Tình yêu học trò đã khác xưa

07/05/2016 07:26 GMT+7

Tình yêu học trò thời nào cũng đẹp, cũng đáng nhớ. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng nhiều yếu tố mà tình yêu học trò ngày nay dần thực dụng và nhiều nỗi lo.

Yêu để... lấp chỗ trống
Hiện nay việc thể hiện tình cảm yêu đương, tỏ tình của học sinh đã có nhiều điểm khác so với trước. Các em có mạng xã hội nên việc phát triển tình cảm thuận lợi hơn nhiều.
H., học sinh Trường THCS Bình An, Q.2, TP.HCM, khoe: “Người yêu mới của con xinh mà chất lắm”. Chúng tôi hỏi: “Chất là thế nào?”. H. nói: “Mấy quán cà phê, rạp phim lạ chưa chắc cô biết nhé, nhưng người yêu con thì biết hết. Cuối tuần toàn đòi con dẫn đi chơi ở những chỗ đó mới chịu”. Mặc dù mới học lớp 6 nhưng H. đã có tới 3 mối tình: “Lần đầu tiên là hồi lớp 5 con thích một bạn cùng lớp. Sau khi có được Facebook của bạn ấy, con thường lên đó xem hình rồi nhắn tin làm quen. Sau vài lần nói chuyện thấy hợp, thế là hẹn nhau đi uống trà sữa. Bạn này xinh nhưng xài tiền dữ nên yêu được mấy tháng thì con chia tay. Bây giờ con đang quen bạn cùng lớp, gần nhà. Ngoài đi chơi, chúng con thường cùng đi học tiếng Anh hoặc đi bơi”, H. hồn nhiên kể.
Thấy con nói về người yêu, chị P. (mẹ của H.) nói: “Sao mấy hôm nay mẹ không thấy N.N qua nhà chơi? Nói N. tối qua nhà ăn cơm nhé con”. Chúng tôi hỏi: “Việc tình cảm của con chị biết và ủng hộ?”. Chị P. cười: “Yêu thì làm sao cấm được? Nếu cấm, chúng nó lén lút bên ngoài nên thà quan tâm cho chúng về nhà để dễ dạy hơn”. Chị P. còn nói thêm: “Vợ chồng tôi thường xuyên đi công tác nước ngoài. Có khi đi cả hai, ba tuần nên con hay phải ở nhà một mình. Có bạn gái để chúng vừa làm bạn vừa giúp nhau học tập chúng tôi cũng thấy bớt áy náy với con phần nào thì sao lại phải cấm?”.
Tương tự là trường hợp em K., học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi, TP.HCM. K. cho biết: “Ba mẹ em rất bận, thường về nhà sau 8 giờ tối. Em lại rất sợ ở nhà một mình nên sau giờ học, hay ra quán net chơi vì ở đó vui hơn ở nhà. Cùng chơi với em có một bạn gái học chung khối lớp 9. Chúng em nói chuyện rất hợp. Nhiều lần em nạp thẻ để mua trang sức, phụ kiện cho T. rồi bạn ấy tỏ tình với em, vậy là yêu thôi”. K. nói thêm: “Nhiều lúc em thấy người yêu còn gần gũi hơn cả ba mẹ, nhiều chuyện không nói được với ai nhưng em có thể nói với T. Nhiều khi ba mẹ cãi nhau em không muốn về nhà mà rủ T. đi cà phê, xem phim… thấy bớt căng thẳng rất nhiều”.

Nên duyên từ tình yêu học trò

Kỷ niệm chuyện tình lãng mạn của mình, cặp đôi Jeffrey và Alexa Schultz ở bang Wisconsin (Mỹ) vừa đưa lên trang mạng xã hội Reddit tấm ảnh đen trắng của hai người khi còn là đôi bạn học đang ngượng nghịu trong một lần khiêu vũ cùng nhau.
Khi học trò yêu… quá đà
Bà Lê Thu Tâm, tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM, cho biết: “Rất nhiều vụ bạo lực học đường hiện nay xuất phát từ việc học sinh có mâu thuẫn tình cảm, giành bồ với nhau. Nhiều khi đi kiểm tra các lớp chúng tôi thấy học sinh ôm nhau, bày tỏ tình cảm ngay trước mặt nhiều bạn cùng lớp. Với những trường hợp đó, chúng tôi nhắc nhở hoặc gọi các em xuống phòng giám thị. Tuy nhiên, chuyện tình cảm không thể cấm hoàn toàn nên chủ yếu là nhắc các em chừng mực giữ ý tứ trong lớp và làm sao để không ảnh hưởng tới việc học”.
Nói về tình yêu, Tôn Thị Mộng Cầm, học sinh lớp 11, Trường THPT Thạnh Lộc, H.Giồng Riềng, Kiên Giang, chia sẻ: “Bây giờ việc các bạn yêu nhau trong trường rất phổ biến. Nhiều khi chỉ một vài câu tán tỉnh trên Facebook là các bạn yêu, rồi hẹn nhau đi hát karaoke, đi chơi”.
Cầm kể lại: “Trường em từng có nhiều vụ đánh ghen vì yêu. Điển hình là trường hợp N.V.P (học lớp 12) và L.T.V (học lớp 11). Chuyện hai người yêu nhau cả trường đều biết và cặp đôi này cũng đã nhiều lần đánh nhau ở trường vì ghen tuông. Có lần P. xuống lớp V. chơi, chỉ vì thấy V. cười với một bạn nam cùng lớp thế là P. tức giận. Giờ ra chơi, P. gọi V. ra ngoài tát mấy cái. Sau đó, P. còn đập vỡ điện thoại của V. vì cho rằng V. là người yêu mình sao lại vui vẻ, đùa giỡn với người con trai khác”. Cầm cho hay: “Việc này làm xôn xao cả lớp, nhưng không học sinh nào dám gọi thầy cô vì sợ P. đón đánh khi tan học”.
Giáo dục giới tính chưa thật sự sâu sát
Tình yêu học trò mỗi thời mỗi khác và ngay cả cùng một thời thì mỗi người cũng mỗi khác. Ngày nay, các em ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh, văn hóa du nhập, lối sống thực dụng nên cách thể hiện tình yêu cũng khác trước đây. Thêm nữa, vấn đề giáo dục giới tính từ phía gia đình và nhà trường vẫn chưa thật sự sâu sát, chỉ dừng lại ở mặt hình thức.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh (Bệnh viện Nhi đồng 1)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.