Theo bước chân tình nguyện:

Tình nguyện viên chỉ cách giảm cơn tức giận

17/07/2023 19:10 GMT+7

Khi tức giận, trẻ có thể la hét, khóc to làm đau người xung quanh hay thậm chí đập phá đồ đạc... Giải tỏa cảm xúc tức giận là kỹ năng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Chuyến xe tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã lăn bánh hơn 1 tuần và chở theo 22 đội hình tình nguyện tỏa ra khắp các nẻo đường từ thành thị tới thôn quê, góp sức trẻ cống hiến cho xã hội. 

Với đội hình chuyên Ong Năng Động thuộc Khoa Tâm lý học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đây là mùa hè thứ 10 các tình nguyện viên được đồng hành, thực hiện các hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng bằng việc hướng dẫn, dạy kỹ năng sống cho trẻ em ở các trường học, mái ấm tình thương.

Tình nguyện viên bày cách cho trẻ "đối phó" với sự tức giận - Ảnh 1.

Tình nguyện viên đội hình chuyên Ong Năng Động chia sẻ kỹ năng giải tỏa cảm xúc tức giận với học sinh ở Làng May Mắn, Q.Bình Tân, TP.HCM

ĐÌNH HÀO

 Trẻ không được giải tỏa cảm xúc tức giận là một thiệt thòi

Trần Ngô Lan Hương, đội trưởng đội hình chuyên Ong Năng Động, cho biết ngày 11.7 vừa qua, 25 tình nguyện viên đã đến Làng May Mắn tại P.Bình Hưng Hoà A, Q.Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ chuyên đề "Kỹ năng giải tỏa cảm xúc tức giận" đến các em học sinh tiểu học nơi đây.

Theo Hương, hiện nay xã hội phát triển, trẻ em có được sự tiếp cận với công nghệ từ sớm, tìm thấy niềm vui trong thế giới ảo qua những chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cha mẹ, người thân bận rộn với công việc, ít có thời gian quan tâm đến trẻ.

"Khi trẻ có những cảm xúc tức giận thì hầu như mọi người đều giáo dục trẻ là phải kìm nén lại, không được thể hiện ra bên ngoài mà không hướng dẫn trẻ làm sao để giải tỏa cảm xúc đó, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các em. Là sinh viên ngành tâm lý học, đội hình chuyên Ong Năng Động chọn chuyên đề này để chia sẻ, giúp đỡ và đồng hành cùng các em", Lan Hương chia sẻ.

Để có buổi chia sẻ thành công, 25 tình nguyện viên được các cựu sinh viên Khoa Tâm lý học của trường tập huấn, hướng dẫn soạn giáo trình.

Phạm Phước Thắng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng với lứa tuổi học sinh tiểu học, việc cho các em hiểu về khái niệm tức giận, phương pháp giải tỏa sự tức giận nghe có vẻ khô khan nên nhóm đã dùng nhiều cách, như: sáng tạo giáo cụ đầy màu sắc, vui tươi để gây chú ý; thực hiện kịch tình huống, kịch ứng tác để các bé phát biểu, tương tác.

"Chỉ trong một tiếng rưỡi chia sẻ kỹ năng, thời gian không quá nhiều nhưng chúng mình hy vọng trẻ có thể hiểu được như thế nào là cảm xúc tức giận và nhận dạng nó. Khi giận dữ thì nhớ được những phương pháp của các tình nguyện viên đã chia sẻ như hít thở, tìm kiếm sự giúp đỡ...", Thắng nói.

Tại sao cần hướng dẫn trẻ biết cách giải tỏa cảm xúc?

Theo tiến sĩ Lê Thị Phương Hoa, công tác tại Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), tâm lý của học sinh tiểu học mang màu sắc cảm xúc, dễ buồn, dễ vui, cảm xúc cũng nhanh đến và nhanh đi. Tuy nhiên, khi trẻ gặp một cảm xúc tiêu cực, như: tức giận, bực bội, sợ hãi... Đó thường là phản ứng của cơ thể trước những sự việc không như ý muốn, như: bị lừa dối, phản bội, bị đối xử bất công…

Tình nguyện viên bày cách cho trẻ "đối phó" với sự tức giận - Ảnh 2.

Giải tỏa cảm xúc không đúng cách ở trẻ dễ gây nên những tổn thương tâm lý

ĐÌNH HÀO

Tiến sĩ Phương Hoa nói nếu không kiểm soát tốt những cảm xúc tiêu cực từ nhỏ, lớn lên trẻ có thể định hình tính cách dễ cáu giận. Một đứa trẻ dễ nổi nóng hay cáu giận, lo sợ, tự ti đều rất khó trở thành một người thành công sau này. Thế nên, việc kiểm soát tốt những cảm xúc tiêu cực, như: giận dữ, suy sụp, bi quan, ganh ghét... ngay từ nhỏ vừa góp phần định hình những nét tính cách tốt sau này và góp phần hữu hiệu trong việc ngăn ngừa bệnh tật ở trẻ.

Cũng theo tiến sĩ Phương Hoa, để giúp trẻ giải tỏa cảm xúc, trước hết cần nhận diện được các biểu hiện cảm xúc của trẻ thông qua nét mặt, hành vi trẻ bộc lộ. Sau đó phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc đó. Khi xác định được nguyên nhân nghĩa là sẽ tìm ra được giải pháp tương ứng.

Tiến sĩ Lê Thị Phương Hoa gợi ý một số cách để giải tỏa cảm xúc cho trẻ, như phụ huynh nên ôm trẻ vào lòng và dùng tay vuốt nhẹ nhàng dọc sống lưng trẻ theo chiều từ trên xuống; cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để giải phóng năng lượng thừa. Phụ huynh cũng nên chọn thời điểm thích hợp trò chuyện cùng trẻ, nhẹ nhàng phân tích những hậu quả có thể dẫn đến khi tức giận. Khi trẻ tức giận, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ hít một hơi thật sâu, giữ trong lồng ngực 30 giây sau đó chậm rãi đếm nhẩm từ 1 đến 10. Đồng thời, bố mẹ nên kiểm soát chính cơn nóng giận của mình, không nên trút giận vô cớ lên trẻ hoặc để trẻ chứng kiến cơn tức giận của bố mẹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.