Tính toán kỹ hiệu quả dự án đường vành đai Hà Nội và TP.HCM

13/05/2022 06:14 GMT+7

Ngày 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 11 cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án vành đai 3 TP.HCM.

Vốn đầu tư hơn 150.000 tỉ đồng

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, đường vành đai 3 TP.HCM sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng, trong đó sử dụng cả nguồn vốn từ ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương. Riêng dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có phần vốn BOT.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội ban hành hàng loạt cơ chế đặc thù về phân cấp phân quyền, chỉ định thầu, trình tự thủ tục, vật liệu và nguồn vốn cho đầu tư để thực hiện 2 dự án nói trên.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 từ T.Ư mà cụ thể là Bộ GTVT về các địa phương; sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương để phát triển dự án; tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024 - 2025…

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ đối với cả 2 dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư của cả 2 dự án, song đề nghị cần đánh giá kỹ về tính cấp bách và khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công để triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công.

Đối với đường song hành dưới thấp của cả 2 dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xác định rõ vai trò, chức năng của đường song hành là đường đô thị vì cho rằng, hệ thống, tiêu chuẩn, quy chuẩn của VN không có quy định về đường song hành.

Đối với các cơ chế đặc thù mà Chính phủ “xin” để thực hiện 2 dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí, song cũng đề nghị cần lưu ý các cơ chế, chính sách đặc biệt cần gắn với đặc điểm riêng của từng dự án, tránh sao chép các chính sách đã áp dụng đối với dự án khác, biến cơ chế, chính sách đặc biệt thành phổ biến.

Địa phương nên tự phát hành trái phiếu để huy động vốn

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ băn khoăn đối với tính “hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công” vì ngoài 2 dự án nói trên thì tại kỳ họp thứ 3 Chính phủ cũng sẽ trình 3 dự án cao tốc khác.

“Tính toán vốn liếng phải tuân thủ cái khung đã có vì kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025) đã quyết rồi, gói kích thích kinh tế cũng quyết rồi, không còn gì cả”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và cho rằng, nếu dồn hết vào các dự án này nhiều địa phương, dự án sẽ không còn nguồn vốn để thực hiện. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị khi tính toán trình dự án phải đảm bảo khả thi. “Trong lúc làm ào ạt thế thì năng lực nhà thầu có làm được không? Rồi vấn đề vật liệu, hiện nay dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông cũng đang thiếu chứ chưa nói tới một loạt dự án cùng triển khai thế này. Các đồng chí quyết tâm thì hoan nghênh, nhưng phải cam kết và chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Riêng đối với dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giãn tiến độ 1 năm để cơ bản hoàn thành năm 2026 thay vì năm 2025 như tờ trình của Chính phủ nhằm giãn tiến độ bố trí vốn giúp giảm áp lực cho địa phương, còn T.Ư cũng còn vốn để phân bổ cho một số dự án quan trọng khác.

Đối với các cơ chế đặc thù để triển khai 2 dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cơ bản đồng tình. Riêng đối với đề nghị cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm thực hiện dự án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương tự phát hành trái phiếu chứ không cần “nhờ” Chính phủ phát hành rồi vay lại.

Dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (H.Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (H.Quế Võ, Bắc Ninh), đi qua địa phận 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong khi đó, dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (H.Bến Lức, Long An).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.