự xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu kết quả âm tính có thể quay lại trường học trực tiếp. Riêng học sinh là F1, chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 (trong đó có trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh lớp 6 chưa đủ 12 tuổi, học sinh trên 12 tuổi chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19...), cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe trong 7 ngày, vào ngày thứ 7 nếu có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại nhà, đồng thời có sự cam kết tính xác thực của kết quả từ phụ huynh, học sinh có thể được trở lại trường học trực tiếp.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, đề xuất nói trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh và học sinh trong bối cảnh cơ quan y tế địa phương đang quá tải. Bởi quy định phải có sự giám sát của y tế địa phương trong việc chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính của học sinh như hiện nay có thể khiến phụ huynh và học sinh mất thêm nhiều ngày, ảnh hưởng "thời gian vàng" đến trường học trực tiếp.
Đề xuất học sinh là F1 được trở lại trường khi xét nghiệm âm tính Covid-19 tại nhà |
Không tùy tiện chuyển học trực tiếp sang học trực tuyến. Ngày 28.2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý, các cơ sở giáo dục chủ động và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học trực tiếp, học trực tuyến. Nếu 2 ca F0 cùng một lớp xuất hiện trong cùng một ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trường cùng y tế trường, y tế địa phương đánh giá nguy cơ. Nếu không phức tạp, vẫn duy trì việc dạy và học trực tiếp của lớp. Nếu có yếu tố phức tạp, 2 ca F0 có liên quan nhau về yếu tố dịch tễ, số F1 trong lớp nhiều, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nhà trường cùng y tế phải đánh giá đưa ra quyết định phù hợp.
Trường hợp cùng một buổi mà có trên 2 lớp xuất hiện F0, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện phải chỉ đạo trường và y tế địa phương đánh giá tình hình. Nếu có yếu tố phức tạp, phát sinh thêm các trường hợp nghi nhiễm khác, phải đưa ra quyết định phù hợp nhằm khống chế dịch kịp thời. Đặc biệt các trường lưu ý, không phải cứ có 2 ca F0 trong lớp thì lớp sẽ học trực tuyến hay trường có 2 lớp F0 thì trường sẽ học trực tuyến. Các trường phải phối hợp với y tế địa phương đánh giá tình huống cụ thể để đưa ra quyết định hợp lý. Không phải cứ phát sinh tình huống là tùy tiện quyết định lớp học, trường học chuyển sang học trực tuyến, mà có thể chuyển đổi hình thức dạy học từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 hoặc cao hơn.
Bản tin Covid-19 ngày 28.2: Cả nước 122.480 ca | Dịch bệnh đang “nóng rực” khắp các tỉnh thành |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, đề xuất giải quyết chế độ cho F0 điều trị tại nhà. BHXH Việt Nam cho biết, Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH đối với F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ… cũng như người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà. BHXH Việt Nam đã có công văn đề xuất với Bộ Y tế về thực trạng này. Tuy nhiên, theo công văn trả lời của Bộ Y tế, hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng thời, chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động. “Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để giải quyết các vấn đề nêu trên”, công văn của Bộ Y tế nêu rõ. Trường hợp người lao động bị nhiễm Covid-19 gặp khó khăn trong việc cấp các hồ sơ giấy tờ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH thì liên hệ với cơ quan y tế tại địa phương để được hướng dẫn.
Bình luận (0)