Để kiểm nghiệm chất lượng cũng như độ hiệu quả của hệ thống an toàn Subaru EyeSight, Xe - Thanh Niên quyết định dùng Forester đời 2019, chiếc xe đã qua sử dụng 3 năm. Đây là khoảng thời gian đủ dài để đánh giá về tính bền bỉ của hệ thống an toàn đang được trang bị trên nhiều dòng xe Subaru.
Xe Subaru Forester tại Việt Nam đã được trang bị hệ thống EyeSight từ năm 2019 |
Subaru EyeSight hoạt động thế nào?
Được nghiên cứu phát triển từ năm 1989, EyeSight thực chất là công nghệ an toàn với một loạt các chức năng hỗ trợ người lái tích hợp trên các dòng xe Subaru. Công nghệ này sử dụng hệ thống camera nổi (stereo camera) gắn ngay sau kính lái để để nhận diện luồng giao thông, các vật thể, chướng ngại vật xung quanh…
Không giống như các nhà sản xuất ô tô khác thường sử dụng hệ thống radar hay máy quay đơn… camera nổi trong công nghệ EyeSight tối ưu hơn khi nhận diện được cả phương tiện và người đi bộ... đồng thời có khả năng thu thập hình ảnh 3 chiều, có màu sắc với chất lượng cao.
Công nghệ này sử dụng hệ thống camera nổi (stereo camera) gắn ngay sau kính lái |
Thông qua những hình ảnh thu thập được, công nghệ EyeSight sẽ nhận diện được nguy cơ xảy ra va chạm trong các tình huống giao thông thực tế. Sau đó, liên kết với hệ thống máy tính điện tử ECU để xử lý dữ liệu, đưa ra cảnh báo cũng như các giải pháp xử lý thông qua việc tác động lên hệ thống phanh, hoặc giảm bướm ga để hỗ trợ người lái, giảm thiểu nguy cơ va chạm.
Theo ông Koichi Abe - kỹ sư cao cấp của Subaru, thông qua camera nổi kết hợp với hệ thống lái, công nghệ EyeSight sẽ góp phần hỗ trợ người lái thông qua 5 chức năng chính gồm: Tự động phanh để phòng tránh va chạm, kiểm soát hành trình thích ứng, xử lý bướm ga tránh va chạm, cảnh báo đảo làn chệch làn đường và thông báo xe phía trước đã di chuyển.
Thực tế sử dụng tại Việt Nam
Trong điều kiện vận hành thông thường, người lái cho xe lưu thông với tốc độ từ 30 - 40 km/giờ. Khi xe di chuyển, hệ thống camera trên kính lái liên tục thu thập dữ liệu hình ảnh xung quanh xe. Khi phát hiện nguy cơ va chạm, EyeSight sẽ phát ra âm thanh kèm theo hình ảnh cảnh báo trên bảng đồng hồ trung tâm. Trong tình huống này, nếu người lái lơ là và không có phản ứng sau khi xe đã phát tín hiệu cảnh báo, hệ thống sẽ tự động phanh xe để giảm thiểu tác động, phòng ngừa va chạm xảy ra. Trong trường hợp người lái kịp thời phản ứng và đạp chân phanh, hệ thống sẽ tự động hỗ trợ lực phanh để tránh va chạm.
Subaru EyeSight có thể tự nhận diện nguy hiểm và phanh lại trong trường hợp cần thiết |
Chức năng này đặc biệt ý nghĩa với người lái lơ là, không tập trung, chẳng hạn như trong trường hợp đang nhìn sang 2 bên đường và xe phía trước đột ngột phanh gấp.
Ở một tình huống khác, người lái đưa xe ra khỏi bãi đỗ nhưng lại "nhầm" vị trí hộp số. Trường hợp người lái chuyển cần số về vị trí D thay vì R để lùi xe, EyeSight sẽ kịp thời nhận biết chướng ngại vật phía trước sau đó phát tín hiệu cảnh báo. Đồng thời EyeSight sẽ tạm thời ngắt lực kéo động cơ trong khoảng 4 giây để tránh trường hợp xe “chồm lên” phía trước do người lái đạp chân ga.
