Tình nguyện trong thời mạng xã hội

10/08/2019 08:09 GMT+7

Tại tọa đàm 'Hành trình 55 năm phong trào Ba sẵn sàng đến 20 năm phong trào thanh niên tình nguyện của Tuổi trẻ thủ đô', các đại biểu đã ôn lại truyền thống lịch sử và đưa ra những đề xuất thiết thực cho phong trào tình nguyện của thế hệ trẻ hôm nay.

Tọa đàm do Thành đoàn Hà Nội tổ chức sáng 9.8, với sự tham dự của nhiều đại biểu là nguyên bí thư T.Ư Đoàn, nguyên bí thư Thành đoàn Hà Nội, cùng các cựu thanh niên xung phong, cán bộ Đoàn thủ đô các thời kỳ, đại diện các tỉnh, thành đoàn cụm Đồng bằng sông Hồng…

Cần phong trào sử dụng mạng xã hội lành mạnh

Tại tọa đàm, các đại biểu xúc động ôn lại truyền thống của thanh niên thủ đô và khẳng định Hà Nội là cái nôi khởi nguồn của phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN). Đặc biệt, các thế hệ lãnh đạo Đoàn qua các thời kỳ đã đưa ra những giải pháp để phong trào tình nguyện thực sự có giá trị trong thời kỳ mới.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho rằng để phong trào đi vào thực tiễn thì phải đảm bảo quyền lợi của thanh niên, sinh viên và đáp ứng đúng nhu cầu của họ. “Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào phong trào lập thân lập nghiệp, hỗ trợ thanh niên và cần đi tắt đón đầu như thế nào để có hiệu quả. Chẳng hạn, phong trào bảo vệ môi trường cũng cần chiều sâu vì không chỉ là việc đi nhặt rác. Đặc biệt, hiện nay mạng xã hội đang phát triển ghê gớm, nên cần phát động phong trào sử dụng mạng xã hội lành mạnh trong thanh niên”, ông Vũ Mão nói.

Đưa chuyên môn vào hoạt động tình nguyện

Báo cáo về những mô hình mới trong phong trào TNTN hiện nay, anh Nguyễn Nhất Linh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho biết: hiện tuổi trẻ có nhiều mối quan tâm nhưng lòng yêu nước và tinh thần tình nguyện thì chưa bao giờ phai nhạt. Tiếp nối truyền thống, thanh niên trong thời đại mới có những hoạt động phù hợp như tổ chức chiến dịch Mùa hè xanh để đưa chuyên môn vào hoạt động tình nguyện. Anh Linh cho rằng cần ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyên môn vào hoạt động tình nguyện, thì sau đó sẽ để lại những công trình có giá trị lâu dài. Anh Linh đưa ra 3 phong trào mà Đoàn trường đã thực hiện thành công là: chuỗi các hoạt động tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên địa phương vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; mô hình dạy tiếng Anh cho trẻ em các vùng khó khăn; chuyển giao các mô hình kinh tế tại địa phương.
Chia sẻ về phong trào tình nguyện và những mô hình tiêu biểu được triển khai ở địa bàn, chị Lê Thị Thu Trang, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết mô hình hoạt động ở quận là tập trung tình nguyện tại chỗ với phong trào: bức tường bích họa, bốt điện nở hoa; xây dựng sân chơi cộng đồng. Đồng thời, tình nguyện hướng tới vùng sâu, vùng xa như: xây điểm trường, khu văn hóa, tủ sách thiếu nhi… Theo chị Trang, phong trào TNTN phải đảm bảo lan tỏa và hiệu quả, đoàn viên phải thấy ý nghĩa của phong trào và được xã hội ghi nhận. Đặc biệt, bản thân mỗi thanh niên phải được rèn luyện tác phong chuyên nghiệp trong tình nguyện, vì có khi xông xáo với các hoạt động xã hội nhưng chính với gia đình mình thì lại không quan tâm. “Mỗi TNTN phải rèn luyện nhiều hơn, không chỉ cống hiến cho xã hội mà quên đi nguồn cội của mình”, chị Trang bày tỏ.
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt đánh giá: “Cái được lớn nhất của phong trào TNTN là tạo ra bầu không khí thi đua sôi nổi trên toàn TP, hướng tình cảm, suy nghĩ, hành động và lý tưởng của thanh niên đến với cộng đồng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.