Bà Lê Nguyệt Bảo vẫn nhớ rõ thời điểm chồng mình - thầy giáo Phạm Hoài Thủy, nhận lệnh tổng động viên và lên đường. “Chồng nhận lệnh lên đường vào đúng bữa cơm trưa ngày 2.9.1972, tôi ở lại với 2 người con lớn và cũng đang có bầu con thứ 3. Khi đó tôi sơ tán ở trường học sinh miền Nam tại Tam Đảo. Khi chồng đi bộ đội, tôi có cái gánh là nuôi bố chồng mẹ chồng, em chồng, 2 đứa con và em bé sắp chào đời”, bà Nguyệt Bảo nhớ lại.
Ông Phạm Hoài Thủy và bà Lê Nguyệt Bảo |
TL Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam |
Trước khi đi, ông Hoài Thủy rất lo chuyện có người hỏi vì sao chồng đi bộ đội mà vợ lại có em bé. Ông Thủy bèn viết thư cho cả họ, nói là vợ con có mang. “Rồi 4.1.1973 tôi sinh. Hồi đó vất vả lắm dù không nghén. Tôi phải lo kinh tế, kiếm củi trên rừng, trồng rau, nuôi gà. Trên đó có nhiều đất. Bố mẹ thấy tôi vất vả quá lại quay về Hà Nội, sống ở thị trấn Gia Lâm”, bà Nguyệt Bảo nói.
Xa nhau đằng đẵng 4 năm, mọi tình cảm ông Thủy gửi hết vào thư. “Khi tôi sinh con, anh ấy nằm mơ thấy tôi mang con gái vào, chỉ có khác là tôi sinh con trai. Sau đó, ngày nào ông cũng có nhật ký ghi tất cả những gì về vợ về con”, bà Bảo nói.
Những năm tháng chồng đi vắng, bà Bảo nhận được rất nhiều thư, nhưng không viết lại được cho chồng vì việc nhà quá bận. “Tôi cũng bươn chải, trồng rau nuôi gà, có khi 2 giờ sáng vẫn còn đi bắt sâu. Mình phải rất là tự hào mình có chồng bộ đội; cũng có những người không được đi bộ đội đấy”, bà Bảo nói.
Hai vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn - Thanh Hồng |
TL Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam |
Tại trưng bày Tình yêu trong chiến tranh có 12 câu chuyện tình xúc động, và được đặt tên riêng. Chuyện của bà Bảo được đặt tên là Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau. Nhưng ông Thủy còn trở về. Còn trong chuyện Một tháng 2 ngày, liệt sĩ Phạm Đình Thông đã không bao giờ trở về với vợ là bà Trương Thị Sẻ nữa. Cưới được 1 tuần ông đã vào đơn vị, tổng cộng số ngày 2 người sống bên nhau chỉ 1 tháng 2 ngày. Đám cưới trên tháp pháo xe tăng lại kể về cô sinh viên y khoa Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Đại đoàn 308 - ông Cao Văn Khánh. Nguồn cảm hứng của bài hát Lời người ra đi hé lộ tình yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Thanh Hồng…
Tại Tình yêu trong chiến tranh, khách mời cũng được giao lưu với nhân vật. Họ thuộc Đội Nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là thương binh, thân nhân liệt sĩ, thành viên “Câu lạc bộ Trái tim Người lính”. Họ cũng tặng lại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhiều kỷ vật. Những kỷ vật ấy, theo kế hoạch, sẽ lại được giới thiệu với công chúng trong thời gian tới.
Trong suốt buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, không kìm được cảm xúc. Bà chạy ra chạy vào khỏi khán phòng sự kiện nhiều lần, mắt ngân ngấn. “Tôi đã đọc tư liệu về các bác, và tôi cứ nghĩ đến lại bị xúc động”, bà Tuyết nói.
Bình luận (0)