Tính mạng con người là trên hết

17/01/2025 03:37 GMT+7

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Con số 51 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bị xử phạt trên tổng số 168 cơ sở được kiểm tra (chiếm 30,4%) ở một quận tại TP.HCM nói gì? Về phương diện quản lý, kiểm tra và phạt tiền liệu có là chế tài có hiệu lực trong lĩnh vực này không? Hay chính cơ chế kiểm tra và phạt tiền đã bị "nhờn thuốc", thậm chí được các cơ sở KCB hạch toán thành một loại chi phí để mua quyền hoạt động KCB không phép hoặc trái quy định.

Nói thẳng, với lĩnh vực y tế và sức khỏe thì quan điểm xử lý các sai phạm, vi phạm cần phải được đặt vào áp lực xử lý kiểu "knock-out" (hạ đo ván trong môn quyền anh). Nghĩa là, những trường hợp không tuân thủ quy định quản lý hoạt động đối với cơ sở đăng ký KCB, dù chỉ là chuyện sử dụng nhân sự không ký kết hợp đồng lao động cũng bị buộc phải đối diện với mức xử lý nghiêm, buộc dừng hoạt động hoặc thậm chí phải đối mặt với trách nhiệm hình sự.

Lý do để đặt ra quan điểm chế tài "knock-out" trong trường hợp này là nhà chức trách muốn tất cả những ai muốn tham gia vào lĩnh vực hoạt động y tế, sức khỏe đều phải xác định mức trách nhiệm cao nhất với an toàn tính mạng và sức khỏe con người, cam kết trách nhiệm rõ ràng nếu muốn hành nghề. Và không được tạo kẽ hở để biện minh do hoàn cảnh, để hứa hẹn rút kinh nghiệm khắc phục, để "đánh võng" với luật pháp bằng hạch toán chi phí chịu phạt.

Để bản thân các bác sĩ chính trực không cho phép mình thỏa hiệp với cơ sở KCB không phép. Để mỗi nhân viên tham gia làm việc ở cơ sở KCB hiểu rõ trách nhiệm của bản thân khi bước vào làm việc ở cơ sở KCB. Và để những người muốn đầu tư vào dịch vụ KCB và sức khỏe đều hiểu rõ rằng họ không được phép làm sai, chứ không phải là có thể làm sai và chịu phạt. Đạo đức, nói cho cùng, có mức chi phí của nó. Trong lĩnh vực y tế và sức khỏe, nếu cứ tư duy kiểu "phạt tiền" thì đó sẽ là thứ chi phí quá rẻ. Chi phí rẻ thì chỉ có thể có được thứ đạo đức nghề nghiệp đầy thực dụng mà thôi.

Công cụ pháp luật trong trường hợp của ngành y tế, sức khỏe phải đủ sức để dựng nên một hàng rào trách nhiệm vững chắc khiến những người bước vào hành nghề ở lĩnh vực này không dám xem thường hay đánh đổi. Đừng để kịch bản ra quân kiểm tra xử phạt trở thành thứ kịch bản cải lương, phạt đi phạt lại rồi huề cả làng. Thậm chí phạt đóng cửa cơ sở KCB X nào đó rồi thì một thời gian sau lại xuất hiện cơ sở KCB Y là biến tướng của cơ sở X trước đây.

Chúng ta không nên cổ xúy cho chủ nghĩa cực đoan trong thực thi pháp luật, vì hệ thống pháp luật nào cũng thường không bỏ qua sự cân bằng cần thiết giữa lý và tình. Nhưng trong trường hợp kiểm soát tuân thủ pháp luật ở lĩnh vực y tế và sức khỏe, thì sự cương quyết lý tính chính là để đạt được chữ tình với ý nghĩa lớn lao: tính mạng con người là trên hết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.