Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 48.715 ca nhiễm Covid-19, thêm 55.873 bệnh nhân khỏi bệnh. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 3.4 đến 16 giờ ngày 4.4, cả nước ghi nhận 48.717 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 48.715 ca trong nước (giảm 2.015 ca so với ngày trước đó). Các ca nhiễm mới ghi nhận tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 34.690 ca cộng đồng. Ca nhiễm mới tiếp tục giảm ở tất cả các địa phương. Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất trong 24 giờ qua với 5.868 ca. Tiếp theo là Đắk Lắk 3.925 ca, Bắc Giang 2.649 ca, Yên Bái 2.350 ca, Nghệ An 2.300 ca, Phú Thọ 2.282 ca, Quảng Ninh 1.996 ca...
Bản tin Covid-19 ngày 4.4: Cả nước hơn 9,8 triệu ca | Làm thế nào để có “hộ chiếu vắc xin”? |
Có 12 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 100 ca trong 24 giờ qua, gồm: Đồng Tháp 85 ca, Long An 85 ca, An Giang 83 ca, Sóc Trăng 83 ca, Bạc Liêu 72 ca, Kon Tum 64 ca, Kiên Giang 32 ca, Đồng Nai 29 ca, Cần Thơ 21 ca, Ninh Thuận 10 ca, Tiền Giang 6 ca, Hậu Giang 6 ca. Trong ngày hôm nay, có thêm 55.873 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 7,8 triệu ca. Hiện cả nước vẫn còn 1.942 ca nặng đang phải điều trị. Trong đó, 259 ca phải thở máy xâm lấn và 15 ca phải can thiệp ECMO. Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 42 ca tử vong tại 22 tỉnh, thành. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 41 ca/ngày.
Đã sẵn sàng cho việc cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân trên cả nước |
đậu tiến đạt |
Thủ tướng: “Tiêm vắc xin mũi 3 chưa đạt tiến độ mong muốn”. Sáng nay 4.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình trong các tháng 1, 2, 3 có những diễn biến mới nhanh, khó lường. Thị trường tiền tệ, tài chính ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm (thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động). Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường; lòng tin của nhân dân, bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư tăng lên. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất tích cực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh từ cuối tháng 3.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội còn có những tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc phân tích, đánh giá để có giải pháp khắc phục, như giải ngân đầu tư công còn chậm; một số chương trình phục hồi chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; vấn đề hàng hóa ở biên giới được xử lý tích cực chưa được giải quyết triệt để; đời sống một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn, việc triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần cố gắng hơn.
Triển khai cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 trên cả nước. Tại hội nghị tập huấn trực tuyến về cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 cho 63 tỉnh, thành sáng nay 4.4, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vắc xin. Tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 99%, mũi 3 khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1 là 99%, mũi 2 là 94%. Bộ Y tế và các địa phương đang chuẩn bị để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong đầu tháng 4. Đến nay, cơ bản các hệ thống đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân trên cả nước.
Triển khai cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 trên cả nước |
Tuy nhiên, đến ngày 1.4, trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin hơn 197 triệu mũi tiêm, còn gần 9 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên. Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30.3, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 42 triệu mũi chưa gửi. Trong số 154 triệu mũi tiêm gửi sang, có hơn 41 triệu mũi tiêm xác thực sai thông tin. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chia sẻ, xác thực dữ liệu tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các địa phương, đơn vị tiêm chủng cần có kế hoạch thực hiện “làm sạch” hơn 80 triệu mũi tiêm còn thiếu, sai thông tin, để cấp cho công dân. Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) lưu ý các cá nhân được tiêm chủng cần cung cấp đúng thông tin công dân, nếu sai lệch sẽ không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu vắc xin.
TP.HCM hướng dẫn mới cho F0 cách ly tại nhà. Ngày 4.4, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã ký văn bản gửi các đơn vị trực thuộc trên địa bàn về việc cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 (phiên bản 2.0). Theo đó, Sở Y tế điều chỉnh đối tượng cách ly tại nhà; rút ngắn thời gian F0 cách ly tại nhà; điều chỉnh thuốc điều trị Covid-19 tại nhà; điều chỉnh quy trình tiếp nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly. Về đối tượng cách ly tại nhà là người mắc Covid-19, bao gồm trẻ em thỏa tiêu chí lâm sàng và có khả năng tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe hoặc có người hỗ trợ chăm sóc. F0 cách ly tại nhà và khai báo hoàn thành cách ly tại địa chỉ: khaibaof0.tphcm.gov.vn.
