Hội thảo do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Nova Hospitality tổ chức.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo |
H.M |
Xu hướng du lịch công tác
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sau gần 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch TP.HCM đã có sự khởi sắc. TP.HCM đang nỗ lực để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút nhiều hơn khách quốc tế, tạo giá trị kinh tế cho cả người dân, thành phố và doanh nghiệp.
Theo bà, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người đã và đang thay đổi hành vi, thói quen và quyết định đi du lịch của mình. Các hoạt động du lịch truyền thống cũng dần thay đổi, thay vào đó bằng những loại hình du lịch sáng tạo, độc đáo nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá những vùng đất mới của các tín đồ du lịch. Trong đó, “bleisure travel” - loại hình du lịch kết hợp công việc (du lịch công tác), tuy không phải là loại hình du lịch mới nhưng được dự đoán sẽ trở thành xu hướng trong thời gian sắp tới.
TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều tiềm năng thu hút đối tượng khách du lịch này. Cụ thể, TP.HCM là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh thành trong nước và quốc tế trên tất cả các phương tiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt. Thành phố hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng (trong đó có 324 khách sạn xếp hạng từ 1 - 5 sao), 1.280 doanh nghiệp lữ hành và 6.934 hướng dẫn viên du lịch với 59,6% là hướng dẫn viên quốc tế.
"Với nét đặc trưng có nhiều kiến trúc, di sản nổi tiếng cùng với cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, TP.HCM có cơ hội rất lớn tận dụng và đón đầu xu hướng du lịch này, gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác trên thế giới. Hội thảo nhằm tạo ra một không gian để các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý du lịch trao đổi kinh nghiệm, tầm nhìn, tiềm năng và thách thức liên quan đến loại hình du lịch này" - bà Phan Thị Thắng nói.
Có thể kéo dài thêm 5 - 6 ngày
Có 15 năm sống ở Việt Nam, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc khách sạn Savills đánh giá Việt Nam nói chung và TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bleisure. Đơn cử, TP.HCM có bề dày lịch sử, sở hữu các khách sạn 5 sao với nhiều hoạt động giải trí sôi động, có các nhà hàng rooftop, phố đi bộ, hệ thống sản phẩm du lịch dành cho gia đình, lợi thế ẩm thực... Những yếu tố này có thể tổ chức thành sản phẩm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách.
Tuy vậy, để có thể kéo dài chuyến công tác của du khách thêm 5 - 6 ngày, TP.HCM cần có những khu hội thảo, hội nghị lớn, đa dạng nhiều loại hình khách sạn như khách sạn cổ, khách sạn có công nghệ cao...
"TP.HCM cần được đầu tư nhiều hơn để hoàn thiện và mở rộng hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với các điểm du lịch lân cận như Hồ Tràm, Mũi Né... sử dụng hệ sinh thái thiên về hướng thiên nhiên để gia tăng sản phẩm... giúp khách hàng có thêm các trải nghiệm mới" - ông Mauro Gasparotti gợi ý.
Diễn ra trong 3 ngày từ 8 - 10.9 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, ITE HCMC 2022 quy tụ hơn 1.500 đại biểu là các cơ quan quản lý, công ty lữ hành, hãng hàng không, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cùng các thương hiệu, điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội chợ năm nay sẽ tổ chức 12 diễn đàn, hội thảo, hội nghị cấp cao về chính sách phát triển du lịch với sự tham dự của lãnh đạo Bộ phụ trách du lịch các nước khu vực hạ nguồn sông Mê kông, Ấn Độ và Cuba, Diễn đàn Du lịch MICE...
Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16 được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng về xúc tiến, thúc đẩy du lịch inbound, hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Bình luận (0)