46 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2025)

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam

16/02/2025 06:22 GMT+7

Đến xã An Lão (H.Bình Lục, Hà Nam) mới biết ở đây có một người dân tộc Thái chính gốc. Đó là chị Lương Thị Thuận, ở bản Nà Củng (xã Mường So, H.Phong Thổ, Lai Châu), đã theo anh bộ đội Lê Công Ứng về xuôi làm dâu, sống hạnh phúc mấy chục năm nay.

5 năm bảo vệ biên giới

Cuối tháng 8.1978, chàng trai Lê Công Ứng là thanh niên duy nhất của xã An Lão vừa tốt nghiệp lớp 10/10 đã tình nguyện nhập ngũ và được đưa thẳng lên Phong Thổ (Lai Châu) huấn luyện tại Trung đoàn bộ binh 193 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu). Tháng 11.1978, binh nhất Lê Công Ứng được đưa về Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 193.

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 1.

Vợ chồng ông Lê Công Ứng và bà Lương Thị Thuận

ẢNH: M.T.H

Đầu tháng 1.1979, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 nâng cấp báo động sẵn sàng chiến đấu. Đại đội 12 hỏa lực đang ở doanh trại Chăn Nưa, cấp tốc hành quân về Pa Son xây dựng trận địa. Binh nhất Lê Công Ứng ở khẩu đội 12,7 mm chốt giữ khu vực ngã 3 đầu cầu Pa So (thị trấn Phong Thổ).

Ngày 28.2.1979, quân Trung Quốc vượt qua tuyến phòng ngự của ta ở biên giới, tấn công vào thị trấn Phong Thổ và các trận địa của Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 193) ở các điểm cao 560, 880, Pa So… Khẩu đội 12,7 mm của binh nhất Lê Công Ứng cùng các đơn vị trong tiểu đoàn đánh trả quyết liệt, diệt nhiều sinh lực địch, giữ vững trận địa.

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 2.

Đơn vị hỏa lực của Trung đoàn 193 chi viện cho các trận địa chặn địch

ẢNH: TƯ LIỆU

Sau khi quân Trung Quốc rút khỏi Lai Châu, hạ sĩ Lê Công Ứng được cử làm khẩu đội trưởng DKZ, phụ trách trung đội. Cuối năm 1981, anh Ứng nhận quyết định làm quản lý hậu cần của Đại đội 12.

Tháng 8.1983, thượng sĩ Lê Công Ứng xuất ngũ, về học Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện I thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ ở Hà Bắc (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang) đến hết năm 1986.

Giữa tháng 4.1987, anh Ứng bất ngờ quay trở lại Lai Châu thăm đồng đội cũ và nói chuyện, lúc ấy mọi người mới biết anh và cô giáo Lương Thị Thuận đã yêu nhau từ vài năm trước. Và nay, anh quay lại để chính thức hỏi cưới chị Thuận, sau khi đã học nghề xong.

Mối tình 10 năm

Chị Lương Thị Thuận là người dân tộc Thái, sinh năm 1962, tại bản Nà Củng, xã Mường So, H.Phong Thổ, Lai Châu. Tháng 6.1977, chị Thuận là người duy nhất trong bản tốt nghiệp lớp 7 hết cấp 2 (hệ 10/10) và được cả xã bầu làm giáo viên dạy lớp vỡ lòng cho trẻ em bản.

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 3.

Bộ đội địa phương Lai Châu đánh địch, tháng 3.1979

ẢNH: TƯ LIỆU

Cuối năm 1978, binh nhất Lê Công Ứng đóng quân ở bản Nà Củng, nghe nói chuyện về "cô gái có trình độ cao nhất", đã tìm đến lớp học làm quen. Ban đầu, bà Thuận khước từ bởi ông Ứng không cùng dân tộc, nhà lại ở dưới xuôi, không cùng phong tục tập quán.

