46 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2025):

Tình yêu từ chiến hào: Cổ tích ở Lạng Sơn

17/02/2025 08:00 GMT+7

Căn nhà của ông bà nằm sâu trong ngõ ở Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và những câu hát quan họ. Ông cười: 'Tớ yêu và quyết lấy bà ấy từ câu hát quan họ trên trận địa Lạng Sơn 45 năm về trước'.

Nên duyên từ trận địa

Bà Lê Thu Thủy, sinh năm 1960, ở phố Hàng Than, P.Nguyễn Trung Trực, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Là con gái của cố nhà giáo Lê Trung Khánh (cựu giáo viên môn lịch sử, Trường THPT Phạm Hồng Thái, Q.Ba Đình), sau khi tốt nghiệp cấp 3 (hệ 10/10), bà theo học khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội (khóa 1978 - 1983).

 - Ảnh 1.

Nữ sinh viên Lê Thu Thủy (bìa trái) tại Lạng Sơn, tháng 8.1980

ẢNH: T.L

Do có năng khiếu văn nghệ, cuối tháng 7.1980, bà được Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển vào đội văn nghệ xung kích, lên biểu diễn phục vụ bộ đội Sư đoàn 337 đang chốt giữ biên giới Lạng Sơn.

Sau buổi diễn đầu tiên tại đại hội Đoàn của Trung đoàn 4, tốp của bà Thủy được đưa xuống các chốt tiền tiêu của Tiểu đoàn 1 và gây ấn tượng mạnh với thiếu úy - đại đội trưởng Hà Đăng Ninh. "Thực ra, tôi mê cô ấy đầu tiên nên trong suốt tuần đầu của tháng 8.1980, nhóm văn nghệ xung kích đi đến trận địa nào của tiểu đoàn, tôi cũng đi theo với lý do dẫn đường", ông Hà Đăng Ninh cười, nhớ lại.

Sau gần 3 năm yêu nhau, tháng 1.1983, đám cưới của đại đội trưởng Hà Đăng Ninh và nữ sinh viên Lê Thu Thủy được tổ chức.

Bỏ phố lên biên giới với chồng

Cuối năm 1983, bà Thủy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và được phân công về TP.Hải Phòng. Tuy nhiên, bà xin lên công tác ở Trường cấp 3 Lộc Bình (nay là Trường THPT Lộc Bình, H.Lộc Bình, Lạng Sơn).

 - Ảnh 2.

Vợ chồng ông bà Ninh - Thủy và con trai Hà Đăng Sơn

ẢNH: T.L

"Ai cũng tròn mắt: con gái Hà Nội lên chỗ biên giới lửa đạn nguy hiểm, thiếu thốn làm gì?", bà Thủy kể lại và nhớ khi đó gia tài lớn nhất là chiếc xe đạp, bà Thủy bắt chồng mang lên đơn vị để còn đi họp hành, kiểm tra. Mỗi tháng 2 - 3 lần, bà vượt hơn 40 km từ Lộc Bình lên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 (khi ấy đóng quân ở cửa khẩu Hữu Nghị, TT.Đồng Đăng, H.Cao Lộc) thăm chồng bằng cách đi nhờ xe tải chở than, xe quân sự lên công tác biên giới, mượn xe đạp… và nhiều nhất là đi bộ.

 - Ảnh 3.

Ông bà Ninh - Thủy ôn lại kỷ niệm ngày xưa

ẢNH: M.T.H

Sau tháng 3.1979, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số khu vực ở biên giới Lạng Sơn và thường khiêu khích vũ trang, phục kích bắt cóc, nổ súng sang ta… Việc cô giáo Thủy vượt bao nguy hiểm, lên biên giới thăm chồng khiến bộ đội vô cùng thán phục, gọi bà là "sĩ quan cơ động của Tiểu đoàn 1".

Đầu tháng 4.1984, bà Thủy lên đơn vị báo tin vui có em bé cho thượng úy - tiểu đoàn trưởng Hà Đăng Ninh. Đúng đêm ấy, đối phương bắn pháo dữ dội vào các trận địa của ta, sâu vào nội địa 10 km. Thượng úy Ninh, trước khi chạy lên sở chỉ huy tiền phương, đưa cho vợ khẩu súng AK, chỉ cách sử dụng và dặn: "Khi bóp cò, đừng chĩa súng vào anh em mình là được". Trong thời gian ở hậu cứ, cô giáo Thủy cùng bộ đội khênh vác tài liệu cất giữ, mang đạn ra chiến hào… Do vận động nhiều, bà bị băng huyết và mất đứa con đầu, giữa tiếng pháo địch ầm ầm.

 - Ảnh 4.

