Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về hoạt động phòng chống dịch bệnh, các loại dịch bệnh sốt xuất huyết, Covid-19 được kiểm soát. TP.HCM đang giám sát chặt dịch bệnh Marburg.
Trong ngày 31.3, hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) không ghi nhận ca mắc Covid-19 trên địa bàn.
Tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM cộng dồn từ ngày 1 - 31.3 là 142 ca. Các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 10 ca mắc Covid-19, trong đó có 5 ca cần hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra có 6 ca đang cách ly tại nhà.
Cùng ngày, TP.HCM tiêm 321 mũi vắc xin Covid-19. Trong đó có 86 mũi 1, 166 mũi 2, 31 mũi 3, 38 mũi 4. Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm 23,6 triệu liều vắc xin Covid-19.
Sở Y tế TP.HCM cho biết Tổ chức Y tế Thế giới vừa có khuyến cáo về điều chỉnh lộ trình ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Theo đó, tiếp tục ưu tiên bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh có biến chứng nặng và tử vong cao khi nhiễm SARS-CoV-2.
Ngày 31.3, hệ thống giám sát của HCDC phát hiện có 19 ca mắc sốt xuất huyết mới. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 6.123 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện là 139 ca (84 ca cư trú tại TP.HCM). Trong đó, 36 ca là người lớn, 103 ca trẻ em. TP.HCM đang điều trị 1 ca sốt xuất huyết nặng.
TP.HCM đang duy trì Bệnh viện dã chiến số 13 để sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới nổi, tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân.
TP.HCM cũng đang triển khai các hoạt động nhằm tăng cường phòng chống bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), bệnh đậu mùa khỉ…
Xem nhanh 12h ngày 2.4: Công ty của Shark Thủy hết tiền mặt | Tài xế khai ‘ăn đồ có thuốc phiện’
Ngày 31.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và thủ trưởng các sở, ngành liên quan triển khai biện pháp giám sát, phòng chống dịch Marburg.
Sở Y tế TP.HCM được giao tập trung giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ. TP.HCM lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.
Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, Sở Y tế phối hợp Viện Pasteur TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây ra cộng đồng.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, không để bị động. Trong đó, thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí cần chuẩn bị sẵn sàng để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị và phòng chống dịch.
Bình luận (0)