Những ngày vừa qua, sau khi di tích Hải Vân quan chính thức mở cửa đón khách (từ ngày 1.8) đã ghi nhận một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với di tích thắng cảnh độc đáo được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" này.
Di tích Hải Vân quan được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 4.2017. Do di tích nằm trên địa phận của 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng, được xác định là di sản chung của 2 địa phương, nên thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng đã "chung tay" đầu tư trùng tu.
Theo đó, dự án được triển khai trên diện tích khoảng 6.500 m2 (tại đỉnh đèo Hải Vân, giữa H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), với tổng mức đầu tư hơn 42 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP.Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50%.
Về phương án thu phí tham quan, ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị đảm nhiệm chủ đầu tư dự án) cho biết, do di tích nằm trên địa phận của 2 địa phương, nên giá vé tham quan phải được HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng ban hành nghị quyết để làm cơ sở pháp lý thực hiện.
Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang phối hợp với Sở VH-TT TP.Đà Nẵng lập đề án quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có đưa ra một số phương án tham mưu cho HĐND 2 địa phương ban hành nghị quyết để thực hiện, trong đó có khung giá vé tham quan di tích Hải Vân quan.
Tuy nhiên, thủ tục để 2 địa phương thông qua nghị quyết chung là chưa có tiền lệ từ trước đến nay, nên cũng vướng mắc rất nhiều.
Đó là phương án về khung giá vé, còn lại việc quản lý, sử dụng ngân sách từ nguồn thu sẽ được "chia" như thế nào cho ngân sách của 2 địa phương hiện vẫn còn rất lúng túng.
Theo ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, nếu cơ chế quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hải Vân quan (nằm trên địa phận của 2 địa phương) vướng mắc về thủ tục thì 2 địa phương sẽ trình lên Bộ VH-TT-DL cùng các bộ, ngành liên quan để xin chủ trương tháo gỡ.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm mà 2 địa phương đã phối hợp chung tay trùng tu được di tích độc đáo này trong thời gian qua, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng như cơ chế quản lý trong thời gian tới cũng sẽ được 2 địa phương phối hợp nhịp nhàng và thống nhất, để Thiên hạ đệ nhất hùng quan trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách.
Bình luận (0)