Cùng biểu diễn văn nghệ

ẢNH: M.T.H

Năm 1985, cậu con trai Hà Đăng Sơn ra đời và lại thường xuyên được mẹ gùi cõng lên biên giới thăm bố. Đến năm 1987, cô giáo Lê Thu Thủy hết thời gian công tác 4 năm ở biên giới, chuyển về dạy môn toán - lý ở Trường cấp 2 Trâu Quỳ (nay là Trường THCS TT.Trâu Quỳ, H.Gia Lâm) 2 năm và thêm 5 năm ở Trường cấp 1 - 2 Gia Lâm A (nay là Trường THCS Ngọc Lâm, Q.Long Biên). Cuối năm 1994, bà chuyển về Trường THPT Phạm Hồng Thái (Q.Ba Đình) dạy môn vật lý và nghỉ hưu năm 2015.

Đi đâu cũng phải có nhau

Tháng 1.1993, thiếu tá Hà Đăng Ninh nghỉ ở tuổi 38 và được nhận vào làm hợp đồng ở nghĩa trang Mai Dịch. Năm 2014, ông chính thức nghỉ hưu với chức danh trưởng ban quản lý nghĩa trang. Ngay sau đó, ông cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 4, Sư đoàn 377 (nay là Đoàn kinh tế quốc phòng 4, Quân khu 4) quyên góp, xin tài trợ, lo thủ tục giấy tờ để xây dựng nhà tưởng niệm 33 chiến sĩ, y tá, thương bệnh binh đã hy sinh ngày 12.3.1975 tại trạm phẫu tiền phương thôn Triều Dương, xã Phong Hiền, H.Phong Điền, TP.Huế.

 - Ảnh 5.

“Chị hai quan họ” Lê Thu Thủy và cựu chiến binh Hà Đăng Ninh

ẢNH: M.T.H

Cô giáo Lê Thu Thủy gan góc của 45 năm về trước, giờ đã nghỉ hưu và trở thành "chị hai quan họ" nhiệt huyết của Câu lạc bộ quan họ truyền thống Nhị Hà, luôn bận bịu với các hoạt động, phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương, hội cựu chiến binh, biểu diễn phục vụ thương bệnh binh, công tác xã hội từ thiện… Mỗi lần bà đi biểu diễn, ông đều đi theo… bảo vệ như ngày đầu gặp nhau trên trận địa Lạng Sơn và dần ông cũng tham gia múa hát cùng bà, rất hạnh phúc… (còn tiếp)

Tháng 8.1971, ông Hà Đăng Ninh (sinh năm 1954, ở Diễn Châu, Nghệ An) khai tăng tuổi để được nhập ngũ đơn vị K15 (mặt trận Trị Thiên). Từ tháng 3.1972, ông chiến đấu ở đường 9 và Thành Cổ - Quảng Trị. Đầu năm 1973, K15 sáp nhập Trung đoàn bộ binh 4 và đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 1.

Do có thành tích bắn cháy 2 xe tăng trong chiến dịch Trị Thiên 1972, chiến sĩ Hà Đăng Ninh được cử làm tiểu đội trưởng, chỉ huy trung đội chốt giữ điểm cao 61 và đến cuối năm 1974 thì về Phong Điền làm mũi trưởng giao liên. Sau ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế (26.3.1975), ông về lại đơn vị làm trung đội trưởng.

Cuối tháng 7.1978, Bộ Quốc phòng thành lập Sư đoàn bộ binh 337 (trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 678, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào), gồm Trung đoàn bộ binh 4 và một số đơn vị khác. Hạ sĩ Hà Đăng Ninh được phong quân hàm vượt cấp lên chuẩn úy - đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 337.

Ngày 17.2.1979, súng nổ trên toàn tuyến biên giới phía bắc. Sư đoàn 337 đang đóng quân ở TP.Vinh (Nghệ An) nhận lệnh khẩn cấp tăng cường cho Quân khu 1 và tổ chức phòng ngự xung quanh cầu Khánh Khê (Lạng Sơn).

Từ sáng 28.2.1979, quân Trung Quốc tấn công khu vực cầu Khánh Khê. Đặc biệt, sáng 1.3.1979, đối phương bao vây, tấn công trận địa phòng ngự của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 (khu vực nay ở xã Nhạc Kỳ, H.Văn Lãng, Lạng Sơn). Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hồng và đại đội trưởng Hà Đăng Ninh, lực lượng ta vừa kiên cường giữ chốt, vừa bí mật luồn phía sau, đánh vu hồi vào đội hình co cụm của đối phương, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Năm 1982, ông Ninh được phong quân hàm trung úy - phó tiểu đoàn trưởng; 1984 là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 và đến 1987 là đại úy - phó tham mưu trưởng Trung đoàn 4. Tháng 1.1993, thiếu tá Hà Đăng Ninh xin nghỉ ở tuổi 38.

"Mình không được học hành bài bản, chỉ biết hùng hục đánh nhau. Hòa bình rồi, phải nhường chỗ cho cán bộ trẻ, có trình độ chỉ huy tham mưu, đưa quân đội tiến lên tinh - gọn - mạnh. Ở lại, vừa lạc hậu vừa cản đường người trẻ", cựu chiến binh Hà Đăng Ninh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.