Trên đường cao tốc, nếu người lái lơ là trong việc chỉnh vô lăng khiến xe có xu hướng đảo làn hay đi lệch khỏi làn đường. Camera sẽ kịp thời quan sát, thu thập dữ liệu đồng thời hệ thống sẽ cảnh báo thông qua âm thanh và đèn nhấp nháy trên bảng táp lô để “nhắc nhở” người lái trước khi phương tiện đi lệch khỏi làn đường. Tuy nhiên, theo các kỹ sư của Subaru chức năng này chỉ được kích hoạt khi xe đang lưu thông với tốc độ trên 50 km/giờ. Chức năng này sẽ góp phần đảm bảo an toàn trong các tình huống người lái mất tập trung hay buồn ngủ khi lái xe trên đường trường, cao tốc.
Tính năng ga tự động thích ứng ACC hoạt động ngay cả trong đô thị cũng như đường ùn tắc |
Một tính năng khác của Subaru EyeSight mà người dùng Việt Nam đánh giá cao chính là ga tự động thích ứng (ACC). Đây là hệ thống hỗ trợ người lái trong việc thoải mái hơn khi lái xe trên cao tốc, hệ thống này tự động giữ khoảng cách đối với xe đi phía trước (người lái có thể lựa chọn khoảng cách theo các dải tốc độ được tính toán sẵn), bao gồm cả việc tăng tốc/ giảm tốc theo hành động của xe phía trước, thậm chí có thể phanh dừng hẳn lại rồi tiếp tục lăn bánh theo xe phía trước. ACC hoạt động được ngay cả trong trường hợp lưu thông trong các đô thị lớn vào thời điểm các xe đang phải nối đuôi nhau.
Trong tình huống mô phỏng xe đang dừng đèn đỏ phía sau một phương tiện khác. Khi bắt đầu chuyển sang đèn xanh, EyeSight sẽ nhận biết được dòng phương tiện bắt đầu di chuyển để cảnh báo người lái bằng một tiếng bíp và đèn báo nhấp nháy. Đây cũng là một tình huống mà tài xế Việt Nam thường gặp phải khi vận hành xe trong đô thị.
Camera nổi trong công nghệ EyeSight tối ưu hơn khi nhận diện được cả phương tiện và người đi bộ |
Với công nghệ “mắt thần” EyeSight về cơ bản dựa trên việc thu thập dữ liệu, phân tích rồi phát tín hiệu cảnh báo người lái, tránh nguy cơ va chạm. Theo thống kê của Subaru, khi được trang bị EyeSight, tất cả mẫu xe Subaru đều nhận được đánh giá an toàn cao nhất cho hạng mục Phòng ngừa tai nạn phía trước bởi Viện nghiên cứu an toàn giao thông quốc gia Mỹ (IIHS).
Có nên phụ thuộc hoàn toàn vào Subaru EyeSight?
Dù sở hữu nhiều tính năng ưu việt, Subaru EyeSight cũng chỉ là những tính năng hỗ trợ thêm cho người lái, không phải là một hệ thống có thể bảo đảm an toàn tối đa trong mọi tình huống. Người lái luôn phải chủ động trong các tình huống khi tham gia giao thông, không thể hoàn toàn phó thác sự an toàn của mình vào “tầm nhìn” của camera và đặc biệt luôn làm chủ tay lái cũng như chân ga, chân phanh trong các tình huống lái xe.
Hệ thống Subaru EyeSight trên Forester 2019 được người dùng đánh giá cao |
Hơn 3 năm sử dụng, hệ thống an toàn Subaru EyeSight trên chiếc Forester 2019 này vẫn đang hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều lần "cứu" người lái thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Rõ ràng, hệ thống này có tác dụng thật sự chứ không đơn thuần là tính năng trang bị cho có.
Ngoài Subaru EyeSight, nhiều hãng xe khác tại Việt Nam cũng đã đang ứng dụng gói an toàn tương tự như Toyota Safety Sense, Honda Sensing, Mazda i-Activsense hay Hyundai Smart Sense.
Bình luận (0)