Tình yêu "cổ tích"
Sinh ra trong một gia đình nghèo 6 anh em ở vùng quê tỉnh Phú Yên, Châu Văn Thủy (sinh năm 1966) là con trai út. Chẳng giống ba mẹ và các anh chị mình, cậu út Thủy từ nhỏ đã có một thể trạng bất thường.
“Lúc bé cũng chưa ai nhận ra, thấy tay chân ngắn ngủn thì chỉ nghĩ chắc tôi hơi nhỏ con thế thôi. Nào ngờ khi bạn bè đồng trang lứa đã “nhổ giò” hết, còn tôi ăn ngủ bao nhiêu vẫn không cao quá con số 1 mét! Từ đó, tôi mới phát hiện sự bất thường trong cơ thể”, anh Thủy kể.
|
Cái biệt danh “Thủy lùn” theo anh suốt những năm tháng đến trường. Anh tủi hổ vì bị trêu ghẹo, bị bắt nạt, nhiều lần lầm lũi trốn ở nhà, chẳng muốn đi ra đường. Ba mẹ anh cũng thường phàn nàn “tốn bao nhiêu cơm gạo mà mày cũng chẳng chịu lớn”. Nhưng nói là nói vậy, họ luôn dành nhiều hơn những tình thương cho đứa con út thua thiệt.
“Bạn bè chọc riết cũng chán, bắt nạt riết cũng nhàm. Tụi con nít trong thôn mỗi lần thấy tôi đi ngang đều chỉ trỏ, reo hò bỡn cợt, dần dần cũng trở nên quen mắt với cặp giò chẳng giống ai của tôi. Rồi tôi cũng vậy, tự nghĩ rằng giờ mình có buồn thêm thì mình cũng có cao lên được đâu. Tại sao không ngẩng đầu mà sống”, anh Thủy chia sẻ.
|
Như những tên con trai mới lớn khác, “Thủy lùn” cũng bắt đầu theo những gã bạn thân đi… tán gái! “Mà tôi nhỏ thó, tay chân tôi ngắn tủn, có cô gái nào thèm để ý, chỉ chọn mấy tên bạn tôi cao ráo, đẹp trai. Thấy tôi đứng tít ở dưới, ngóc đầu lên nói mấy câu úp mở yêu thương, mấy cổ cười ra nước mắt. Biết mình giống như trò vui cho người khác, tôi lầm lũi tìm việc làm, không tơ tưởng gì nữa”, anh Thủy cười.
Nhưng đôi chân ngắn ngủn lại tiếp tục khiến anh Thủy gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống. Tốt nghiệp cấp 3, gia đình khó khăn, anh Thủy lại nghĩ nếu có học đại học thì cũng khó xin được việc làm sau này. Thế nên anh học nghề rồi ra đầu xóm ngồi vá xe đạp để kiếm sống.
Tình cờ một chiều nọ, cô gái Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1970) dẫn chiếc xe đạp đến tiệm anh Thủy vá. “Đúng như người ta nói về tiếng sét ái tình, tôi bị... sét đánh liền, tai ù đi! Như ông trời sắp đặt vậy đó, tôi nhìn Tuyết xong là tay chân lóng nga lóng ngóng, không biết mình có vá được không nữa”, anh vừa kể vừa cười.
Chẳng giống những cô gái khác cười cợt, chị Tuyết nhìn cái thân hình như đứa trẻ, cái khuôn mặt thật thà, tay chân lộng cộng của anh Thủy, thì đâm ra thương cảm, bắt chuyện hỏi han.
|
“Cha mất khi tôi còn chưa kịp trông thấy mặt. Mẹ đi bước nữa, định bỏ tôi vào cô nhi viện. May thay, bà nội thương, rước đứa cháu tội nghiệp về nuôi nấng. Tôi cứ nghĩ mình đã là người bất hạnh, nào ngờ gặp anh còn bất hạnh hơn. Nghe qua câu chuyện của ảnh, tôi lại càng đồng cảm. Lúc ấy, tôi đã băn khoăn nhiều câu hỏi trong đầu, rằng nếu mình không thương ảnh, thì còn ai thương đây”, chị Tuyết tâm sự.
