Tỉnh Quảng Nam nhận trách nhiệm về việc chậm trễ đấu thầu thuốc, vật tư y tế

17/07/2023 20:31 GMT+7

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc chậm đấu thầu thuốc, vật tư y tế là tình trạng chung của cả nước, nhưng địa phương cũng nhận trách nhiệm.

Chiều 17.7, tại cuộc họp báo thông báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam đã phản hồi nguyên do và trách nhiệm để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tỉnh Quảng Nam nhận trách nhiệm về việc chậm trễ đấu thầu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kết luận tại buổi họp báo

MẠNH CƯỜNG

Trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí về việc vì sao chậm đấu thầu thuốc, vật tư y tế, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế là một việc rất cần. Thời gian qua, tình trạng này xảy ra trên cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Nam. Tỉnh cũng nhận trách nhiệm về việc chậm trễ này.

Theo ông Quang, có 3 hình thức để tổ chức đấu thầu thuốc và vật tư y tế nhưng tùy các địa phương lựa chọn.

Đối với Quảng Nam, hiện tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì, thành lập hội đồng rồi tổ chức đấu thầu trên cơ sở các nhu cầu của tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, việc "dồn" như vậy khiến Sở Y tế bị quá tải, do đó sở đề nghị phân chia lại cho 3 bệnh viện trên địa bàn là Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam và Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam tự tổ chức đấu thầu cho nhanh.

Tỉnh Quảng Nam nhận trách nhiệm về việc chậm trễ đấu thầu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 2.

Nhiều người dân gặp khó khăn vì thiếu thuốc và vật tư y tế

C.X

"Việc chậm đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của nhân dân. Vì vậy, tỉnh đang đôn đốc xúc tiến nhanh việc này", ông Quang nói.

Như Thanh Niên đã thông tin, hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gần như cạn kiệt, khiến cho công tác khám chữa bệnh gặp vô vàn khó khăn.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết việc thiếu thuốc và vật tư y tế không riêng tỉnh Quảng Nam mà diễn ra nhiều địa bàn trên cả nước.

Theo ông Mười, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do chậm các gói thầu được đấu giá và việc dự trù thầu cũ, dự trữ thuốc của các bệnh viện, trung tâm y tế chưa chuẩn... dẫn đến việc hết thuốc trước thời hạn. Cùng với đó, việc đang thực hiện kiểm tra gói thầu giữa chừng, nhưng đến ngày 27.4 lại có thông tư hướng dẫn mới dẫn đến việc mất thời gian để thực hiện lại từ đầu.

6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, Quảng Nam tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm so với cùng kỳ, khu vực thương mại dịch vụ và nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước giảm 9,2% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỉ đồng, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị trí 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; xếp vị trí thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%...

Đáng chú ý, 6 tháng đầu, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 4,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỉ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34,1 nghìn tỉ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30.6, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.646 tỉ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, xếp vị thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong đó, thu nội địa 9.910 tỉ đồng, đạt 47% dự toán, bằng 67% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 2/14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, xếp vị thứ 1/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.