Reuters hôm qua dẫn hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều người biểu tình tiếp tục xuống đường ở Myanmar, bao gồm TP.Dawei và thị trấn Kyaukme, để phản đối việc quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và lên nắm quyền từ ngày 1.2. Trước đó, vào tối 8.3, hàng trăm người biểu tình bị lực lượng an ninh bao vây suốt đêm tại quận Sanchaung thuộc TP.Yangon. Nhiều người biểu tình khác đã phớt lờ lệnh giới nghiêm ở Yangon, xuống đường yêu cầu lực lượng an ninh trả tự do cho những người bị bao vây.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar “kiềm chế tối đa” và trả tự do an toàn cho tất cả những người biểu tình mà không dùng bạo lực hay bắt giữ. Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin khẳng định khoảng 50 người đã bị bắt ở Sanchaung sau khi cảnh sát lục soát từng nhà trong khu vực. Đến khoảng 5 giờ sáng 9.3, những người bị bao vây ở Sanchaung được giải tỏa và lực lượng an ninh cũng rời đi.
Trong khi đó, Đài truyền hình nhà nước MRTV của Myanmar đưa tin: “Sự kiên nhẫn của chính phủ đã hết và trong lúc giảm thiểu thương vong khi ngăn chặn những kẻ nổi loạn, đa số mọi người đều muốn ổn định hoàn toàn và kêu gọi có thêm các biện pháp hữu hiệu chống lại những kẻ nổi loạn”. MRTV còn cho biết 5 hãng truyền thông ở Myanmar, gồm Mizzima, Myanmar Now, 7-Day, DVB và Khit Thit Media, đã bị tước giấy phép hoạt động. Tất cả 5 công ty này từng tích cực đưa tin người biểu tình phản đối cuộc chính biến ngày 1.2.
Chính quyền quân sự ở Myanmar hiện chịu sức ép ngày càng lớn cả trong nước lẫn bên ngoài. Hôm qua, Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn ra thông báo cho rằng bà Suu Kyi và Tổng thống dân cử Win Myint nên được trả tự do, theo Reuters. Anh cùng với Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt lệnh cấm vận có giới hạn đối với chính quyền quân sự Myanmar. Ngoài ra, EU đang chuẩn bị mở rộng lệnh cấm vận nhắm vào các doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành, theo Reuters.
Bình luận (0)