Còn anh Thủy, bình thường chỉ vá 5 – 10 phút là xong việc. Gặp cô gái của đời mình, anh vá 3 lỗ thủng hơn… 1 tiếng đồng hồ! Xong buổi vá xe, cũng là lúc một câu chuyện tình yêu “cổ tích” bắt đầu.
"Người ta chịu rồi! Người ta chịu con rồi"
“Tôi yên phận ngồi sau xe, không ôm hết eo Tuyết vì cái tay ngắn ngủn. Trong xóm ai cũng cười vì thấy ngộ quá, y như con cá thồi lồi ôm bụp dừa nước! Chúng tôi cũng cười, nhưng vì hạnh phúc”, anh Thủy nhớ lại.
Câu chuyện tình yêu đẹp bắt đầu sóng gió, khi gia đình chị Tuyết, nhất là một bà cô khó tính kịch liệt phản đối. Họ nói chị xinh đẹp, bộ hết đàn ông cao ráo, giàu có để yêu rồi hay sao mà chọn một gã vừa nghèo vừa “2 mét bẻ đôi” như thế kia! Kể từ đó, không ai còn trông thấy hình ảnh cô gái cao to chở chàng lùn trên chiếc xe đạp quanh xóm nữa.
|
Anh Thủy lại tiếp tục lầm lũi ra đầu ngõ, ngồi với những chiếc lốp xe. “Nhớ quá, sáng tôi đi ngang nhà Tuyết một lần, chiều về lại đi ngang một lần, len lén nhìn vào mong thấy được cổ. Có cái bờ rào mà thấy xa như vạn lý. Thiệt lúc đó, tôi lại mặc cảm về cái lùn, cái xấu, cái nghèo của mình… Tôi như người mất hồn, chỉ muốn chết quách đi cho xong”, anh bộc bạch.
tin liên quan
'Bóng hồng' hút hồn trong 'tâm bão' mừng chiến thắng tuyển Việt Nam“Tôi sợ sệt bước vào sân. Người chú liền hỏi: "Tao hỏi mày có thương con Tuyết thật lòng không?". Tôi đánh liều trả lời nhưng vẫn lí nhí: "Dạ… con thương Tuyết thật lòng từ lâu rồi”. Ai ngờ ông chú phán cho: "Mày thương nó, nó cũng thương mày. Thôi, vậy tụi bây coi cưới sớm, để chi lâu lắc, tụi chú không cấm cản nữa. Còn lại bà chị lớn thôi, bả là không chịu đâu, nhưng mà để tụi tao tính cho. Bây chí thú làm ăn là được". Nghe xong tôi vẫn chôn chân, không biết tai mình có hư không”, anh Thủy đùa.
Anh tức tốc dắt xe, lật đật chạy về nhà. Anh quăng xe trước cửa rồi lao vào, vừa thở hổn hển vừa nói với ba: "Người ta chịu rồi, người ta chịu con rồi! Ba chuẩn bị đi, rồi đi hỏi vợ cho con!”. Ba anh chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, vì trước đó anh Thủy vẫn giấu nhẹm, chẳng nói ra chuyện mình phải lòng cô gái cùng quê xinh đẹp.
|
Ông đứng nhìn con trai rồi cười ngất: "Mày như hột tiêu, con nhỏ nào một là mù, hai là điên mới chịu về với mày. Mày đừng có bịa đủ thứ chuyện, rồi kêu tao qua đó, người ta đuổi về, chắc tao cởi quần ra đội chứ để bị cười thúi đầu".
