Tình nguyện vì cộng đồng: Nhiệt huyết thôi chưa đủ

11/12/2019 19:49 GMT+7

Được tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng là nhu cầu của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng, thiếu sự phối hợp, các hoạt động mang tính tự phát dẫn đến chất lượng tình nguyện không cao.

Đây là ý kiến của các đại biểu thanh niên nêu lên tại diễn đàn “Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cộng đồng” trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, tổ chức chiều 11.12.

“Tình nguyện phải có kỹ năng, nếu không chỉ chạy lăng xăng cả ngày”

Theo đại biểu Thoại Kỳ (Phú Yên), hiện nay, thanh niên hoạt động tình nguyện qua mạng xã hội rất nhiều, từ nhóm này lan tỏa sang nhóm khác. Thế nhưng ,hầu như các nhóm tình nguyện tự phát không được trang bị nhiều về kỹ năng, thậm chí nhiều nhóm bị các đối tượng phản động, tôn giáo trái phép lợi dụng. “Hội Liên hiệp Thanh niên nên kết nối các thanh niên hoạt động tình nguyện trên diễn đàn để định hướng, kỹ năng các bạn hoạt động tốt hơn”, anh Kỳ góp ý.
Đồng tình ý kiến trên, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động tình nguyện thiếu kỹ năng dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, không bền vững lâu dài. Chị Vũ Thị Phương (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), bày tỏ: “Nhiều bạn thanh niên, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện dựa trên tinh thần nhiệt huyết là chính mà chưa được qua đào tạo, tập huấn các kỹ năng, ví dụ kỹ năng tiếp cận với đối tượng. Đi làm tình nguyện không phải cho ai cái gì họ cũng nhận mà phải cho như thế nào để không làm tổn thương người nhận. Đáng chú ý, nhiều bạn chưa có kỹ năng cơ bản để bảo vệ an toàn cho bản thân. Chúng ta muốn làm tình nguyện, tham gia các hoạt động nhân đạo cho mọi người, trước hết chúng ta phải an toàn trước”.
Liên quan đến vấn đề kỹ năng của những người làm công tác tình nguyện, theo chị Phương, Hội Liên hiệp Thanh niên cần tập huấn, hướng dẫn hội viên về vấn đề này. Ngoài ra, cần có các tiêu chuẩn, điều kiện, chẳng hạn đi tình nguyện nơi nào phải tập huấn về nơi đó.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Việt Dũng (Hà Nam), cho rằng: “Nếu hoạt động tình nguyện mà không có kỹ năng, thì chỉ có chạy lăng xăng cả ngày. Vì vậy, để hoạt động tình nguyện có hiệu quả, các cấp Hội cần phải tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, kỹ năng an toàn cho bản thân những người tham gia hoạt động tình nguyện, có như vậy hoạt động tình nguyện của Hội mới có tính thuyết phục có tính thuyết phục, thu hút đông đảo thanh niên tham gia”.

Kết nối hoạt động tình nguyện

Không chỉ giới thiệu về các mô hình hoạt động tình nguyện trên địa bàn, các đại biểu còn chia sẻ những giải pháp, cách làm hay, thu hút thanh niên tham gia tình nguyện vì cộng đồng. Đại biểu Trần Thanh Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu có tổ chức hoạt động dọn rác trên bờ biển, khi tỉnh có văn bản tới các đơn vị yêu cầu dọn rác không ai đăng ký tham gia, nhưng chỉ cần một bạn đăng thông tin chia sẻ trên các mạng, chưa đầy 1 ngày hơn 4.000 người đăng ký tham gia dọn hơn 30 tấn rác.

Đại biểu Trần Thanh Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ cách làm hay trong hoạt động tình nguyện

Ảnh T.Hằng

“Tình nguyện không tạo sự lan toả là do một số đơn vị chưa liên kết với các cấp Hội, chưa tạo sức lan tỏa về truyền thông. Bây giờ, nếu chúng ta hô hào, kêu gọi, tập hợp các bạn thanh niên đi tình nguyện rất khó. Chúng ta phải tăng cường kết nối các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm tình nguyện, đặc biệt là tăng cường kết nối thông qua mạng xã hội”, anh Quân nói.
Trăn trở về việc kết nối các CLB, đội, nhóm tình nguyện, đại biểu Lê Tiến (đại diện mạng lưới tình nguyện miền Nam), bày tỏ: “Trong hoạt động tình nguyện, đừng nghĩ phải làm cái gì to tát, đi theo tốp, theo nhóm mang 30 - 50 triệu đồng đến nơi nào đấy trao quà và… “check in” là xong. Chúng ta hãy bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất, đó là kết nối các CLB, đội nhóm trong nhà trường và các CLB đội nhóm tự phát bên ngoài để làm sao nâng chất hoạt động tình nguyện và có thêm nguồn lực. Hoạt động tình nguyện không nhất thiết phải đi xa, mà phải gắn với hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp”.
Dẫn chứng trào lưu thử thách dọn rác trên mạng xã hội trong thời gian qua thu hút đông đảo thanh niên giam gia, anh Nguyễn Minh Triết, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, chia sẻ: “Đi tình nguyện nếu chỉ đăng vài dòng status, hình ảnh không có gì sinh động thì chắc chắn khó có thể thu hút được giới trẻ, bản thân các bạn trẻ cũng không muốn tham gia. Các cán bộ Hội cần nghiên cứu cách thức hoạt động, tìm hiểu tâm lý và thế mạnh của các bạn trẻ mới có thể kết nối, “truyền lửa” đến các bạn trẻ. Từ đó, hoạt động tình nguyện sẽ hiệu quả hơn”.

Thành lập trung tâm tình nguyện mở

Từ kinh nghiệm tại địa phương có bề dày 25 năm hoạt động tình nguyện, với nhiều hoạt động trong nước và quốc tế, đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn (TP.HCM) đề nghị: “Ở cấp T.Ư Hội cần thành lập trung tâm hoặc diễn đàn hoạt động tình nguyện kết nối giữa T.Ư và địa phương; đồng thời, điều phối hoạt động tình nguyện trong cả nước và quốc tế. Đây sẽ là nơi các bạn trẻ có nhu cầu tình nguyện và chia sẻ hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, Hội cũng có thể giới hình ảnh thanh niên Việt Nam tham gia hoạt động tình nguyện và giới thiệu tổ chức Hội nhiều hơn ra quốc tế”.
Theo anh Bùi Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, ở cấp T.Ư, mặc dù đã có Trung tâm tình nguyện quốc gia để kết nối hoạt động tình nguyện tại các địa phương và điều tiết các hoạt động tình nguyện ở nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động này chưa đạt kết quả như kỳ vọng, 
Đại biểu Vũ Thị Phương (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), góp ý: “Ở các nước, trung tâm tình nguyện là văn phòng mở, không phải văn phòng quản lý. Những bạn thanh niên có ý tưởng tình nguyện sẽ đến chia sẻ và nhận được những lời khuyên, hướng dẫn, hỗ trợ để ý tưởng đó thành hiện thực. Nếu chưa có địa chỉ kết nối, trung tâm sẽ hỗ trợ, là cầu nối. Như vậy, các nhóm tình nguyện không bao giờ bị “dẫm chân lên nhau”. Hội Liên hiệp Thanh niênViệt Nam có một lực lượng trẻ hùng hậu và rất năng động, nếu triển khai bài bản chúng ta sẽ làm tốt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.