Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 21 (từ ngày 22 - 28.5), TP.HCM có 152 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 8,6% so với trung bình 4 tuần trước, không ghi nhận ca tử vong.
Trong tuần 21, TP.HCM ghi nhận 14/22 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết giảm; 12/312 phường, xã có số ca bệnh tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.
Trong tuần qua, qua giám sát điểm nguy cơ sốt xuất huyết, HCDC đã phát hiện có 10/16 điểm nguy cơ có lăng quăng (tại Q.1, Q.8, Q.11 và H.Nhà Bè). HCDC đã làm việc với UBND phường, xã có liên quan để xử lý và báo cáo về Sở Y tế. Sở Y tế thông tin cho UBND quận, huyện biết để chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.
Từ đầu năm 2023 đến tuần 21, TP.HCM ghi nhận 7.584 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 19,7% so cùng kỳ năm 2022 (9.439 ca), chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Theo HCDC, chiến dịch hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết" lần thứ 13 năm 2023 với thông điệp "chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết" đã được triển khai tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
HCDC cho biết tiếp tục tăng cường giám sát các điểm nguy cơ, hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Tình hình dịch bệnh tay chân miệng
Trong tuần 21, TP.HCM ghi nhận 157 ca bệnh tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc bệnh tay chân miệng tích lũy đến tuần 21 là 1.670 ca.
TP.HCM xuất hiện chủng Entero vi rút (EV71) gây bệnh tay chân miệng nặng. Để phòng chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.
Cụ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở trẻ, như nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng...) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan.
Khi trẻ mắc bệnh, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi...) để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Tình hình bệnh Covid-19
Bên cạnh dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang vào mùa thì dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lưu hành tại TP.HCM.
Trong tuần 21, TP.HCM ghi nhận 231 ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố, giảm 55% so với tuần 20 (516 ca).
Tính từ ngày đầu năm 2023 đến ngày 28.5, TP.HCM đã ghi nhận 4.858 ca Covid-19.
Bình luận (0)