Tình hình mua bán người diễn biến phức tạp

24/08/2018 04:56 GMT+7

Thời gian qua, tội phạm mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, TP trong cả nước, chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài.

Báo cáo tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2017, do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 23.8, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thời gian qua, tội phạm mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, TP trong cả nước, chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm 85% số vụ, trong đó số bán sang Trung Quốc chiếm 75% tổng số vụ.
Trong 5 năm qua, Bộ Công an đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can; số nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán là 3.090 người, trong đó tới 90% là phụ nữ và trẻ em, 80% thuộc các dân tộc thiểu số. 98% nạn nhân trong các vụ mua bán người bị bán ra nước ngoài, trong đó, bán sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động...
Tại phiên giải trình, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nêu: Liệu những số liệu về tình trạng mua bán người được nêu trong báo cáo của các cơ quan hữu quan đã phản ánh đúng thực tế hay chưa? Tình hình như hiện nay có phải là nghiêm trọng hay không, có đáng để chúng ta gióng lên hồi chuông báo động hay không và có giải pháp như thế nào. Theo bà Nga, nguồn lực cho công tác này cũng là câu chuyện rất có vấn đề. “Chúng tôi muốn biết từ năm 2012 - 2017, thực chất chúng ta đã đầu tư bao nhiêu tiền cho công tác này. Trong đó, chi bao nhiêu cho bộ máy, bao nhiêu cho việc hỗ trợ các nạn nhân. Nếu tiền chi cho bộ máy chiếm phần lớn mà chi hỗ trợ nạn nhân không đáng kể là có vấn đề”, bà Nga nói.
Theo ông Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua các báo cáo thì cảm nhận rằng, mảng nội địa của công tác phòng chống mua bán người thời gian qua hơi mờ và đề nghị Bộ Công an có đánh giá, thống kê rõ hơn. Ông Nguyễn Chiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, con số chỉ 1,13% số nạn nhân bị mua bán ở trong nước là chưa phản ánh đúng tình hình thực tế mua bán người ở trong nước. Theo các đại biểu này, cần có sự đánh giá đúng mức đối với tình trạng mua bán người trong nước thì mới có thể đưa ra biện pháp phù hợp, nhất là khi tình hình mua bán người trong nước đang diễn ra phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.