Chị Phương chăm chút dỗ dành một bà cụ uống sữa - Ảnh: Thanh Tuấn |
Trung tâm nằm yên tĩnh trên đường Phan Tứ, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, chiều chiều, những mái đầu bạc trắng quây quần dưới bóng cây chuyện trò. Ông Nguyễn Quang Bi, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Các cụ đều từ 78 tuổi đến người lớn tuổi nhất là 104 tuổi, sau giờ điều dưỡng hằng ngày, mỗi người thường chọn một công việc như quét sân, tưới rau cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà và cô đơn vì không còn thân nhân”.
Chiều nào ông Bi cũng đến thăm cụ Nguyễn Hữu Sương (63 tuổi) để nghe giọng thơ của người cựu binh. “Đêm đến anh quên mình trong chốc lát/Ta ngỡ đời tràn những mùa xuân...”, giọng cụ Sương vọng giữa căn phòng trống, đôi mắt xa xăm hồi tưởng mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, cụ bị thương nặng được đưa về hậu phương và mất liên lạc với người yêu, sống cô đơn đến tận bây giờ.
Hộ lý Nguyễn Thị Toản cho hay cụ Sương giờ đã lãng nên thường nổi nóng, có bữa đút cháo bị cụ phun đầy mặt nhưng chị vẫn nghĩ đủ trò vui để cho cụ ăn. “Các hộ lý chăm sóc các cụ không chỉ bằng tình thương mà còn trách nhiệm với những người đã hi sinh cho đất nước, không chỉ cẩn trọng trong từng miếng ăn giấc ngủ mà còn phải hiểu tâm tư, nỗi lòng của họ mới làm tốt được công việc,”- chị Toản nói.
Ngoài chăm từng miếng ăn giấc ngủ, trung tâm còn theo dõi bệnh tật cho các cụ, do tuổi cao, thời trẻ lại tham gia chiến đấu nên ai cũng có bệnh trong người, nhưng trung tâm chỉ có 2 y sĩ.
Ông Nguyễn Quang Bi trăn trở: “Trung tâm đang thiếu người nên để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều lúc lãnh đạo trung tâm cũng phải tự tay xuống tận phòng quét dọn, đút cơm cháo cho các cụ nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc vì đó là bổn phận của con cháu đối với thế hệ hi sinh vì độc lập dân tộc”.
Nguyễn Tú - Thanh Tuấn
Bình luận (0)