Tình nguyện xuyên biên giới

18/11/2013 03:00 GMT+7

Họ đến những vùng đất xa xôi, cách trở, nơi mà đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và họ hành động theo lẽ của trái tim.

 Mổ đục thủy tinh thể cho người dân tỉnh Attapeu, Lào - Ảnh: An Dy
Mổ đục thủy tinh thể cho người dân tỉnh Attapeu, Lào - Ảnh: An Dy

Từ TP.Đà Nẵng, phải trải qua một hành trình khá dài, hàng mấy trăm cây số về phía tây mới đến được một tỉnh nghèo nam Lào, đó là Attapeu. Hành trang mang theo của các bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Mắt Đà Nẵng là máy móc thiết bị khám, chẩn đoán và phẫu thuật đục thủy tinh thể, là thuốc men hỗ trợ quá trình khám, điều trị, và tinh thần dấn thân, hành động có ý nghĩa vì cộng đồng. Những bác sĩ tình nguyện đến Attapeu để sẻ chia những thiệt thòi trong điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế của người dân nơi đây.

Theo bác sĩ BuonThavy - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Attapeu, đây là bệnh viện duy nhất của tỉnh nhưng ở đây không có các bác sĩ chuyên nhãn khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt… Chính vì vậy khi nghe có chương trình khám và mổ đục thủy tinh thể do Đoàn khối các cơ quan TP.Đà Nẵng phối hợp với Bệnh viện Mắt Đà Nẵng và Tổ chức Từ thiện quốc tế Medical Aid for Vietnam đến đây, người dân Attapeu đã rất trông đợi và hy vọng.

Từ sáng sớm, ông Chamthavon (57 tuổi) đã cùng con trai vượt qua hơn 30 cây số đường đèo dốc để được khám mắt. Hai mắt ông đã mờ nhiều năm nay nhưng ở tỉnh không có bác sĩ khám mắt, mà đi xa hơn thì ông không có điều kiện.

Do hạn chế phiên dịch viên nên các y bác sĩ, các thành viên trong đoàn đã phải tự học để nghe và nói một số câu thông dụng bằng tiếng Lào để xử lý tình huống. “Tôi rất phục tinh thần và thái độ làm việc của các bác sĩ tình nguyện Việt Nam. Chúng tôi muốn được đồng hành cùng các bạn trong thật nhiều những chương trình ý nghĩa như thế này”, y sĩ Lick (Bệnh viện đa khoa Attapeu) chia sẻ.

Khi những bệnh nhân đầu tiên được tháo băng, họ căng thẳng, lo âu, hồi hộp. Lúc ánh sáng quay trở lại với họ, tay họ cử động dường như lúng túng hơn, chân họ trở nên thận trọng hơn và bước chậm hơn. Và cảm xúc của họ là “Hen lung. Khop chay Vietnam” (Thấy rồi. Cảm ơn Việt Nam).

Là người từng tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện, bác sĩ Ái Nghĩa (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi thấy niềm hạnh phúc rất thơ trẻ trên những gương mặt già nua, khắc khổ của những người bệnh được phẫu thuật. Khi họ được thấy lại ánh sáng, đó cũng là lúc chúng tôi cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa, sự tuyệt vời của những chuyến tình nguyện”.

An Dy

>> Phát động giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013
>> Thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục thiên tai
>> UNV tài trợ hoạt động tình nguyện tại Việt Nam
>> Hơn 35 giờ đồng hồ tình nguyện ứng phó với bão số 11
>> Ngày hội hiến máu tình nguyện
>> Hơn 1.000 sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện
>> Ngày hội hiến máu tình nguyện
>> Chương trình Tình nguyện mùa đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.