Tỉnh nào Việt Nam thụ hưởng từ gói viện trợ 270.000 đô của Nhật?

12/03/2021 11:07 GMT+7

Hai dự án quan trọng có ý nghĩa với cộng đồng, thực hiện tại các tỉnh thành của Việt Nam vừa được nhận viện trợ với tổng số tiền hơn 270.000 đô la Mỹ. Nơi nào, đối tượng nào được thụ hưởng?

Ngày 11.3, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tổ chức họp báo Lễ công bố viện trợ, chương trình viện trợ không hoàn lại cho 2 dự án của tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản. Trong đó, dự án được rất nhiều người quan tâm, đó là phát triển hệ thống đào tạo giáo dục hòa nhập tại các trường tiểu học thuộc tỉnh Trà Vinh và Kiên Giang của Việt Nam (giai đoạn 1).
Giáo dục hòa nhập mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả các trẻ em khuyết tật đều được học cùng với bạn bè cùng trang lứa. Tổ chức phi lợi nhuận Asia Rainbow (Tổ chức Cầu vồng Châu Á) nhận viện trợ, với số tiền là 121.239 đô la Mỹ, tương đương hơn 2,78 tỉ đồng tiền Việt.

Các đại biểu tham gia lễ công bố viện trợ hôm 11.3. Ông Watanabe Nobuhiro - Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM - đứng thứ 3 từ trái qua

Ảnh Thúy Hằng

Mục đích của dự án là hỗ trợ xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán để phát triển hệ thống đào tạo giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật. Như vậy, các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và tỉnh Kiên Giang sẽ được thụ hưởng nhiều chương trình ý nghĩa. Ban tổ chức cho biết, dự án sẽ tổ chức nhiều khóa tập huấn với chuyên gia trong 2 tuần, tập huấn tại địa phương, tại trường học. Đồng thời, họ tổ chức các chuyến khảo sát, phỏng vấn tại các trường học để góp phần xây dựng đội ngũ cốt cán trong lĩnh vực giáo dục hòa nhập.
Phát biểu tại lễ công bố viện trợ, ông Cao Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, bày tỏ sự cảm kích với các dự án phát triển giáo dục hòa nhập sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các em học sinh mầm non, tiểu học tại Kiên Giang.
Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cũng chia sẻ việc tạo mọi điều kiện, giúp đỡ để trẻ em khuyết tật được cùng đến trường, cùng học tập, phát triển với bạn bè đồng trang lứa có ý nghĩa rất lớn với học sinh ở tỉnh Trà Vinh. Dự án cho thấy sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng với nhau, để không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Trẻ em giáo dục hòa nhập cùng làm đồ hand-made

Ảnh Thúy Hằng

Dự án thứ 2 là phát triển nông nghiệp hữu cơ, cải thiện sinh kế cho hộ nông dân có quy mô nhỏ (giai đoạn 2). Thông qua việc chế biến các nông sản hữu cơ, dự án giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu niên, các em học sinh. Tổ chức phi lợi nhuận Seed to Table nhận viện trợ với số tiền 151.966 đô la Mỹ, tương đương hơn 3,49 tỉ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án trên là tỉnh Đồng Tháp. Bà Ino Mayu, giám đốc tổ chức Seed to Table, cho biết trong giai đoạn 2 lần này, dự án sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về nông nghiệp hữu cơ và xây dựng chế độ hỗ trợ cho các hộ nông dân tham gia. Đồng thời xây dựng mô hình vườn rau hữu cơ trong trường học và tổ chức đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo và đánh giá định kỳ.

Học sinh Đồng Tháp cùng thảo luận, làm vườn rau hữu cơ trong trường học

Ảnh Seed to Table

Em Nguyễn Bảo Nguyệt anh, học sinh lớp 7, Trường THCS Mỹ Thọ, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp, học sinh ở ngôi trường được dự án Seed to Table hỗ trợ từ những năm trước, chia sẻ cùng với các vườn rau hữu cơ trong trường, các em đã được học tinh thần yêu lao động, bảo vệ môi trường. Từ đó, chính các em học sinh nói với mẹ cha, người thân về việc nên nhân rộng trồng rau hữu cơ, vì sự phát triển bền vững.
Như vậy, cả 2 dự án với tổng số tiền nhận viện trợ là hơn 270.000 đô la Mỹ, tương đương hơn 6,2 tỉ đồng Việt Nam. Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, chia sẻ cả hai dự án, giáo dục hòa nhập và nông nghiệp hữu cơ đều rất ý nghĩa với cộng đồng Việt Nam. Ông kỳ vọng, những người thực hiện dự án sẽ cùng vượt qua khó khăn từ Covid-19, đóng góp nhiều hơn những điều tử tế, tốt lành cho xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.