Tinh hoa triết lý kinh doanh của người Nhật trong 'Luận ngữ và bàn tính'

11/09/2020 21:00 GMT+7

Luận ngữ và bàn tính là cuốn sách mà trong đó Shibusawa Eiichi viết lại tôn chỉ cho suốt cuộc đời kinh doanh của mình: một tôn chỉ đầy tính nhân văn và nề nếp đạo đức Á Đông.

Từ thời Minh Trị đến thời Đại Chính, Nhật Bản cũng từng có giai đoạn gặp phải vấn đề lãng phí và dư thừa lực lượng lao động - một vấn đề mà bất kỳ quốc gia nào cũng gặp phải. Đây là vấn đề được Shibusawa Eiichi - cha đẻ của chủ nghĩa tư bản hiện đại Nhật Bản, người được xưng tụng là “một trong 12 người lập ra nước Nhật”, “nhà lãnh đạo cao quý và vị tha” - đề cập rất chi tiết trong cuốn Luận ngữ và bàn tính (Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành).
Trong Luận ngữ và bàn tính, Shibusawa Eiichi (1840 – 1931) viết lại tôn chỉ cho suốt cuộc đời kinh doanh của mình: một tôn chỉ đầy tính nhân văn và nề nếp đạo đức Á Đông. Tôn chỉ kinh doanh của Eiichi tìm cách điều hòa, kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng và triết lý của Luận ngữ (cuốn sách hàng đầu về tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện bản thân của phương Đông) với chiếc bàn tính (vật dụng không thể thiếu của doanh nhân).
Từ xưa đến nay nhiều người quan niệm rằng những người kinh doanh, buôn bán để làm giàu đều là phường gian dối, trí trá. Thế nhưng với những trải nghiệm trong mấy chục năm dấn thân theo nghiệp kinh doanh, Shibusawa khẳng định rằng người làm kinh doanh cần phải có đạo đức, người có đạo đức có thể làm giàu, và sự giàu sang đạt được nhờ có nền tảng đạo đức sẽ bền vững hơn.
Vốn là một công chức nhà nước, làm việc trong Bộ Tài chính của Nhật Bản, Eiichi nhận thấy rõ Nhật Bản vào giai đoạn đó, phần nhiều mọi người không coi trọng kinh doanh, xem buôn bán là công việc thấp hèn, không thể so sánh được với công việc làm nhà nước. Cho rằng đó là nhận thức sai lầm, và nhận thức ấy có thể khiến đất nước Nhật Bản đi vào con đường diệt vong, Eiichi bèn rời bỏ chốn quan trường để dấn thân vào con đường thực nghiệp, đóng góp công sức vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế Nhật Bản. Bởi ông cho rằng chỉ có phát triển kinh tế vững vàng mới cũng cố được chắc chắn nền tảng đất nước. Và cũng trong giai đoạn đó ông đã nhận ra nhiều vấn đề hạn chế còn tồn tại trong xã hội, trong nền kinh tế, giáo dục của Nhật Bản.

Cuốn sách Luận ngữ và bàn tính được cho là nguồn cảm hứng cho các công ty hàng đầu tại Nhật Bản

Ảnh: NXB

Đó là câu chuyện thừa thãi nhân tài. Ông cho rằng giống như nền kinh tế có cung có cầu, thì hoạt động của con người trong xã hội cũng theo nguyên tắc đó. Có điều với nhu cầu công việc của xã hội còn hạn chế thì lượng cung từ hàng loạt các trường đại học lớn, lại thêm có quá nhiều trường mới được thành lập, đang quá thừa thãi. Sinh viên học đại học thì chỉ mong muốn ra được làm chủ, được làm lãnh đạo, không muốn làm nhân viên trong khi số lượng vị trí phù hợp với mong muốn của họ lại quá ít ỏi, điều đó dẫn đến một sự lãng phí quá mức trong việc đào tào. Không những vậy, những sinh viên được đào tạo ra lại chỉ mong có được vị trí tốt, chỉ muốn kiếm nhiều tiền mà lại thiếu mất đạo đức, thiếu sự tu dưỡng, khiến họ nảy sinh tâm lý tự phụ: “Sinh viên thời nay do hiểu sai về việc tu dưỡng tinh thần, cho nên họ không biết tài năng của bản thân ra sao, cũng không nghĩ xem bản thân có phù hợp hay không, chỉ cảm thấy rằng anh ta là người, tôi cũng là người, anh ta được hưởng nền giáo dục giống tôi thì anh ta làm được, tôi cũng làm được”.
Đó là câu chuyện lực lượng lao động người già chưa được quan tâm một cách đúng mức. Nhiều người cho rằng người già đến tuổi nghỉ hưu là không cần phải làm gì nữa. Nghỉ ngơi ở nhà, để con cái phụng dưỡng hoặc dùng chút lương hưu mà sống qua ngày. Nhưng quan điểm của Shibusawa Eiichi lại hoàn toàn khác, ông cho rằng có một bộ phận rất lớn người già dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng sức khỏe vẫn còn tráng kiện, trí tuệ còn minh mẫn, thì xã hội cũng nên tạo điều kiện để họ được làm việc, được cống hiến. Tuy vậy góc nhìn và suy nghĩ của người già sẽ có nhiều điểm còn bảo thủ, bản thân họ cũng cần tự trau dồi, tu dưỡng chính mình, chứ không được để cho bản thân dừng lại. Bởi suy cho cùng hoạt động mới chính là tồn tại.
Eiichi cũng đánh giá rằng, số tuổi mà các bạn thanh niên hiện nay bắt đầu đi làm có vẻ là hơi trễ so với thời của ông. “Điều này giống như buổi sáng mặt trời thức dậy trễ vậy. Thêm nữa là chúng ta rất mau già rồi đến tuổi nghỉ hưu, nói một cách tương đối có nghĩa là thời gian làm việc trong cuộc đời mỗi người vì thế bị giảm đi nhiều. Ví dụ, nếu một học sinh, đi học cho đến 30 tuổi, như vậy ít nhất người đó nên làm việc đến khoảng 70 tuổi, nhưng nếu 50 hoặc 55 tuổi đã nghỉ hưu, như thế thời gian làm việc của họ chỉ có 20 hoặc 25 năm. Tất nhiên cũng có những nhân vật kiệt xuất, chỉ trong khoảng mười năm đã có thể làm được công việc của trăm năm, thế nhưng nói chung, không thể đem ngoại lệ đó để đòi hỏi ở tất cả mọi người, huống hồ mọi thứ trong xã hội cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhưng sau này nhờ vào các loại học vấn, nghệ thuật và kỹ thuật ngày càng phát triển, nhờ vào những phát minh mới của các tiến sĩ, dù họ đã nhiều tuổi nhưng ý chí không hề bị thui chột, hay khi còn trẻ đã nắm giữ lượng tri thức đủ đầy để khiến thế giới này trở nên nhỏ bé hơn bằng phát minh ra xe hơi so với xe ngựa trước đây, rồi từ xe hơi đến máy bay, những phát minh mới này khiến các hoạt động của con người hiện nay tốt hơn rất nhiều, khiến con người ngay lúc mới ra đời đã cảm thấy mình trở nên hữu dụng". Do đó, trong Luận ngữ và bàn tính, ông cho rằng nếu có thể nghĩ ra cách nào đó để làm việc liên tục cho đến lúc chết, đó là điều tuyệt vời nhất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.