Tình hình Covid-19 ngày 11.3: tròn 3 năm WHO công bố đại dịch toàn cầu

11/03/2023 12:17 GMT+7

Thứ tư ngày 11.3.2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Ba năm sau, SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan và đã có gần 7 triệu người tử vong.

Tình hình Covid-19 ngày 11.3: tròn 3 năm WHO công bố đại dịch toàn cầu - Ảnh 1.

Một điểm test Covid-19 ở thành phố New York (Mỹ) hôm 9.3

AFP

Tin vui là nhiều người đã có thể quay lại cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, virus tiếp tục bám trụ, cùng với mối đe dọa về khả năng xuất hiện phiên bản nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2.

“Các biến thể mới cứ mọc lên ở bất kỳ nơi nào và đe dọa chúng ta khắp nơi”, AP dẫn lời nhà nghiên cứu Thomas Friedrich của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ).

Với các nguồn thông tin đang dần cạn kiệt, hiện trở nên khó hơn trong việc theo dõi diễn tiến dịch bệnh. Đại học Johns Hopkins hôm 10.3 ngừng công cụ theo dõi dịch bệnh vốn mang đến thông tin uy tín kể từ khi virus xuất hiện ở Trung Quốc và lây lan khắp nơi.

Sau 3 năm khổ sở vì Covid-19, thế giới chuẩn bị ra sao cho đại dịch tiếp theo?

Trong lúc thế giới đánh dấu tròn 3 năm Covid-19 chính thức được công bố là đại dịch, WHO cho biết đến nay chưa thể nói rằng tình trạng khẩn cấp đã chấm dứt.

Virus tiếp tục bám trụ

Với khoảng 900 đến 1.000 người trên thế giới thiệt mạng mỗi ngày vì Covid-19, SARS-CoV-2 chứng tỏ uy lực gieo rắc chết chóc vẫn còn đó. Virus lây lan dễ dàng từ người sang người, nương theo các giọt bắn từ đường hô hấp và di chuyển trong không khí.

“Dù virus đang hành động như thế nào vào thời điểm hiện tại, nó vẫn tìm kiếm con đường khác để giành thắng lợi (trước nhân loại)”, theo tiến sĩ Eric Topol, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Xuyên Quốc gia Scripps ở bang California.

Bên cạnh đó, nhân loại cũng đã giải mã được gien di truyền của virus và nhanh chóng điều chế vắc xin đối phó. Đối với giáo sư Natalie Dean của Đại học Emory (Georgia), điều này ít nhất có thể được xem là thắng lợi của con người.

Biến thể Covid-19 Omicron có đột biến của Delta phát hiện ở Đông Nam Á gây quan tâm

Tiến sĩ Stuart Campbell Ray của Đại học Johns Hopkins cho biết các biến thể phụ hiện tại của Omicron sở hữu khoảng 100 điểm khác biệt về gien di truyền so với chủng ban đầu. Điều đó có nghĩa là khoảng 1% bộ gien của virus đã khác so với lúc khởi điểm.

Một điều đáng quan ngại là giờ đây WHO không còn nắm được thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, chẳng hạn như số ca mắc mới theo ngày, thiếu thông tin vì cần thời gian làm giấy chứng tử…

Giới chức Mỹ cho hay đang thực hiện những thay đổi để phù hợp với tình hình mới, và tìm cách chuyển sang hệ thống truy vết tương tự cách thức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đang theo dõi tình hình cúm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.