Tờ báo thuở xưa: Nguyễn An Ninh bán báo dạo khắp Sài Gòn

16/06/2023 07:45 GMT+7

Báo chí để đến tay độc giả, thật có lắm đường nhiều nẻo. Nào đội ngũ bán báo dạo, nào đại lý. Lại có cả đội ngũ phái viên đến thu tiền những độc giả đọc trước, trả sau.

Đọc báo trước, trả tiền sau

Những tờ báo cách mạng thường phát hành bí mật, con đường để báo đến với độc giả theo mối dây riêng. Trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Trần Huy Liệu cho biết có anh bạn Nguyễn Văn Phổ làm vô tuyến điện trên tàu Merlin, vận chuyển sách báo cách mạng từ Nam ra Bắc. Đến ngục tù là nơi giam giữ tù nhân, sự kiểm soát thực gắt gao, nhưng báo chí vẫn được chuyển đến. Năm 1930, sự kiện treo cờ đỏ búa liềm lên nóc lô cốt nhà lao Hải Phòng để kỷ niệm Cách mạng tháng 10 khiến bọn giám thị một phen hốt hoảng, Đông Pháp thời báo ra ngày 10.11.1930 đăng tin và mẩu báo ấy được bí mật gửi vào cho tù cộng sản đọc.

Khi bị giam ở Côn Đảo, Nguyễn Đức Chính trong nhiều bức thư gửi em trai thường đề cập đến báo chí. Thư ngày 2.3.1935 ông Chính dặn em gửi cho mình sách và tạp chí văn chương. Nhiều bức thư đề cập đến việc báo Đông Pháp, Tiếng chuông sớm, Je suis partout, Nouvelles littéraies đã được gửi ra Côn Đảo. Với báo cộng sản phát hành hợp pháp, hồi ký Chặng đường nóng bỏng của Hoàng Quốc Việt cho biết vào cuối những năm 1930, báo được phát hành đến độc giả thông qua những người bán báo, mà đa phần họ là những chính trị phạm đã ra tù.

Tờ báo thuở xưa: Nguyễn An Ninh bán báo dạo khắp Sài Gòn - Ảnh 1.

Bên trái manchette báo Tiếng dân số 1093 ghi “Mua báo và đăng quảng cáo xin trả tiền trước”

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Trong tác phẩm Tuổi già, Sơn Nam nhớ năm 1936, báo chí ở Sài Gòn có cách tiếp thị độc đáo. Tòa soạn gửi báo cho độc giả xem trước, vài tháng sau báo cử "phái viên" đến nhà độc giả để thu tiền. Để nhận báo chỉ việc viết thư gửi tòa soạn xin mua mà chưa cần trả tiền, thoải mái nhận báo đọc và sau trả tiền cho phái viên. Trước khi cử phái viên đến, báo đăng thông tin kèm ảnh phòng trường hợp mạo danh. Sơn Nam viết: "Thầy phái viên mặc áo vét, thắt cà vạt, xách cặp da đến nhà "con nợ", với bảng kê khai những số báo đã gửi theo bưu điện. Người mua báo vui mừng, xem vị phái viên như thượng khách, hãnh diện với chòm xóm". Sài Thành nhật báo số 54, ngày 26.1.1931 thông tin việc sẽ cử phái viên Lê Quang Giáp đến hai tỉnh Sa Đéc và Long Xuyên "để cổ động và thâu tiền" cho báo.

Cũng có lúc người được báo cử đi cổ động, thu tiền lại làm cho báo lâm vào cái thế khó xử vì không thông tin tức, nên một mất mười ngờ. Trong số 39 ra ngày 14.9.1935, báo Ánh sáng đưa tin: "M. Phạm Phúc Tuy đi cổ động và thu tiền cho A.S. ở miền Nam Trung Kỳ, M. Nguyễn Đình Miến ở miền Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, từ ngày A.S. còn đương xuất bản. Vì mấy lâu nay chưa được tin tức gì của hai ông ấy nên nhà báo chưa rõ sự thễ [thể] thế nào, còn đương điều tra, vậy từ nay xin các bạn đừng đóng tiền báo cho hai người ấy nữa".