Thế nhưng thư đi thư lại và nhất là sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2.1979, chứng kiến những người lính dưới xuôi lên kiên cường chiến đấu đánh trả quân xâm lược, bảo vệ bản làng, người dân…, bà Thuận mới dần cảm mến và thi thoảng cho phép ông Ứng gặp mặt.

Khi ông Ứng xuất ngũ về học nghề, 3 năm liền không lên Lai Châu, chỉ liên lạc qua thư, bà Thuận càng chắc chắn: "Tán tỉnh linh tinh". Chính vì vậy, giữa tháng 4.1987, ông Ứng tốt nghiệp ra trường và tìm lên Lai Châu hỏi cưới, bà thẳng thắn: "Bố mẹ không cho lấy chồng xa"…

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 4.

Bộ đội đồn biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ biên giới, tháng 3.1979

ẢNH: T.L

Ông Ứng thất vọng trở về trường chờ phân công công tác. Đúng thời điểm này, Bộ Công nghiệp nhẹ tuyển một số công nhân đi lao động xuất khẩu tại Magdeburg, thuộc Cộng hòa dân chủ Đức (nay là thành phố Magdeburg của tiểu bang Sachsen-Anhalt, Cộng hòa liên bang Đức). Ông Lê Công Ứng nộp đơn và được nhận ngay, do đã có 5 năm phục vụ trong quân đội, tham gia chiến tranh biên giới và là đảng viên.

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 5.

Cầu Pa So ở thị trấn Phong Thổ, nơi ghi dấu những trận đánh ác liệt tháng 2.1979

ẢNH: M.T.H

Hơn 3 năm làm công nhân may ở Đức, ông Ứng liên tục viết thư cho bà Thuận, hẹn khi về sẽ tổ chức lễ cưới. Cảm động trước tấm lòng của người con trai, bà Thuận gửi ông chiếc gối thêu câu thơ: "Thương anh, em gửi gối này. Ngàn năm vẫn nhớ những ngày thương nhau".

Ở bên nhau là không nuối tiếc

Cuối năm 1990, ông Ứng hết thời gian lao động xuất khẩu, trở về VN và ngay lập tức đưa bố mẹ lên Lai Châu hỏi cưới bà Thuận. Cuối tháng 12.1990, lễ cưới của chú rể người Kinh với cô dâu người Thái lần đầu tiên diễn ra ở H.Bình Lục (Hà Nam) khiến người dân xung quanh nô nức kéo đến xem… trang phục dân tộc của đại diện nhà gái.

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 6.

Đám cưới của ông Ứng, bà Thuận cuối năm 1990

ẢNH: M.T.H

Ngồi với tôi, bà Thuận lẩn mẩn: "Ban đầu bố mẹ không cho yêu, lo lấy chồng xa sẽ khổ. Những ngày đầu về làm dâu Hà Nam cũng khổ thật. Mình quen mặc váy, cả làng đến xem. Trên bản mình chỉ phải gánh nước, về đây phải đi làm ruộng, cấy lúa, gánh phân, kéo bừa. Nhà mình ven suối ven rừng nên không bao giờ thiếu đói, về quê chồng thì thiếu cơm, thức ăn chủ yếu là rau luộc, có khi mình phải ăn vụng tóp mỡ vì thèm thịt quá".

Bà Thuận cười: "Ban ngày đi làm thì thôi, nhưng cứ đêm ngủ là mơ được lên lại Mường So. Bố mẹ, anh em nhà chồng biết mình là người Thái đầu tiên ở Lai Châu lấy chồng dưới xuôi, bỏ rừng về xuôi, nên thương quý và chăm sóc hết mực. Yêu nhau, không tiếc".

Tình yêu từ chiến hào: Cô gái Thái về làm dâu Hà Nam- Ảnh 7.

