(TNO) Tinh thể zircon 4,4 tỉ năm tuổi tại Tây Úc đã được công nhận là mảnh vỏ Trái đất cổ nhất từ trước đến nay.
|
Tinh thể zircon trên đã được tìm thấy trong sa thạch tại vùng Jack Hills ở bang Tây Úc, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Geoscience.
Trưởng nhóm John Valley, giáo sư của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho hay đã xác định tuổi của tinh thể trên bằng cách phân tích các nguyên tố uranium và chì, trong đó uranium phân hủy rất chậm theo thời gian nên có thể được sử dụng như một đồng hồ tính giờ.
Dựa trên kết quả thu được, các chuyên gia phát hiện Trái đất hình thành lớp vỏ cứng với tốc độ nhanh hơn vẫn tưởng, không lâu sau khi nó hình thành cách đây 4,6 tỉ năm.
Trước đó, Trái đất vẫn là một quả cầu mắc ma nóng chảy.
Điều này cho thấy bề mặt hành tinh xanh rắn lại rất sớm, có nghĩa là địa cầu đã sẵn sàng cho sự sống sinh sôi từ buổi đầu tiên của lịch sử.
Reuters dẫn lời giáo sư Valley cho hay giới khoa học chưa nắm được chứng cứ cho thấy sự sống tồn tại ngay sau khi Trái đất tượng hình, nhưng cũng không có lý do tại sao sự sống không xuất hiện cách đây 4,3 tỉ năm trước.
Theo các chuyên gia Mỹ, một lớp vỏ lục địa đã hiện diện trên Trái đất sau khi hành tinh hình thành được khoảng 100 triệu năm, và nếu nhiệt độ lúc đó thấp, nhiều khả năng nước dạng lỏng đã có mặt trên bề mặt hành tinh.
Hạo Nhiên
>> Xác định 12 tiểu hành tinh dễ khai thác
>> Sao Hỏa từng có sự sống cách đây 3,7 tỉ năm?
>> Hình ảnh Trái đất chụp từ sao Hỏa
Bình luận (0)