Tình nguyện viên không thích việc nhẹ nhàng

19/10/2021 07:00 GMT+7

“Mỗi khi giúp được ai đó, tôi đều vui lắm. Tôi tiếc là mình đã không đi chống dịch sớm hơn”, anh Nguyễn Ngọc Thùy, tình nguyện viên hỗ trợ các F0 tại TP.HCM chia sẻ.

Anh Thùy (34 tuổi, trú P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú) là thợ làm việc tại một xưởng nội thất, còn vợ bán hàng trên mạng. Họ có 3 người con trai, lớn nhất học lớp 9, còn nhỏ nhất mới 4 tuổi. Dịch Covid-19 ập đến khiến vợ chồng anh thất nghiệp. Vợ anh bàn: “Cho em được đi đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch, ở không em thấy mình vô ích quá”. Anh Thùy ngăn: “Em đi ai lo cho 3 con. Anh sẽ lên đường”.

Anh Thùy nộp đơn qua cổng đăng ký của Thành đoàn TP.HCM và 3 tuần nay được phân về P.Tân Quý, Q.Tân Phú. Ban đầu, công việc của anh Thùy là hỗ trợ trạm y tế phường các công việc nhập liệu, trực tổng đài F0. “Nhưng tôi thấy công việc nhàn quá, tôi không quen. Tôi cũng nghĩ thanh niên trai tráng đi chống dịch phải làm gì đó xốc vác hơn nên xin về đội hỗ trợ thực phẩm cho các F0”, anh Thùy kể.

Anh Thùy (trái) trong một lần đi hỗ trợ thực phẩm cho người dân

NVCC

Dù vậy, công việc một ngày của anh Thùy không cố định, có nhiệm vụ là làm, thấy đồng đội cần hỗ trợ là anh xắn tay áo tham gia. Anh có thể cùng các đồng đội khác đi nhận rau củ, gạo, quà mà các nhà hảo tâm tặng cho bà con trong phường. Căn cứ trên danh sách các F0 cách ly tại nhà ở trong phường, anh liên lạc trước rồi tới tận nhà đưa túi thuốc của F0, trao các món quà là rau củ, nhu yếu phẩm tới tận nhà cho họ. Nếu đội cấp cứu ô xy tại nhà cho F0 cần người giúp sức, anh Thùy cũng mặc đồ bảo hộ và nửa đêm tới nhà bệnh nhân, hỗ trợ thay bình ô xy…

Gia đình nhỏ của anh Thùy những ngày TP.HCM chưa có dịch

nvcc

Anh Thùy bộc bạch: “Tôi nhắc mình là cẩn thận hơn một chút thì sẽ không sao. Sau những lần giúp đỡ được các F0, nhìn ánh mắt họ rưng rưng cảm động, tôi lại càng tiếc sao mình không đi chống dịch sớm hơn”.

Anh Thùy quê gốc ở Phú Thọ, bà ngoại anh là Mẹ Việt Nam anh hùng, cả hai bác trai của anh đều hy sinh ở chiến trường Quảng Trị khi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng hài cốt của 2 bác vẫn chưa tìm thấy. Bà ngoại anh mất đi, trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo. Anh Thùy kể, trong đời mình đến giờ phút này còn một tiếc nuối, là khi còn trong độ tuổi nhập ngũ đã chưa thể đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Ngày ấy gia đình khó khăn, vừa phải học bổ túc văn hóa, vừa phải kiếm tiền nuôi bản thân, giúp đỡ gia đình. Anh Thùy luôn tự nhắc nhở bản thân sau này phải làm được những điều có ý nghĩa cho đất nước, có điều kiện để giúp bà tìm được hài cốt 2 bác về quê an nghỉ.

Xa vợ và 3 con trai lên đường chống dịch, gói theo hành lý để ở luôn tại UBND P.Tân Quý, anh Thùy mỗi ngày đều gọi điện về nhà hỏi thăm ba mẹ, vợ con. Anh nói, nhìn 3 con đủ đầy cha mẹ ông bà, anh càng thương những em bé đã vĩnh viễn mất đi vòng tay yêu thương của mẹ, của cha, của người đỡ đầu trong đại dịch. Tình yêu thương ấy khiến anh thêm mạnh mẽ để tiếp tục hành trình chống dịch, tới khi thành phố trở về bình thường mới.

Anh Bùi Văn Phát, Phó bí thư Đoàn P.Tân Quý, Q.Tân Phú, chia sẻ anh và các tình nguyện viên tại phường đều ngưỡng mộ anh Thùy, đã có gia đình riêng và 3 con, nhưng vẫn xung phong đi chống dịch. Luôn tỉ mỉ, cẩn trọng, có trách nhiệm với từng công việc, anh Thùy còn hết lòng hỗ trợ các tình nguyện viên khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.