Nhưng sự đời vốn dĩ oái oăm, có bệnh thì phải chữa bệnh, tiền nong tích cóp cả cuộc đời lắm khi chỉ để mà đổ vào đó. Đổ vào đó mà khỏi bệnh thì còn mừng, đằng này “tiền mất tật mang” mới là điều đáng nói.
Chuyện các bệnh viện cho nguồn thuốc kém phẩm chất, quá hạn sử dụng... tuồn vào là một tử huyệt. Hôm qua, trên Thanh Niên, trong bài Dược liệu dỏm tuồn vào bệnh viện, dược sĩ Trần Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Dược Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đã thông tin: “Dược liệu bỏ trong bao tải nhập về, chẳng có niêm phong, xong ai muốn dán nhãn gì thì dán. Ngay đầu mối nhập khẩu đã không chặt rồi”. Thật đáng sợ khi người bệnh cứ mua về và “uống hên xui”!
Trong bệnh viện thì như thế, còn người dân thì thế nào?
Biết nhu cầu xã hội rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nên hàng ngàn trang mạng đang dành dung lượng khá lớn cho vấn đề này nhưng rõ ràng là thiếu bàn tay chuyên môn kiểm duyệt. Đó cũng là một tử huyệt.
Hàng trăm ngàn bài báo viết về cây lá chữa bệnh dễ như chơi. Đành rằng, thuốc nam là truyền thống, tác dụng của nó là không thể phủ nhận nhưng nó hoàn toàn không thể thần thánh như các bài viết lan truyền chóng mặt kiểu “cây chùm ngây có thể loại bỏ 90% tế bào ung thư”, “hành tây ngâm rượu vang đỏ trị hết đau xương khớp trong 3 lần uống”... đại loại thế.
Có bệnh thì vái tứ phương, chuyện gì cũng có thể làm. Trong khi hầu hết những người viết đều không có chuyên môn và thiếu trích dẫn căn cứ khoa học. Vì sao các thầy thuốc nam “bắt mạch chữa bệnh”, là vì để biết cơ địa của từng người để mà gia giảm, thêm bớt dược liệu, trị cho được căn nguyên sinh ra nó. Chưa nói, những thầy thuốc nam danh tiếng đều có những bí quyết của họ. Cũng thành phần thuốc như công khai nhưng lượng mỗi loại bao nhiêu, cách sao tẩm, sắc uống thế nào, liều lượng bao nhiêu mới hiệu nghiệm thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Nhớ lại câu chuyện dân gian, một môn đệ được thầy trao sách chữa bệnh, khi thấy người bị đau bụng anh ta mở ra, đọc đến câu: “đau bụng uống nhân sâm...” bèn gấp sách cắt nhân sâm cho người bệnh uống. Thấy bệnh nhân khác thường, anh ta mở sách lật ra trang tiếp, thấy hai chữ: tắc tử!
Không thể đùa giỡn với sự sống, cái chết của con người, vì thế, việc thiếu kiểm soát dược liệu nhập khẩu đến mức “ai muốn dán nhãn gì thì dán” như đã dẫn ở trên là hành động vô tâm đáng báo động, cần phải được chấn chỉnh ngay và tôi nghĩ không quá khó, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể làm được vì chỉ cần quy định chặt chẽ về thủ tục nhập khẩu. Mặt khác, như thường nói, cây cỏ VN là một nguồn dược liệu vô cùng đa dạng và quý giá, vậy thì tại sao chúng ta không quan tâm đúng mức đến việc phát triển nguồn dược liệu đó bằng cách tạo vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân một cách bài bản và lâu dài?
Trước mắt, thiết nghĩ, các bệnh viện y học dân tộc, các cơ sở khám chữa bệnh y học dân tộc phải kiên quyết bảo vệ người bệnh của mình, phải đòi cho được quyền biết nguồn dược liệu. Đó là tinh thần lương y.
Bình luận (0)