Về thời gian cách ly tại nhà, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly y tế tại nhà khi cách ly đủ 7 ngày và khỏi bệnh (khi có kết quả test nhanh âm tính), khai báo qua địa chỉ khaibaof0.tphcm.gov.vn, theo mục “KB hoàn thành cách ly”. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm ngày 7 dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định. Cơ sở quản lý người cách ly tại nhà chịu trách nhiệm xác nhận tình trạng khỏi bệnh cho F0. Tính đến ngày 4.4, TP.HCM chỉ còn quản lý khoảng 35.000 ca F0, trong đó chủ yếu là F0 cách ly tại nhà.
TP.HCM đưa ra hướng dẫn mới cho người mắc Covid-19 cách ly tại nhà |
Hà Nội cho trẻ lớp 1 - 6 học bán trú từ 6.4. Theo văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng ký, thành phố thống nhất về nguyên tắc đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 30 quận, huyện thị xã trở lại trường học. Riêng trẻ mầm non vẫn nghỉ học tại nhà. Thời gian thực hiện từ thứ tư, ngày 6.4.
Trước đó, Sở GD-ĐT cho biết, qua lấy ý kiến phụ huynh học sinh, kết quả 75% cha mẹ học sinh thống nhất để các em lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp tại trường. Sở GD-ĐT cũng đề xuất trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, các trường tổ chức dạy học trực tiếp và tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày. Tổng hợp của Bộ GD-ĐT đến hết ngày 1.4, Hà Nội là một trong số vài địa phương còn lại của cả nước đến thời điểm này vẫn chưa cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường.
TP.HCM chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngày 4.4, UBND TP.HCM có công văn khẩn về kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, UBND TP.HCM dự kiến tổ chức tiêm cho gần 900.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có khoảng 885.730 trẻ đang đi học và 12.807 trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và chưa đi học. Cụ thể, đối với trẻ đang đi học sẽ tiêm tại trường hoặc tại điểm tiêm do cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, lộ trình tiêm sẽ thực hiện ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.2022. Với kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách thống kê số liệu phụ huynh học sinh đồng thuận. Đồng thời phối hợp với Sở Y tế trong việc thành lập điểm tiêm đảm bảo các quy định về an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch.
Chuyên gia nhận định biến thể XE có xu hướng “lành” hơn với con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết biến thể mới XE của SARS-CoV-2 dường như có mức lây nhiễm cao hơn 10% so với biến thể phụ BA.2 của Omicron, dù điều này cần xác nhận thêm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho rằng hiện chưa có bằng chứng cho thấy chủng mới XE có khả năng lây nhanh. Bởi biến thể này được phát hiện ở Anh từ 19.1 nhưng hiện vẫn không phải là biến thể chiếm ưu thế tại quốc gia này. "Nếu một biến thể có tốc độ lây lan nhanh thì chỉ sau 4 tuần, sẽ lấn át biến thể cũ, trở thành biến thể chiếm ưu thế", ông Khanh nói. Do đó, theo ông chưa thể khẳng định biến thể mới XE lây nhanh và nếu bỏ qua yếu tố về tốc độ lây thì ông đánh giá biến thể này có độc lực nhẹ, sẽ ngày càng "thuần" với con người.
Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), cho biết, xu hướng kết hợp các dòng, biến thể SARS-CoV-2 đang xảy ra phổ biến. Do hiện nay nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, việc đi lại giữa các quốc gia đã dễ dàng hơn, cho phép virus tiến hóa trong các điều kiện khác nhau dễ dàng bội nhiễm, đồng thời ở cùng một vật chủ hơn và tái tổ hợp vật chất di truyền. "Omicron chắc chắn không phải là biến thể 'kết thúc đại dịch' như nhiều người vẫn nghĩ, tuy nhiên khả năng cao là những biến thể ưu thế tiếp theo sẽ ngày càng 'lành' hơn nữa", tiến sĩ Bùi Lê Minh nhận định.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Hàn Quốc miễn cách ly đối với lao động Việt Nam. Đây là thông tin được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết ngày 4.4. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong thời gian qua, để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, Hàn Quốc quy định lao động Việt Nam khi nhập cảnh Hàn Quốc sẽ phải thực hiện cách ly y tế 7 ngày bất kể đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 hay chưa. Các hãng hàng không chỉ được phép duy trì tối đa 60% tổng số ghế trên mỗi chuyến bay chiều Việt Nam - Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ 1.4, Chính phủ Hàn Quốc vừa thông báo, Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia cần tăng cường kiểm dịch. Lao động Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc được áp dụng các quy định về miễn cách ly y tế trong thời gian 7 ngày nếu đã tiêm đủ số liều cơ bản vắc xin phòng chống Covid-19. Ngoài xác nhận về tiêm chủng, lao động khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi xuất cảnh và kiểm tra mã QR khi nhập cảnh.
Bình luận (0)