Nhân dân Lai Châu đưa thương binh về phía sau, tháng 2.1979

ẢNH: T.L

Riêng ông Lê Công Ứng thì chậm rãi kể với tôi: "Con gái dân tộc Thái thường lấy chồng rất sớm. Bà ấy đợi tôi 10 năm liền, chấp nhận bỏ quê hương ruột thịt để theo tôi, thì càng phải trân trọng. Mình chỉ là người lính, lúc chiến đấu được đồng bào che chở giúp đỡ, khi yên lành, đồng bào lại cho cưới con gái và đưa về xuôi. Đồng bào tin tưởng yêu mến như thế, càng phải sống tốt và sống xứng đáng với biên giới"…

Hiện nay, ông bà Ứng - Thuận đang bán hàng tạp hóa tại chợ trung tâm xã An Lão. Hai cậu con trai lập nghiệp ở TP.HCM và Quảng Ngãi, nên ông bà thường xuyên lên Phong Thổ thăm quê ngoại và tìm về chiến trường xưa. (còn tiếp)

Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc ở tỉnh Lai Châu

Sáng 17.2.1979, đối phương chia làm 3 mũi tấn công vào Ma Ly Pho, Mù Sang, Khoang Thèn… khống chế tuyến đường 12 để xe tăng, cơ giới đánh chiếm Nậm Cáy, Mờ Sì Câu (Phong Thổ). Các đơn vị của Trung đoàn 741 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu) và Đồn biên phòng 33 đã đánh trả quyết liệt, buộc địch phải rút lui về sát biên giới.

Ở hướng Huổi Luông - Pa Tần (Sìn Hồ), đối phương cũng chia làm 3 mũi tấn công Hồ Thầu, Huổi Luông, cao điểm 1262, 551… nhằm chiếm Pa Tần, cắt đường Lai Châu đi Phong Thổ. Tuy nhiên chúng đã bị Tiểu đoàn 2 (Ban Chỉ huy quân sự H.Sìn Hồ) và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 193 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu) chặn đánh quyết liệt.

Hướng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ), một trung đoàn bộ binh địch có pháo binh chi viện tiến công vào Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu và Vàng Ma Chải.

Hướng Mường Tè (nay thuộc tỉnh Điện Biên), ngày 21.2.1979, đối phương tổ chức 1 trung đoàn tấn công A Pa Chải, nhưng bị bộ đội biên phòng đánh trả quyết liệt, phải rút về bên kia biên giới ngày 23.2. Ngày 7.3.1979, khoảng 2 tiểu đoàn đối phương bao vây tấn công Trạm biên phòng U Ma Tu Khoòng (thuộc Đồn biên phòng Thu Lũm), lực lượng ta có 29 bộ đội và 9 dân quân đẩy lùi 4 đợt tấn công, giữ vững trận địa.

Đến ngày 23.2.1979, địch chiếm được nhiều khu vực quan trọng (Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm…), một số điểm cao ở Sìn Hồ và dùng xe tăng, bộ binh vây đánh Nậm Cáy - Mồ Sì Câu… Bộ đội của Tiểu đoàn 1 và 907 (Trung đoàn bộ binh 741) giằng co với địch từng tấc đất, từng khe suối, quyết tâm bảo vệ khu vực phòng ngự then chốt.

Ngày 3.3.1979, địch đánh chiếm khu vực thị trấn Phong Thổ (khi ấy đóng ở xã Mường So, H.Phong Thổ hiện nay) và tiến quân bao vây Dền Thàng, Dào San, dãy cao điểm 1585. Trong 2 ngày đêm liên tục, địch tổ chức tấn công nhưng đều vấp phải sự chống trả kiên cường của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 741), Đại đội 2 và 5 của Trung đoàn 193… Đến 8 giờ sáng 8.3, địch chiếm cụm điểm tựa 1585 và khu vực Dào San.

Trưa 10.3, địch rút khỏi thị trấn Phong Thổ theo đội hình sâu đo. Rút đến đâu chúng phá sập các cầu cống giao thông đến đó.

(Nguồn: Lịch sử Bộ tham mưu Quân khu 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.