Tình nguyện viên chống dịch trong 'bình thường mới' có gì mới?

19/11/2021 12:23 GMT+7

Dù TP.HCM dần hướng đến trạng thái ‘bình thường mới’, thích nghi an toàn với Covid-19 nhưng các tình nguyện viên vẫn không ngại khó khăn, tiếp tục góp sức chống dịch.

"Cả nhà dương tính, giờ phải làm sao?"

Đó là câu hỏi mà các tình nguyện viên như Nguyễn Hoàng Anh Khoa, hiện làm việc trong ngành truyền thông tại TP.HCM, phải đối mặt khi tiếp nhiều người dân tại Trạm Y tế Phường Thạnh Lộc, Q.12 kể từ khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội hồi 1.10.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, chỉ trong một buổi sáng đầu tuần này, Khoa cùng lực lượng y tế lưu động hỗ trợ cả trăm trường hợp F0 đến trạm y tế khai báo, test nhanh Covid-19 hoặc nhận túi thuốc điều trị.

“Sau ngày 1.10, số ca nhiễm tăng vọt và đa số những trường hợp F0 liên hệ với trạm y tế là cả gia đình mắc Covid-19 trong những cụm dân cư hay dãy nhà trò sống san sát nhau, anh Khoa, một người có học về ngành y, chia sẻ.

Theo anh Khoa, trong giai đoạn này, nhiều người có phần bình tĩnh hơn trước, một phần nhờ vào độ phủ vắc xin trong dân, nhưng cũng không khỏi bối rối khi dương tính với Covid-19 và họ rất cần sự tư vấn, hỗ trợ, trong khi lực lượng y tế cấp phường, xã còn khá mỏng.

Nguyễn Hoàng Anh Khoa (mặc đồ bảo hộ) hướng dẫn người dân mắc Covid-19 điền thông tin khai báo y tế sáng ngày 15.11

phúc duy

Mỗi ngày, nam tình nguyện viên xử lý nhiều việc từ nhập dữ liệu các ca F0, test nhanh Covid-19 và sắp xếp túi thuốc cho F0. Anh Khoa chia sẻ: “Khi đợt dịch bùng phát nghiêm trọng trong những tháng trước, tôi rất tiếc là chỉ có thể tham gia mạng lưới tư vấn trực tuyến F0 điều trị tại nhà. Mãi đến nay, tôi mới có thể tình nguyện trực tiếp hỗ trợ lực lượng y tế địa phương”.

Sau mỗi ca trực tình nguyện (kéo dài 12 - 24 giờ), anh Khoa lao vào xử lý công việc truyền thông (làm trực tuyến), cùng lúc trực đường dây nóng, tư vấn F0 điều trị nhà và ở lại ngay trong trạm y tế.

Nguyễn Hoàng Anh Khoa lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Trạm Y tế Phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM sáng ngày 15.11

PHÚC DUY

Làm tình nguyện trực tiếp, tác giả quyển sách Đi qua hai mùa dịch chia sẻ anh cảm nhận được một điều là mọi người trở nên yêu thương nhau hơn và đội ngũ y tế cấp phường trở nên được trân trọng hơn trong mắt người dân. "Hạnh phúc nhất là khi những người mà mình tư vấn điều trị tại nhà báo tin gia đình đã hồi phục", anh Khoa chia sẻ.

Nguyễn Hoàng Anh Khoa hỗ trợ sắp xếp túi thuốc cho F0 tại tại Trạm Y tế Phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM

phúc duy

Vẫn còn khó khăn trong chăm lo và hỗ trợ F0 tại nhà

Không chỉ riêng Anh Khoa, một số tình nguyện viên như Phan Đức Tiến, 18 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, gắn bó với công tác phòng chống dịch Covid-19 kể từ tháng 5 cho đến nay.

Cũng tham gia chống dịch tại P.Thạnh Lộc, Q.12, Đức Tiến cho hay: “Hiện nay, lực lượng tình nguyện viên của các đơn vị hỗ trợ đã hoàn thành nhiệm vụ và rút khỏi P.Thạnh Lộc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, trạm y tế cũng thiếu nhân sự nên tôi vẫn tiếp tục vừa học, vừa tham gia đội hình hỗ trợ y tế”.

Cả Anh Khoa và Đức Tiến nhận thấy công tác ứng phó dịch bệnh trong “bình thường mới” hiện nay vẫn còn có nhiều khó khăn, nhất là trong công tác quản lý, chăm lo và hỗ trợ F0 tại nhà.

Đức Tiến góc trái chụp ảnh cùng các tình nguyện viên chống dịch

nvcc

Ngoài việc học trực tuyến, Tiến hỗ trợ trạm y tế tổng hợp số liệu ca nhiễm trong ngày, gọi điện thoại thăm hỏi F0 cách ly tại nhà đủ 14 ngày để tư vấn và cấp giấy khỏi bệnh.

“Tôi vẫn có thể cố gắng tranh thủ thời gian cân đối giữa việc học và việc tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Không giống như giai đoạn trước ngày 1.10, có hôm tôi vừa đeo tai nghe học trực tuyến, vừa đi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân”, Tiến nói.

Đức Tiến góc trái chụp ảnh cùng các tình nguyện viên chống dịch

NVCC

Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lúc làm tình nguyện, Tiến kể anh đã cùng Nguyễn Đức Vinh, Bí thư Đoàn P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM hỗ trợ đưa một sản phụ mắc Covid-19 đi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ hồi tháng 8. “Lúc đó, hình ảnh một mình chị xách theo giỏ đồ sơ sinh với hai hàng nước mắt bước lên và bước xuống xe cấp cứu làm nước mắt em phải chảy theo”, Tiến chia sẻ.

Anh Vinh kể thêm: “Cả gia đình bị nhiễm Covid-19 nên chỉ một mình sản phụ được đưa đến bệnh viện. Tôi là người lái xe cấp cứu mà đơn vị mượn của chùa Kỳ Quang. Lúc đưa được sản phụ vào bệnh viện thì cô một mình bước vào phòng và khóc nhiều lắm, khiến chúng tôi không cầm được nước mắt”.

Rồi tình nguyện viên Đức Tiến chia sẻ thêm: “Việc tham gia tình nguyện chống dịch là một trải nghiệm quý báu giúp ích cho công việc mai sau vì tôi đã rút ra nhiều bài học thực tế trong cách ứng xử và xử lý các tình huống khi tiếp xúc với mọi người xung quanh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.