Tờ báo thuở xưa: Nguyễn An Ninh bán báo dạo khắp Sài Gòn - Ảnh 2.

Ông chủ báo La Cloche Fêlée Nguyễn An Ninh trực tiếp cầm báo bán ở Sài Gòn

Tư liệu

Báo được mua, nhưng không ai đọc

Có những báo mới ra đời, để thu hút độc giả, đã biếu không cho độc giả "đọc chơi", nếu thấy ưng thì mua. Như Đông Việt tùng thư số 1 năm 1929 được biếu cho độc giả. Cũng có báo yêu cầu gửi tiền mua báo trước. Báo Tiếng dân ghi rõ nơi trang nhất "Mua báo phải trả tiền trước" (Tiếng dân số 2, 13.8.1927), "Mua báo và đăng quảng cáo xin trả tiền trước" (số 1093, 10.8.1937). Phụ nữ tân văn, Nam Kỳ tuần báo, Đại Việt tập chí… cũng theo lối này.

Lối phát hành báo chí phổ biến là thông qua những người bán báo lẻ ăn hoa hồng 20% giá báo và là lực lượng đông đảo để đưa báo đến với độc giả ở các đô thị. Báo Le Travail đấu tranh cho dân tộc, được quần chúng đón nhận nhiệt thành, nhất là đội ngũ trí thức, "mỗi số báo vừa ra khỏi nhà in, các thanh niên, sinh viên ôm từng chồng báo đi bán, bọn mật thám theo bở hơi tai cũng không nắm được hết số người mua báo và đọc báo", hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương ghi.

Nhờ hệ thống đại lý, các báo phủ sóng khắp các tỉnh thành. Thậm chí, báo từ hải ngoại cũng được phát hành công khai qua các hiệu sách, sạp báo. Trần Huy Liệu nhớ tại Chợ Lớn có hiệu sách Mỹ Quần bày bán nhiều sách, báo từ Trung Quốc như Tạp chí Tư tưởng, Tạp chí Phương Đông, Bình luận về cách mạng (Cách mạng bình luận), Tiếng gọi thanh niên (Thanh niên hô thanh)…

Có những báo như Nam Phong tạp chí hay Đông Dương tạp chí phát hành do sự bảo trợ của chính quyền, nên ở cơ quan công quyền có nơi nhận báo nhưng không đọc. Bùi Bằng Đoàn về làm tri huyện Văn Lâm, "mở tủ công đường, thấy Đông Dương tạp chí từ số 1, còn nguyên cả băng gửi". Còn Nam Phong tạp chí, Hồ Hữu Tường nhớ người cậu bà con làm hội đồng, "bị nhà nước ép mua dài hạn tạp chí nầy. Nhưng trong nhà chẳng ai thèm đọc nó. Mỗi tháng, anh trạm thư đem đến một số. Nó liền bị ném vào góc, tha hồ ai muốn dùng cách nào thì dùng".

Có trường hợp phát hành báo rất khác biệt. Tờ La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) là báo Pháp ngữ yêu nước, chống chính quyền thuộc địa nên không đại lý nào dám nhận bán: "Một ấn tượng sâu sắc đã gieo vào nhân dân thành phố Sài Gòn: người thanh niên trạc non 30 tuổi, béo thấp, đầu để tóc bù sù [xù] theo kiểu "nhà triết học", mặc áo trắng dài, ôm báo La Cloche Fêlée đi bán", Trần Huy Liệu nhớ về ông chủ báo Nguyễn An Ninh trong hồi ký Đảng Thanh niên. Nguiễn Ngu Í thì ghi về ông Ninh, "báo in xong, mặc áo dài, ôm đi rao bán khắp phố phường, gặp người kích bác thì đứng lại tranh biện hàng giờ, khi mệt thì cứ ngồi xuống lề đường mà nghỉ". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.