Tỉnh táo để thoát cạm bẫy thông tin trên mạng

09/12/2023 08:03 GMT+7

Sự bùng nổ thông tin và dữ liệu khiến con người quá tải nội dung, gây suy giảm chất lượng khả năng phân tích và xác định đâu thật, đâu giả trong kỷ nguyên công nghệ.

Chia sẻ tại tọa đàm "Đề kháng với thông tin độc, hại và lừa đảo qua mạng" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 8.12, TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trong bối cảnh xã hội hiện nay, thông tin vừa là nguồn lực, động lực để phát triển, vừa là áp lực rất lớn khi tình trạng lẫn lộn tin giả, tin thật, tin xấu, độc hại trở nên khó phân biệt, khiến người tiếp nhận không có thời gian phân tích, dẫn đến rối loạn. "Chúng ta trở nên quá tải, không còn đủ kỹ năng, nhận thức và tài nguyên để xử lý thông tin đầy đủ, nghiêm túc. Nguy hiểm hơn, điều này gây ra tình trạng mất kiểm soát giá trị thông tin và sự thật, từ đó có hiện tượng một số người có xu hướng nghi ngờ cả tin thật, thậm chí từ chối tin tức, không còn muốn xử lý", TS Thông nói.

Tỉnh táo để thoát cạm bẫy thông tin trên mạng - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm

Nhật Thịnh

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Như Lan, CEO Bệnh viện thẩm mỹ Nam An, khuyến cáo: "Bác sĩ mất cả chục năm để học tập, bồi đắp kiến thức. Nhưng lên mạng ai mặc áo blouse, đeo khẩu trang, đội nón y tế… cũng có thể là bác sĩ. Thời gian qua có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, gây biến chứng hay thiệt hại về sức khỏe vì tin vào quảng cáo, thông tin không kiểm chứng của cơ sở thẩm mỹ chui do người không được đào tạo chuyên nghiệp thực hiện".

Theo ông Philip Hùng Cao, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ an ninh mạng VinCSS, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng VN đang là "vùng trũng" của lừa đảo trực tuyến, tấn công bảo mật, trong đó có những vụ chiếm đoạt diễn ra chỉ trong vài giây và tới 80% nhắm tới tài chính của nạn nhân.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Bá Điệp, Phó chủ tịch kiêm nhà đồng sáng lập MoMo, chia sẻ về 6 bí quyết bảo vệ tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử của người dùng khi online gồm: Không chia sẻ mật khẩu và mã xác thực OTP; bảo mật thẻ và tài khoản ngân hàng; giữ kín thông tin cá nhân; tài khoản MoMo, ngân hàng là của bạn, không cho mượn hay để người khác sử dụng; cẩn trọng khi đặt mật khẩu; cảnh giác với mã QR, đường link, tập tin đính kèm lạ. "Chúng tôi đang sử dụng sinh trắc học để xác thực người dùng, như vậy sẽ bảo vệ khách hàng tốt hơn, gia tăng yếu tố phi mật khẩu để họ tự bảo vệ mình và giúp dịch vụ an toàn hơn", ông nhấn mạnh.

TS Huỳnh Văn Thông cũng "bật mí" những điều người dùng cần phải "thuộc nằm lòng" trong thời kỳ rối loạn thông tin trên mạng như luôn xác định phân khúc thông tin, đánh giá nguồn tin, theo dõi diễn biến trong dài hạn, chất vấn tính khách quan của nội dung, sẵn sàng tiếp nhận những điều xung khắc với định kiến của bản thân. Ông nói: "Trên mạng xã hội, thứ hạng và độ nổi tiếng không tương đồng với độ đáng tin của thông tin và người dùng nên chia sẻ nội dung một cách có trách nhiệm".

"Chúng ta phải tự tạo cho mình tâm lý "không tin tưởng ai trên mạng", luôn cảnh giác và tìm cách xác minh nguồn tin. Hãy dành thời gian để cân nhắc, đừng thao tác theo "bản năng" mà phải luôn giữ tỉnh táo", ông Philip nêu quan điểm. 

Nhằm mang đến những kiến thức cần thiết để mỗi người, nhất là người trẻ, có thể tự bảo vệ mình trước nạn tin giả, tin độc hại… tránh trở thành nạn nhân cũng như vô tình tiếp tay cho chiêu trò lừa đảo, tin giả trực tuyến, sáng 8.12, tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF), Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Đề kháng với thông tin độc, hại và lừa đảo qua mạng". Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ra mắt báo điện tử Thanh Niên. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng Techcombank, Ví điện tử MoMo, Công ty cổ phần dịch vụ an ninh mạng VinCSS, Bệnh viện thẩm mỹ Nam An. Độc giả có thể theo dõi lại toàn bộ nội dung buổi tọa đàm trên Thanh Niên điện tử (https://thanhnien.vn), fanpage và kênh YouTube của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.