“Bà ấy ở xa, mà hễ về nghe phong phanh là hăm dọa, tụi bây cưới là tao về tao đập không còn cái tô, cái chén! Để tránh việc bà ấy biết rồi quậy tung đám cưới, các chú tôi giấu nhẹm luôn, quyết định "tiền trảm hậu tấu”, cưới luôn rồi mới báo bả. Ván đóng thuyền rồi thì có phản đối cũng vậy thôi. Mãi sau này, khi con cháu đều cao ráo, bả thấy thương quá bả mới xiêu lòng", chị Tuyết cười, kể lại.
Chẳng mấy chốc, cả xóm được dịp dự một đám cưới giản đơn nhưng tràn ngập tiếng cười. Nhiều người còn xúm xít kéo nhau đến xem, vì lạ quá đỗi, một câu chuyện cổ tích “Bạch Tuyết và.... một chú lùn".
“Ngày tôi cưới vợ, bà con kéo đến xem đông lắm. Họ thấy lạ quá đỗi, chỉ trỏ, bàn tán… làm tôi và Tuyết ngượng nghịu, đi muốn quíu chân. Không ai nghĩ một người lùn xịt, nhỏ xíu như tôi lại cưới được một cô gái xinh đẹp, cao ráo như vậy”, anh Thủy kể.
|
Mong Tết này sum họp gia đình
Câu chuyện càng viên mãn khi 3 cậu con trai lần lượt ra đời, may mắn đều giống mẹ, cao ráo và sáng sủa. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm và gánh nặng cơm áo gạo tiền lại chồng chất. Năm 2000, vợ chồng anh Thủy dắt nhau vào TP.HCM, bám cái nghề bán vé số để mưu sinh, lo cho các con ăn học.
|
|
|
“Tôi đã không có một hình hài bình thường, nhưng phước phần lại cho tôi 3 đứa con trai đều giống mẹ. Từ nhỏ, tôi vẫn luôn thủ thỉ với chúng, rằng ba mẹ nghèo, không có gì lớn lao để lại cho các con, chỉ cố gắng cho các con cái chữ. Tụi bây phải học, phải có cái nghề tử tế mới thay đổi cuộc đời mình được”, anh Thủy nói.
Tay chân nhỏ xíu, anh Thủy vẫn gánh trên vai cả một gia đình. Hàng tháng, anh vẫn đều đặn gửi tiền về quê chăm sóc mẹ già đã ngoài 90. Chị Tuyết vẫn luôn tự hào về người bạn đời mình đã chọn, một người đàn ông thua thiệt ngoại hình nhưng đầy nghị lực và bản lĩnh, sống có trách nhiệm với vợ và các con.
|
|
|
Người con trai cả của vợ chồng anh Thủy sau khi tốt nghiệp đại học thì ở quê nhà Phú Yên làm việc, đã lập gia đình và cho anh một đứa cháu kháu khỉnh. Người con trai thứ hai của anh, sau khi nhập ngũ về thì ở quê đi làm thêm phụ giúp gia đình. Còn cậu con út giỏi giang, vừa được tuyển thẳng vào một trường đại học, vừa đậu thêm một trường nữa. Giờ cậu đang theo học tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và nội trú ở kí túc xá.
Còn 2 vợ chồng anh hiện đang sống trong căn nhà tập thể của đại lý vé số thuê cho những người đi bán ở tạm. Căn phòng của vợ chồng chỉ độ khoảng 8 mét vuông, nhưng phải ngăn ra làm 2 bằng tấm vải để cho một cặp vợ chồng khuyết tật khác ở. Cuộc sống khó khăn nhưng “chú lùn” và “nàng Bạch Tuyết” vẫn vui cười mỗi ngày bên những bữa cơm chung.
|
|
“Thằng Út vô đại học còn chật vật dữ nữa, nhưng phải ráng thôi, nghĩ cho tương lai nó sau này. Tết này chỉ mong sao gom đủ tiền để mua ít gạo, quà bánh, vé xe về quê sum họp cho nó ấm cúng gia đình”, anh Thủy bộc bạch.
Bình luận (0)