Tình yêu ‘lò vi sóng’ là gì, mà sao nhiều người nhắc tới...?

12/11/2024 16:44 GMT+7

Thời gian gần đây, khái niệm tình yêu "lò vi sóng" được gen Z sử dụng khá nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của cụm từ này.

Yêu đương kiểu “lò vi sóng”

Trong "từ điển gen Z", tình yêu "lò vi sóng" thực chất là để ám chỉ những cặp đôi chia tay rồi quay lại, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, cũng giống như hành động hâm lại đồ ăn nguội trong lò vi sóng.

Từng chia tay rồi quay lại với người yêu rất nhiều lần nên không thể nhớ con số chính xác, H.T.B.T (24 tuổi), ngụ tại đường Đặng Thùy Trâm, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Gần 4 năm yêu nhau nhưng tụi mình chia tay và quay lại rất nhiều lần. Nhất là thời còn sinh viên, nhiều đến nỗi mình không thể nhớ hết được. Lý do chia tay là vì những bốc đồng của tuổi trẻ, do bận nên dành thời gian cho nhau khá ít. Tụi mình hay cãi nhau về những chuyện vặt như xung đột quan điểm hay sự ít quan tâm của đối phương. Những lúc đó mình hay chủ động nói lời chia tay dù sau đó là rơi vào tâm trạng buồn bã, khóc lóc”.

Tình yêu ‘lò vi sóng’ là gì, mà sao nhiều người nhắc tới...?- Ảnh 1.

Trong giới trẻ, yêu đương kiểu "lò vi sóng" không phải là chuyện hiếm

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Và sau mỗi lần như thế T. và bạn trai đều quay lại và hiện tại họ vẫn là một cặp. “Những ngày sau chia tay tụi mình sẽ nghiêm túc suy nghĩ và mình cũng mủi lòng trước sự chân thành của anh nên quay lại. Sau mỗi lần chia tay rồi quay lại thì tụi mình sẽ có thêm một vài nguyên tắc, giới hạn được đặt ra để không lặp lại lỗi đó nữa. Lời chia tay với mình như một cách để cảnh tỉnh rằng mối quan hệ này đang có vấn đề, cần phải nghiêm túc suy nghĩ và nhìn nhận lại”, T. bộc bạch.

Thời còn trong mối quan hệ là người yêu, Võ Thị Mỹ Duyên (23 tuổi), ngụ tại xã Bình Tú, H.Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cũng từng chia tay nhau rồi quay lại vài lần, nhưng hiện tại cô nàng và chồng đã tổ chức đám cưới được 3 tháng.

Duyên kể: “Thời gian tụi mình chia tay nhau lâu nhất là sau 2 năm mới quay lại. Mình cũng không biết lý do vì sao quay lại được. Hồi đó chỉ tương tác với nhau trên mạng xã hội rồi hẹn đi cà phê. Lúc đó mình vẫn thấy anh ấy rất khó ưa nhưng không hiểu sao vẫn quay lại. Mình nghĩ chắc vì duyên nợ nên bây giờ mới thành vợ chồng”.

Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ nói không với kiểu yêu đương “lò vi sóng”. Họ cho rằng nếu đã nói lời chia tay là không có chuyện quay lại. Vì khi đưa ra quyết định chia tay là đã hết yêu hoặc mối quan hệ này có vấn đề. Đã trong mối quan hệ yêu đương được hơn 4 năm, nhưng chưa một lần Lê Thị Cẩm Tú (23 tuổi), ngụ tại kiệt 82 Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) nói lời chia tay rồi sau đó quay lại.

Tình yêu ‘lò vi sóng’ là gì, mà sao nhiều người nhắc tới...?- Ảnh 2.

Chia tay rồi quay lại nhiều lần liệu có nên?

ẢNH: B.T

Cô nàng chia sẻ: “Trong suốt thời gian yêu, 2 đứa có cãi nhau nhưng chưa bao giờ nói ra lời chia tay. Nếu mà nói lời chia tay thì có lẽ cả 2 đường ai nấy đi thật chứ không có chuyện quay lại”.

Với Tú, khi nói ra lời chia tay là đã suy nghĩ rất kỹ chứ không phải vì một phút nông nỗi hay tức giận. “Lúc mới yêu tụi mình cũng đã thống nhất với nhau rằng không thích mang lời chia tay ra để đùa giỡn hay chia tay vì tâm trạng bộc phát. Khi nào đã suy nghĩ kỹ, có lý do chính đáng thì mới nói lời chia tay”, cô nàng tâm sự.

Có nên chọn cách yêu theo kiểu "lò vi sóng"?

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel (TP.HCM), cho rằng sở dĩ người trẻ dễ dàng chia tay và quay trở lại với nhau là vì sau cuộc cãi vã thường sẽ có thời gian suy nghĩ về hành động mình đã làm và cảm giác tội lỗi, cô đơn. Do vậy, tình cảm cùng sự nhung nhớ đã thúc đẩy sự làm lành giữa các cặp đôi.

Bên cạnh đó, việc người trẻ dễ dàng nói chia tay và sau đó là mong muốn được quay lại với nhau cũng xuất phát từ nhiều lý do. "Vì thiếu sự chín chắn khi đưa ra quyết định; khả năng đối diện và giải quyết vấn đề của họ ở mức thấp; do thiếu khả năng lắng nghe và thấu hiểu đối phương cùng cái tôi lớn của các cặp đôi; do ảnh hưởng từ các cặp đôi khác dẫn đến sự so sánh và đưa ra quyết định vội vàng hoặc nghe chia sẻ của những người ngoài cuộc, dẫn đến sai lầm; cũng có thể là do những cặp đôi đó chưa đong đầy cảm xúc và hình thành tình cảm sâu sắc với nhau", thạc sĩ Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, việc chia tay rồi quay lại diễn ra nhiều lần có thể sẽ để lại những hệ luỵ. "Làm tổn thương nhau và có cảm giác mất đi sự tôn trọng trong mối quan hệ. Sự nghi ngờ và phòng vệ sẽ xuất hiện, giảm đi sự đầu tư cho mối quan hệ, khó đạt được hạnh phúc lâu dài", ông Thịnh cho hay.

Vì vậy, theo ông Thịnh, trong mối quan hệ yêu đương, nếu chọn cách yêu theo kiểu "lò vi sóng" thì sẽ khó tạo ra một mối quan hệ lâu dài và giá trị ý nghĩa. "Ảnh hưởng đến đời sống, công việc, sức khỏe thể chất và tinh thần. Quen theo kiểu "lò vi sóng" sẽ làm cho các cặp đôi chạy theo mối quan hệ ngắn hạn, không định hướng xây dựng gắn bó lâu dài, khó tạo ra một gia đình hạnh phúc, mang giá trị pháp lý để xây dựng và phát triển xã hội, đất nước" thạc sĩ Thịnh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.